Chuyện về một người thầy
Ghi chép của TRẦN ĐĂNG
GS.TS Y khoa Phan Thị Phi Phi là một trong ba nạn nhân chất độc da cam đầu tiên đệ đơn lên tòa án Hoa Kỳ và chính bà đã đến nước Mỹ tham gia phiên tranh tụng đầu tiên giữa luật sư hai bên nhằm đòi công lý cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam Việt Nam. Cách đây ít năm, nhân chuyến về quê, TP Quảng Ngãi, bà có kể một chuyện khá cảm động về cha mình, nguyên là thầy giáo dạy học từ thời Pháp, xuyên qua thời Việt Minh rồi sang chế độ Sài Gòn.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN TẤN VĨ
Sau 21 năm đi tập kết, bà Phi Phi trở lại quê nhà với bao nỗi rưng rưng khi thấy cha mình còn sống. Trong bữa cơm gia đình đầu tiên sau bao năm chia cắt, bà có hỏi cha mình: “Mấy chục năm cha ở lại miền Nam, có chuyện vui buồn nào mà cha cần kể, cha kể con nghe với?”. Ông Phan Tiên, cha bà Phi Phi trầm giọng: “Cha muốn con tìm địa chỉ một người, để cha cảm ơn anh ấy một tiếng. Nếu không có anh ấy, cha giờ xanh cỏ rồi”.
Nói rồi ông cụ chậm rãi kể: “Năm Mậu Thân 1968, lúc quân giải phóng tấn công vào TX Quảng Ngãi, không biết có nhầm không mà cha bị họ bắt dẫn lên vùng kháng chiến. Đúng đêm giao thừa, trời tối như mực, cha dò dẫm đi trong đêm, lòng tự hỏi, phận người thầy sao mà cơ cực đến vậy! Thời ông Ngô Đình Diệm, cha cũng bị bắt, họ hành cho đủ điều vì mình là đảng viên cộng sản; giờ lại bị cộng sản bắt vì lý do ăn lương của chế độ Sài Gòn. Lòng cha rối bời với bao ý nghĩ mông lung nhưng tai thì chờ một tiếng nổ từ họng súng nào đó của những người bắt cha dẫn đi. Rạng sáng thì đến điểm tập kết, một căn lán dựng tạm trong rừng. Một anh bộ đội, dáng còn thư sinh lắm, nhưng cha đoán là người chỉ huy, tiến đến bên cha, lễ phép nói: “Con chào thầy! Có lẽ anh em người ta bắt nhầm rồi, con mong thầy tha lỗi. Đêm nay, con sẽ cho người đưa thầy về lại thị x ã”.
Anh ấy nói xong thì có một người lính dọn cho cha và anh ấy bữa ăn sáng, cha thầm nghĩ, chỉ có “thượng khách” mới được ăn một bữa “sang” như vậy. Suốt bữa ăn, cha không dám hỏi anh ấy là ai, anh ấy cũng không “khai” nhân thân của mình.
Đúng hẹn, đêm xuống, người ta lại dẫn cha trở về. Đến nhà, cha gõ cửa gọi mẹ con. Bà ấy cùng mấy đứa em con lạy sụp trong nhà, khóc lóc khấn: “Ông ơi, ông có thiêng thì phù hộ cho mẹ con tôi, ông đừng dọa thế, mẹ con tôi sợ lắm!”. Cha phải nói thật to rằng “Tôi đây mà, người ta tha tôi chứ có giết chết đâu mà bà sợ”, nói đến lần thứ 3, mẹ con mới mở cửa. Cả nhà ai cũng không tin vào mắt mình khi biết cha còn sống”.
Thực hiện lời dặn của cha, trong tất cả các buổi gặp mặt cựu học sinh Lê Khiết tại Hà Nội những năm sau ngày hòa bình, bà Phi Phi luôn nhắc lại câu chuyên trên đây với mong muốn là trong số bạn bè mình, thế nào cũng có người biết chuyện. Nhưng tuyệt nhiên không một hồi âm. Cho đến một hôm…
Những ai đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm đều nhớ đến nhân vật có tên M. Ông chính là Khương Thế Hưng, con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng, cựu học sinh Lê Khiết, nguyên là chính trị viên Tiểu đoàn 48, một trong những cánh quân đánh vô TX Quảng Ngãi năm 1968. Năm 1994, ông Khương Thế Hưng lâm trọng bệnh. Nhiều bạn bè là cựu học sinh Lê Khiết đã đến thăm và động viên ông trong bệnh viện, trong đó có GS Phan Thị Phi Phi.
Hôm lần gặp cuối cùng trước khi ông Hưng mất, ông cầm tay người bạn học cũ, nói rất khẽ: “Phi à, người mà ông cụ nhắc đến trong câu chuyện bạn vẫn kể với tụi mình mỗi lần họp lớp ấy, chính là mình đấy!”.
Bà Phi Phi lịm người: “Sao anh không nói sớm để tôi nói với ông cụ? Cho đến trước ngày cha tôi qua đời (1982), cụ vẫn cứ đau đáu với một lời tri ân đối với người học trò đã cứu mạng sống của mình. Thế mà…”.
Ông Hưng lại khẽ khẽ thêm chút nữa: “Đạo làm trò, chịu ơn thầy không hết, ai lại đi kể công bao giờ. Mình im lặng bao nhiêu năm nay là vì vậy”