Thấu hiểu để yêu thương
Bất đồng quan điểm vì khoảng cách thế hệ là điều không hiếm gặp trong các gia đình. Thế nhưng, vượt qua những lúc tranh cãi, giận hờn, mỗi thành viên đều có cách riêng để làm dịu đi bầu không khí căng thẳng, giữ cho mái ấm được bền chặt.
Hướng dẫn hai cậu con trai nhặt rau, cùng chuẩn bị bữa cơm, chị Lê Thị Ái Vân (SN 1985, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) chia sẻ, để mẹ con vui vẻ, nói chuyện thoải mái như hiện tại, gia đình chị đã trải qua quãng thời gian “ai làm việc nấy”. Cha mẹ vì mải mê công việc mà ít khi tìm hiểu đời sống tinh thần của con. Hai cậu bé cũng vì thế mà dần kiệm lời với cha mẹ.
Gia đình chị Vân dành thời gian chuẩn bị bữa cơm cùng nhau. Ảnh: D.N
“Tôi nhận ra hai bé thích vừa ăn cơm, vừa chăm chú dùng điện thoại hơn là kể cho mẹ nghe về một ngày đi học vui ra sao. Cả hai cũng sử dụng nhiều từ ngữ, kể những câu chuyện mà tôi không hiểu được. Khi đó, tôi biết mình cần gần con nhiều hơn để rút ngắn khoảng cách thế hệ”, chị Vân chia sẻ.
Nghĩ là làm, chị sắp xếp lại công việc, dành nhiều thời gian để tìm hiểu những “thuật ngữ” mà con trẻ thường dùng cũng như vấn đề chúng quan tâm. Chị cũng “nhờ” con chỉnh hộ điện thoại, giải thích cách dùng Youtube trên tivi… để tạo cho các con cảm giác được mẹ tin cậy.
Dần dần, cả hai mở lòng hơn, chủ động kể với mẹ những chuyện ở trường, ở lớp học thêm, nhờ mẹ phân giải vấn đề cả hai đang tranh luận xem ai đúng, ai sai. Thế là, khoảng cách thế hệ được rút ngắn, các thành viên trong gia đình chị Vân cởi mở trò chuyện, không còn xa cách như trước.
Khoảng cách thế hệ còn xảy ra bởi trái ngược về quan điểm nuôi dạy trẻ giữa ông bà với cha mẹ. Vốn là vợ hiền, dâu thảo, chị Nguyễn Thị Minh Trâm (SN 1993, ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) được các thành viên trong đại gia đình yêu thương, ủng hộ. Thế nhưng, có giai đoạn, giữa chị và bố mẹ có sự bất đồng quan điểm trong việc dạy dỗ cậu con trai nhỏ mới 4 tuổi.
Chị Trâm cho hay: “Cuộc sống của thế hệ trước gặp nhiều khó khăn nên các cụ luôn mong cháu mình được nâng niu, chiều chuộng; đôi khi chứng kiến vợ chồng tôi rầy la con, ông bà xót cháu nên lên tiếng can ngăn, bênh vực, dễ khiến bé sinh tâm lý ỷ lại. Vợ chồng tôi thẳng thắn trao đổi, thuyết phục mãi, ông bà mới tin tưởng”.
Về phía ông bà, việc bày tỏ thiện chí lắng nghe, dung hòa những giận hờn, tranh cãi do sự chênh lệch tuổi tác, lối sống, cách nghĩ giữa các thế hệ, có vai trò quan trọng. Là người mẹ yêu con, người bà hiểu cháu, bà Vũ Thị Thanh (SN 1949, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) luôn đỡ đần con cái quán xuyến nhà cửa, dành thời gian hỏi chuyện hai cháu nhỏ, kể cháu nghe những kỷ niệm thời xưa. Khi con - cháu xảy ra xích mích vì thiếu thấu hiểu, bà cũng là người đứng ra giảng giải, giúp hai bên chóng “làm lành”.
“Là người lớn nhất trong gia đình, tôi luôn cố gắng động viên con cháu cùng tạo nhiều kỷ niệm, dành thời gian bên nhau để thêm hiểu, cảm thông, giữ cho gia đình luôn hạnh phúc, bền chặt”, bà Thanh tâm sự.
DIỆU NGỌC