Để con lớn lên an toàn
Giai đoạn trẻ dậy thì với nhiều đổi thay về tâm sinh lý, người mẹ có vai trò quan trọng trong việc quan tâm, định hướng cho sự phát triển về nhiều mặt của con. Từ đó, giúp con trang bị các kiến thức cơ bản để tự bảo vệ bản thân, lớn lên an toàn.
Dìu dắt, gỡ rối
Để có thể dìu dắt con đi qua tuổi “ẩm ương”, người mẹ cần chuẩn bị sẵn sàng về kiến thức và tâm lý, không né tránh, ngại ngùng; ngược lại nên chủ động giải thích cho con khi có sự thay đổi về tâm, sinh lý.
Chị Nguyễn Thị Gia Oanh (SN 1981, ở xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn) nhớ mãi ngày đầu tiên con gái nhỏ trở thành thiếu nữ. Cơ thể có sự khác lạ khiến cô bé lo lắng nên chạy ngay đến mẹ để hỏi.
“Khi ấy, con gái tôi sợ hãi khi thấy kinh nguyệt xuất hiện vì tưởng mình bị ốm. Sau khi nghe mẹ giải thích, bé lại có chút xấu hổ. Nhờ kinh nghiệm được tích lũy từ những lần trao đổi với bạn bè, người đi trước, tôi đã lựa lời nói chuyện, giúp con hiểu đó là trạng thái nữ giới cần trải qua và hướng dẫn con vệ sinh cá nhân đúng cách”, chị Oanh kể lại.
Nhờ mẹ Oanh tâm lý, cởi mở nên con gái Như Ý hay gần gũi, trò chuyện với mẹ. Ảnh: D.L
Không chỉ giúp con bước vào tuổi dậy thì nhẹ nhàng, chị Oanh còn chú ý từng bước giáo dục giới tính cho con. Với cô con gái lớn đang học cấp 3, phải ở trọ để tiện cho việc học, chỉ về nhà vào cuối tuần, chị đã trao đổi với con về cách ăn mặc, phân biệt vùng an toàn của cơ thể…
Chị tâm sự, do con gái không ở gần gia đình nhiều nên đã rèn được tính tự lập từ sớm. Chị đã dành nhiều thời gian để trò chuyện với con về việc nên mặc trang phục phù hợp độ tuổi, giữ khoảng cách với bạn khác giới, giữ an toàn cho bản thân khi giao tiếp với người lạ.
Chị Oanh nói: “Tôi thường đưa ra ví dụ cụ thể cho con hiểu, nhất là các trường hợp dễ trở thành nạn nhân của quấy rối, lạm dụng. Hậu quả của việc đi quá giới hạn với bạn khác giới cũng được tôi vạch ra để con biết điểm dừng phù hợp”.
Dù còn nhiều nỗi lo, nhưng mẹ - con gái vẫn tiện tâm sự, chia sẻ. Với những người mẹ có con trai trong độ tuổi này, việc giáo dục giới tính cho con sẽ khác biệt hơn đôi chút. Chị Hà Thị Giang Liên (SN 1983, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) thường gần gũi với con trai. Khi nhận thấy con có những thắc mắc, cần được gỡ rối, chị còn thông qua chồng để chia sẻ, bởi cùng giới sẽ tiện trao đổi nhiều vấn đề, nhất là về giới tính. Khi đó, chị đóng vai trò “tư vấn thầm lặng”, song song với việc cư xử tế nhị để con tự nhiên, đỡ ngại ngùng.
Làm bạn cùng con
Điều quan trọng nhất để người mẹ có thể theo sát, đồng hành cùng con là tạo cho trẻ sự tin tưởng, thoải mái. Có như vậy, trẻ mới thật sự mở lòng, tìm đến mẹ như một “người bạn lớn” khi cần sự trợ giúp.
“Sẵn sàng nghe con nói chuyện, bày tỏ thắc mắc, không áp đặt hay tạo áp lực tâm lý cho con” là điều chị Liên luôn tâm niệm trong việc dạy dỗ con. Với chị, chỉ khi cha mẹ chủ động cởi mở, làm bạn với con thì con cái mới có thể mở lòng.
Chị Liên chia sẻ: “Chúng tôi sẵn sàng với việc tâm sinh lý của con thay đổi trong độ tuổi này. Do đó, mọi hành động, suy nghĩ của con đều được xem là đang phát triển, cần cha mẹ định hướng, thay vì bắt buộc con phải làm theo ý mình. Điều này giúp hạn chế việc trẻ giấu giếm suy nghĩ, hành vi chưa thật sự đúng”.
Bên cạnh đó, các mẹ còn thường xuyên cập nhật cho con những thông tin liên quan đến giáo dục giới tính, phân biệt các hành vi quấy rối, thậm chí là “hé mở” về vấn đề thai sản an toàn; khuyến khích con nói lên suy nghĩ của mình để nắm bắt tâm lý của trẻ. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần giúp trẻ bảo vệ mình trên mạng xã hội.
Về phía trẻ, khi gia đình, nhất là mẹ tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện, các em cảm thấy tin tưởng, sẵn sàng bộc lộ nhiều nỗi niềm. Vừa phụ mẹ việc nhà, bé Võ Thị Như Ý (SN 2012, con gái nhỏ của chị Oanh) vừa hào hứng kể cho mẹ nghe chuyện bạn bè, trường lớp - nơi trẻ thể hiện rõ nhất cá tính của mình.
“Mẹ không làm em xấu hổ khi em bắt đầu dậy thì, mà hướng dẫn em từng chút trong việc giữ vệ sinh, đảm bảo sức khỏe trong khoảng thời gian này. Việc mẹ tâm lý, cởi mở giúp em thoải mái tâm sự. Mẹ là chỗ dựa vững chắc nhất của em”, Như Ý bày tỏ.
DƯƠNG LINH