Chiếc đồng hồ vặn dây cót
Truyện ngắn của TRẦN BĂNG KHUÊ
Nó có mặt trong thư phòng của ông ngoại từ khi nào tôi không rõ. Im lặng tích tắc nhích từng chiếc kim giờ, phút, giây đều đặn. Nhưng, tôi có chú ý đến nó, một kiểu tò mò của trẻ con khi nghe những âm thanh kỳ lạ phát ra từ chiếc đồng hồ vặn dây cót.
Chỉ vài lần tôi được nhìn thấy nó. Bởi vì, phòng của ông là không gian bất khả xâm phạm. Hệt như một thế giới riêng, một chiếc hộp chứa đầy những bí mật. Chỉ trừ khi bắt buộc phải gọi cửa phòng ông mỗi lần có khách đến thăm, tôi mới được phép liếc qua ngắm nhìn không gian này. Và nó - chiếc đồng hồ vặn dây cót màu trắng để trên bàn giấy của ông ngoại hút lấy tôi.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Căn phòng nhỏ của ông ngoại nằm phía đầu hồi giáp với phòng khách khá rộng, đầy mùi hoài niệm. Tôi thích cảm giác được thức dậy mỗi ngày trong căn nhà này, dù khi đó tôi còn khá bé, nhưng đủ để cảm nhận được sự bình an trong những giai điệu đã cũ, mùi không khí trong lành từ vườn hoa nhỏ phía trước nhà phả vào màn sương lạnh buổi sớm.
Nó - chiếc đồng hồ vặn dây cót là thứ mà từ đó tôi có thể hồi nhớ lại nhiều thước phim quay chậm trong quá khứ về ngôi nhà gỗ cũ kỹ sơn xanh, lát nền xi măng mát lạnh và có rất nhiều phòng, nhiều sách đã ố vàng từ những tủ giường của các bác gái. Quan trọng hơn căn nhà đó, nơi chiếc đồng hồ hiện diện gõ nhịp tích tắc đều đặn còn có nhiều chỗ ẩn nấp cho bọn trẻ con chúng tôi dễ dàng chơi trò chơi trốn tìm, năm-mười-mười lăm.
Hơn hai mươi năm. Một khoảng thời gian không phải ngắn, đủ để có thêm vài cuộc rời bỏ thế gian về với cát bụi khác của người thân, bạn bè. Bà ngoại tôi, đến thằng cu Bom chỉ mới hăm mấy- mà thật ra tôi phải gọi nó bằng anh - trẻ tuổi, ngày xưa vẫn lẽo đẽo mang sách vở theo tôi ngồi vào bàn học mỗi tối, nhưng mục đích của hắn là tía lia cái miệng buôn chuyện với tôi. Rồi hắn đi. Đi như một cuộc rong chơi im lặng. Chiếc đồng hồ trở thành dấu gạch nối những ký ức rộng rãi, bất định từ không gian này đến không gian khác, từ quá khứ đến hiện tại lúc này. Trong tôi!
Khi ông ngoại mất, mẹ tôi giữ chiếc đồng hồ vặn dây cót ấy lại, xem như kỷ vật quý giá duy nhất từ ông mà mẹ tôi có. Phải như thế thì nó mới đủ sức lặng lẽ theo gia đình tôi vượt qua bao nhiêu sóng gió, từ căn nhà đầu tiên ở huyện xa, đến những căn nhà từng ở trọ và cuối cùng là căn nhà hiện tại ở thành phố này.
Bây giờ, nó vẫn ở tủ kính trong phòng khách nhà tôi. Nó vẫn lặng lẽ nhìn xoáy vào những cuộc hỉ nộ ái ố. Chỉ tiếc, hình như tôi nhớ, những chiếc kim giờ phút giây đã ngừng thở, ngừng tích tắc đều đặn như trước đây thì phải. Nó nằm im lặng trong tủ kính như trong một giấc ngủ. “Thời gian cũng cần phải ngủ”.
Vài bận, tôi đã thử lôi chiếc đồng hồ ấy ra, lật phía sau để vặn dây cót. Tôi thích âm thanh của cái khóa lên dây cót trên lưng chiếc đồng hồ. Chẳng hiểu sao nó ngừng thở, chỉ là những chiếc kim không còn túc tắc nhích từng giờ từng phút từng giây nữa. Nhưng, tôi biết nó tồn tại, nó vẫn đang sống. “Thời gian là một mặc định”.
Trong tôi, chiếc đồng hồ của ông ngoại không chỉ là một dụng cụ đếm thời gian trôi qua mà còn là một mặc định kết nối những không gian đã mất, những không gian còn lại bây giờ hay mãi mãi về sau vậy. Và thời gian trong nhiều chiều kích có thể hình dung. Nó bao chứa khoảng thời gian mà ở đó có một bức tranh khá trọn vẹn, đủ đầy. Chứng tích của thời gian luôn luôn mang đến cho con người ta một cảm giác rất kỳ lạ, một sự cứu rỗi linh hồn. Người ta sẽ biết cách sống chậm lại, hoài niệm về những gì đã từng tồn tại sinh động hệt như chưa bao giờ rời bỏ khỏi dòng thời gian này vậy. Bất chấp nó đơn giản chỉ là một chiếc đồng hồ vặn dây cót cũ kỹ, thậm chí đã ngừng thở.