Ðể “loa phường” hữu dụng hơn
Không thể phủ nhận vai trò của hệ thống đài truyền thanh ở cơ sở. Song, để “loa phường” hữu dụng hơn, cần từng bước hiện đại hóa, điều chỉnh để phù hợp thực tiễn, khắc phục các hạn chế như thời điểm phát sóng quá sớm, âm lượng rất lớn, nội dung ít tính thời sự…
1. Phản ánh đến Báo Bình Định, một bạn đọc (đề nghị giấu tên) ở phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn) bày tỏ bức xúc về việc loa phát thanh phát với âm lượng rất lớn vào sáng sớm. Cùng với đó, chương trình phát thanh có bài tập thể dục với tiếng hô lớn trong khi chẳng ai tập theo; nội dung thông tin chương trình có khi chưa thời sự, gần gũi thực tế địa phương...
TP Quy Nhơn có mật độ dân số đông, nhà cửa san sát nên sự “tác động” của âm thanh loa phường cũng nhiều hơn. Cách đây hơn một tháng, Sở TT&TT đề nghị các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh báo cáo số liệu, những vấn đề tồn tại, khó khăn của hệ thống truyền thanh cơ sở. Duy nhất TP Quy Nhơn trong báo cáo có nêu: “Một số hộ dân gần cụm loa phản ánh vì tiếng ồn và thời gian phát đài vào buổi sáng 4 giờ 45 phút là quá sớm, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ”.
Chuẩn bị cho chương trình phát thanh chiều 19.11 tại Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn. Ảnh: M.T
Về vấn đề âm lượng loa phát thanh, theo những người có kinh nghiệm, trước khi lắp đặt các cụm loa, cần khảo sát, lựa chọn vị trí phù hợp; sau khi lắp đặt tiếp tục theo dõi âm lượng phát từ Đài Truyền thanh phường, xã (ĐTTPX) đến các cụm loa để điều chỉnh theo thực tế các khu dân cư, phản hồi của người dân. Ngoài kiến thức, kinh nghiệm, còn có yếu tố quan trọng từ tinh thần trách nhiệm của những người hoạt động không chuyên trách tại ĐTTPX, chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên biến động, nhận chế độ thấp…
2. Hiện 21 ĐTTPX của TP Quy Nhơn tiếp sóng, phát lại các chương trình thời sự phát thanh của Trung tâm VH-TT&TT thành phố, Đài PT&TH tỉnh, Đài Tiếng nói Việt Nam vào buổi sáng (từ 4 giờ 45 phút đến 6 giờ 30 phút) và buổi chiều (từ 17 giờ 30 đến 18 giờ 45). Bên cạnh đó, ĐTTPX ở Quy Nhơn xây dựng riêng 2 chương trình trở lên hằng tuần, với thời gian phát tùy theo địa phương (ngoài khung giờ tiếp sóng đài cấp trên).
Theo bà Nguyễn Thị Quý Nhất, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, khung giờ phát sóng trên của đơn vị là đáp ứng theo quy định, được duy trì trong rất nhiều năm qua, bám sát theo khung giờ sau đó dành cho đài cấp trên. Việc tiếp sóng, phát lại của ĐTTPX có quy định trong Quy chế quản lý hoạt động của ĐTTPX trên địa bàn tỉnh, được UBND tỉnh ban hành tháng 8.2021.
Trao đổi về nội dung chương trình phát thanh, bà Nhất cho biết: Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn luôn ghi nhận ý kiến của khán thính giả, người dân, trong đó có nhiều cán bộ hưu trí rất quan tâm đến chương trình phát thanh. Qua đó, xem xét điều chỉnh phù hợp thực tế, đúng quy định, đảm bảo các nhiệm vụ được giao. Thời gian qua, Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn tiếp tục nỗ lực tuyên truyền, phản ánh kịp thời hơn các vấn đề, hoạt động trên nhiều lĩnh vực của thành phố. Chỉ thông tin lại nhiều lần đối với những vấn đề, nội dung cần đẩy mạnh tuyên truyền theo chỉ đạo của cấp trên, còn lại cố gắng có nhiều tin, bài thời sự trong ngày, những thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống người dân.
3. Từ sự quan tâm của tỉnh và UBND TP Quy Nhơn, có 10 ĐTTPX của thành phố đã lắp đặt hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông (truyền thanh thông minh; trong đó có 9 phường, xã mới lắp đặt cách đây khoảng hơn 2 tháng), với nhiều ưu điểm. Dự kiến trong năm 2023, 11 ĐTTPX còn lại cũng sẽ được đầu tư hệ thống này.
Đài Truyền thanh phường Lê Hồng Phong lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh từ tháng 9.2022, với các cụm loa tại trụ sở UBND phường và trụ sở 7 khu phố. “Khi nhà cung cấp lắp đặt cụm loa tại các điểm, tôi đến theo dõi, kịp thời góp ý không nên để loa chĩa trực tiếp vào nhà dân. Sau khi lắp đặt, mình tiếp tục khảo sát thực tế các khu dân cư, nếu cần thiết và có thể được thì điều chỉnh hướng loa và âm lượng cho hài hòa…”, ông Lương Văn Lực, nhân viên Đài Truyền thanh phường Lê Hồng Phong, cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Đài Truyền thanh phường Lê Hồng Phong, hệ thống truyền thanh thông minh giúp theo dõi tốt hơn hoạt động của từng cụm loa. Đối với hệ thống truyền thanh FM như ở nhiều phường, xã hiện nay, nếu điều chỉnh âm lượng tại hệ thống âm thanh chung của ĐTTPX thì sẽ lớn hoặc nhỏ đều trong toàn bộ hệ thống cụm loa ở các điểm, còn không thì phải đến từng cụm loa để điều chỉnh riêng.
“Việc điều chỉnh âm lượng trên hệ thống truyền thanh thông minh theo các mức cụ thể như hiện nay ở phường chúng tôi đã thuận tiện hơn nhiều so với hệ thống truyền thanh FM trước đây. Bởi, thông qua máy tính có thể nhanh chóng điều chỉnh âm lượng phù hợp cho riêng từng cụm loa khi được người dân phản ánh, hoặc kiểm tra thực tế đúng như vậy”, ông Tấn cho biết.
MAI THƯ