UNDP cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng xanh
Trưởng đại diện UNDP cho biết UNDP đang bắt đầu đánh giá tác động của việc loại bỏ dần điện than và chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam cũng như xác định ý nghĩa cụ thể của quá trình đó.
Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Ramla Al Khalidi khẳng định UNDP sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch huy động nguồn lực của thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
“Điều này bao gồm các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật đã được kiểm chứng của chúng tôi cho các Chính phủ trong các dự án chuyển đổi xanh/NAMA, chúng có thể giúp Việt Nam xác định các công cụ công giảm thiểu rủi ro hiệu quả về chi phí để thúc đẩy và tăng quy mô đầu tư của khu vực tư nhân trong kế hoạch huy động nguồn lực của JETP,” bà Khalidi cho biết.
Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP Ramla Khalid. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Theo bà Khalidi, UNDP đang bắt đầu đánh giá tác động của việc loại bỏ dần điện than và chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam cũng như xác định ý nghĩa cụ thể của quá trình đó.
Bà Khalidi cho rằng Việt Nam sẽ bắt đầu một hành trình xanh hơn và linh hoạt hơn trong 3-5 năm tới, bao gồm cả việc triển khai JETP, nên cần thiết phải đẩy nhanh quá trình chuẩn bị một gói công cụ công giúp giảm rủi ro đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng như thiết kế một quy trình công bằng và khả thi để loại bỏ dần than đá trong cả doanh nghiệp nhà nước và nhà máy điện than có vốn đầu tư nước ngoài.
Bà Khalidi cho biết Văn kiện Chương trình Quốc gia cho Việt Nam đặt ra các lĩnh vực hợp tác giữa UNDP và chính phủ Việt Nam đến năm 2026. Theo đó, UNDP Việt Nam đang hỗ trợ Chính phủ trong các lĩnh vực giảm nghèo, phát triển con người, tăng cường sự tham gia của người dân và quyền con người, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhân rộng hiệu quả giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, sử dụng bền vững năng lượng sạch và tái tạo với một quy trình công bằng, và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Về mặt thể chế, UNDP đã đóng góp vào nhiều khía cạnh khác nhau để tăng cường sự sẵn sàng của Việt Nam trong quản trị biến đổi khí hậu, năng lực thể chế, và khung pháp lý đối với các quy trình của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Bà Khalidi chia sẻ: “Điều này bao gồm những đóng góp gần đây của chúng tôi để hỗ trợ nâng cao Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và Chiến lược biến đổi khí hậu quốc gia (NCCS) cho đến năm 2050 của Việt Nam nhằm hiện thực hóa tham vọng phát thải ròng bằng 0.”
Bà Khalidi lưu ý trong những năm tới, UNDP sẽ tập trung hỗ trợ tăng cường khung minh bạch cho việc thực hiện NDC theo Điều 15 của Thỏa thuận Paris và cải cách chính sách toàn diện phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cũng như các mục tiêu toàn cầu về thích ứng với một quy trình công bằng, bao gồm việc chuẩn bị sẵn sàng cho luật biến đổi khí hậu và trao quyền cho thanh niên, phụ nữ trong toàn quá trình ra quyết định liên quan đến vấn đề khí hậu.
Về mặt tài chính, UNDP đang tiến hành hỗ trợ Việt Nam giới thiệu các công cụ tài chính cần thiết như thuế carbon và sẵn sàng thực hiện thị trường carbon cho hệ thống thương mại khí thải, đồng thời thiết kế các biện pháp khuyến khích, bao gồm các chương trình bảo hiểm và tài chính xanh sáng tạo, để thúc đẩy đầu tư trong nước và quốc tế vào các hành động khí hậu, bà Khalidi cho biết.
Hiện tại, UNDP đang làm việc trực tiếp với các địa phương để rót vốn một cách chiến lược vào các khoản thanh toán cho dịch vụ hệ sinh thái và du lịch dựa vào thiên nhiên.
Về hỗ trợ kỹ thuật, bà Khalidi nhấn mạnh UNDP đang giới thiệu các giải pháp tích hợp và sáng tạo hơn để thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp ưu tiên trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Các giải pháp này bao gồm hợp tác với chính quyền các tỉnh, thành phố để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong giao thông vận tải hoặc chuỗi cung ứng nông nghiệp xanh hướng tới các hệ thống carbon thấp và có khả năng phục hồi.
UNDP cũng triển khai nhiều công việc để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, chẳng hạn như hỗ trợ xây dựng chính sách, đào tạo doanh nghiệp và khu vực tư nhân, phát triển các mô hình dựa vào cộng đồng để giải quyết vấn đề quản lý rác thải và tìm kiếm các giải pháp sáng tạo cho ô nhiễm nhựa biển, Trưởng đại diện UNDP cho biết.
Bà Khalidi lưu ý rằng để đạt được quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng đòi hỏi nỗ lực đầu tư chưa từng có, điều này sẽ buộc tất cả các thành phần, từ chính phủ cho tới doanh nghiệp, cộng đồng và hộ gia đình, phải sắp xếp lại các ưu tiên và thậm chí hy sinh lợi ích cá nhân./.
(Theo Thu Hương-Ngọc Ánh/TTXVN/Vietnam+)