Lịch sử, văn hóa địa phương vào sách giảng dạy
Giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, tài liệu giáo dục địa phương được xem như sách giáo khoa.
Đây là năm học thứ 3, chương trình giáo dục địa phương (GDĐP) được triển khai ở tiểu học; trong khi đó, khối THCS tiếp tục triển khai cho lớp 7, riêng bậc THPT là năm đầu tiên thực hiện.
Hiểu gần để thấm được xa
Ở cấp tiểu học, nội dung GDĐP được tích hợp với hoạt động trải nghiệm của học sinh. GDĐP được thiết kế thành các chủ đề trải nghiệm nhằm nâng cao hiểu biết và kinh nghiệm sống của học sinh trong các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, địa lý, kinh tế, môi trường. Các nội dung GDĐP được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm và trong dạy - học các môn: Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Toán, Lịch sử và Địa lý... Còn bậc THCS, THPT, nội dung này có thời lượng 35 tiết/năm học. Việc triển khai thực hiện chương trình nội dung GDĐP thực hiện theo các chủ đề với những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của tỉnh Bình Định.
Dù gặp không ít khó khăn khi triển khai nội dung GDĐP trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng theo nhận xét của đa số giáo viên, nội dung GDĐP có thể trở thành “mảnh đất màu mỡ” để giáo viên tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm hoặc xây dựng chủ đề dạy học theo hướng tích hợp, liên môn. Điều này khiến nội dung GDĐP trở nên gần gũi, hấp dẫn với học sinh.
Học sinh Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (Tuy Phước) tham gia tiết học GDĐP theo hình thức trải nghiệm. Ảnh: M.H
Tại Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (huyện Tuy Phước), nhà trường dạy tích hợp lồng ghép chương trình GDĐT trong nội dung hoạt động trải nghiệm và các môn học khác để học sinh có thêm hiểu biết thực tế. Trường lồng ghép, tích hợp nội dung dạy học di sản văn hóa vào các môn học, hoạt động giáo dục; tổ chức ngoại khóa để học sinh tham quan, tìm hiểu học tập và trải nghiệm. Trường còn lập hẳn CLB bài chòi tuyên truyền, lưu giữ và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể… Hiệu trưởng Giả Tấn Trọng chia sẻ: Từ khi đưa GDĐP vào giảng dạy học sinh rất hào hứng vì được học tập các nội dung thực tế có liên quan đến địa phương mình. Hiểu gần để thấm được xa, những hoạt động này bồi đắp cho học sinh tình yêu, niềm tự hào với truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương.
Cô giáo Đặng Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) cho hay: Môn GDĐP được phân dạy trong thời khóa biểu chính khóa cùng với các môn học khác; thực hiện 1 tiết/tuần. Mỗi chủ đề trong chương trình GDĐP được phân công cho giáo viên có chuyên môn phù hợp để phụ trách. Mỗi chủ đề đều thực hiện theo cấu trúc: Hoạt động khởi động, hoạt động hình thành kiến thức, hoạt động luyện tập, hoạt động vận dụng. Giáo viên sử dụng các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy tối đa năng lực của học sinh.
Có tài liệu nhưng chậm phổ biến vì…
Đến cuối tuần qua, tài liệu GDĐP lớp 3, lớp 7, lớp 10 của tỉnh Bình Định mới được phát hành, việc giảng dạy nội dung GDĐP cũng gặp trở ngại. Theo Sở GD&ĐT, khác với sách giáo khoa, tài liệu GDĐP do tỉnh biên soạn, Bộ GD&ĐT phê duyệt, nhưng phải chờ khâu thẩm định giá, in ấn, ban hành.
Thầy giáo Lương Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Canh Liên (huyện Vân Canh) cho biết, do chưa có tài liệu GDĐP của lớp 7 nên các tiết GDĐP của lớp 7 dành cho môn Hoạt động trải nghiệm. Từ tuần này, trường triển khai dạy nội dung GDĐP lớp 7, toàn bộ thời gian các tiết học môn Hoạt động trải nghiệm sẽ trả lại để dạy nội dung GDĐP. Việc thực hiện chương trình và kiểm tra, đánh giá, nhà trường thực hiện theo hướng dẫn cụ thể của Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT huyện.
Hiệu trưởng các trường THPT cũng thông tin, do đầu học kỳ 1 chưa có tài liệu nội dung GDĐP lớp 10 nên nhà trường chưa tổ chức giảng dạy môn học này cho học sinh khối 10. Với 35 tiết/năm, các trường đang tính toán thời lượng giảng dạy phù hợp trong học kỳ 2 để không ảnh hưởng đến các môn học khác, đồng thời đảm bảo nội dung chương trình môn học.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Điển cho biết, Sở vừa có hướng dẫn trưởng phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường THPT và trực thuộc thực hiện nội dung GDĐP tỉnh Bình Định lớp 7 và lớp 10 từ năm học 2022 - 2023. Theo đó, hiệu trưởng các trường phân bổ thời gian thực hiện các chủ đề phù hợp với kế hoạch thời gian thực hiện chương trình và điều kiện cụ thể của nhà trường. Trong quá trình thực hiện các chủ đề cần tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học trong tài liệu vào thực tiễn.
Riêng việc kiểm tra, đánh giá, giáo viên dạy chủ đề nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường; nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
MAI HOÀNG