Nguyễn Trọng Biện và tỉnh Bình Định - nơi then chốt lớn ở Tả kỳ
Ngày 21 tháng 9 năm Tự Đức thứ 34 (tức năm 1881) theo chỉ dụ của vua Tự Đức và Nội các, được Bộ Lại vâng mệnh tuyên triệu Tuần phủ Hà Tĩnh là Nguyễn Hiệp (tức Nguyễn Trọng Biện) vào nhậm chức Hộ lý tổng đốc Bình - Phú. Điểm đáng lưu ý là chỉ dụ giao nhiệm vụ của nhà vua có thông tin rất đáng lưu ý “Bình Định - nơi then chốt lớn ở Tả kỳ, cần tận tâm tận lực”.
Lựa chọn người phù hợp để bổ nhiệm đến đất then chốt Tả kỳ
Vào năm Minh Mạng thứ 13 (1832), các tỉnh phía Nam được đổi từ trấn sang tỉnh (lập tỉnh). Các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận thuộc Tả kỳ (đối lại Hữu kỳ là các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa). Vì sao Bình Định gọi là đất then chốt của Tả kỳ? Trước hết, có lẽ không phải chỉ ở vị trí địa lý, mà chắn hẳn điều này bắt đầu từ những biến động lịch sử - xã hội lúc bấy giờ, nhất là khi thực dân Pháp đã đặt chân đến đây.
Xem lại Đại Nam thực lục và Quốc triều chính biên toát yếu, thấy người Pháp đã đặt Lãnh sự Pháp ở cửa Thị Nại, kiểm xét lệ thuế, đo cửa biển từ Bình Định đến Phú Yên, can thiệp vào nội bộ chuyện Bố chính Đinh Nho Quang, thay Tổng đốc Bình - Phú Hồ Đăng Phong... Người miền Thượng Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên nổi dậy, hai tỉnh Bình - Phú bị bão lụt, dân đói khổ, đặc biệt là phong trào Cần vương đang hồi quyết liệt …
Nguyên văn chỉ dụ có đoạn: “…tuyên triệu Hộ lý Bình Phú Tổng đốc thần Nguyễn Trọng Biện, phụng sắc rằng, nhà ngươi ở Hà Tĩnh chưa lâu, chưa kịp thi thố, nay chuẩn cho ngươi đương lấy trọng trách này, để xem tài năng của nhà ngươi như thế nào. Bình Định là then chốt lớn ở Tả kỳ, nay không có Nam kỳ, Trung kỳ thì hạt này là cánh tay trái của kinh sư, nhà ngươi tuy từng trải và danh vọng chưa lớn, nhưng từng giam gia vào công việc thương bạc, nên việc giao thiệp khá rõ, nay đương chính lúc cần người, nếu tìm những bậc tài năng danh vọng rất khó, tuy có tơ gai chẳng bỏ, cỏ gian cỏ khoái càng thêm phấn chấn, tận tâm tận lực để xứng với sự ủy nhậm”.
Từ đoạn văn bản trên có thể thấy rằng, triều đình đánh giá rất cao vị trí có tính chiến lược của tỉnh Bình Định, cho nên mới điều động một viên quan có tài kinh bang tế thế trong nước, hơn nữa do có yếu tố nước ngoài - Lãnh sự Pháp - nên điều động Nguyễn Trọng Biện là có cơ sở bởi lẽ ông từng giữ chức vụ chánh sứ đi Xiêm, giúp triều đình củng cố mối quan hệ với quốc gia lân bang này.
Vì thế Đại Nam thực lục, chính biên, đệ tứ kỷ, có ghi: Vào tháng Tám năm Tự Đức thứ 34, “Vua cho Tuần phủ Hà Tĩnh là Nguyễn Hiệp (tức Nguyễn Trọng Biện) hộ lý Tổng đốc Bình Phú […]. Lúc bấy giờ Hồ Đăng Quang (hộ lý Tổng đốc Bình - Phú) vì ốm nghỉ, sai các quan chính khanh hội bàn cử người thay. Bọn Trần Tiến Thành đem Phạm Thận Duật, Lê Đình Tuấn, Phạm Phú Thứ tâu lên. Vua bảo rằng: Các ngươi thường lấy danh vọng chọn người, như Hồ Đăng Phong có phải là người có danh vọng đâu. Nguyễn Hiệp am hiểu tình hình nước ngoài và hiểu rõ tình hình người Man Quảng Ngãi nên cho lấy chức lĩnh Tuần phủ mà hộ lý Tổng đốc Bình Phú”.
Nguyễn Trọng Biện là ai?
Theo 33 văn bản Hán Nôm liên quan đến Nguyễn Trọng Biện còn lưu tại nhà thờ họ Nguyễn ở thôn Năng An, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, thì ông sinh năm Ất Mùi (1835), quê quán xã Năng An, tổng Lại Đức, phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi (nay là thôn Năng An, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức). Ông đỗ Cử nhân tại Trường thi Hương Bình Định vào năm Mậu Ngọ (1858). Ngày 16.3 năm Tự Đức thứ 18 (1865), với chức hàm Hàn lâm viện điển tịch, Nguyễn Trọng Biện được cử đến Bình Định chờ hậu bổ.
Đến ngày 26.9.1865, ông được cử làm Tri huyện Phù Mỹ, cho đến ngày 27.12 năm Tự Đức thứ 21 (1868). Sau đó, Nguyễn Trọng Biện được triệu về kinh giữ nhiều chức vụ quan trọng tại nhiều bộ khác nhau, sau đó ông còn được luân chuyển về tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Bình Thuận... Đại Nam thực lục, đệ tứ kỷ, có ghi: Tháng 11 năm Tự Đức thứ 31 (1878), với chức hàm Hữu Thị lang Bộ Binh Tham biện sự vụ Thương bạc Nguyễn Trọng Biện, được cử làm Chánh sứ đi Xiêm (tức Thái Lan ngày nay). Trước chuyến đi sứ này Nguyễn Trọng Biện đã được vua cho đổi tên là Nguyễn Hiệp.
Sau cuộc đi sứ gần 7 tháng, thiết lập lại được mối bang giao thân tình giữa Việt - Xiêm vốn bị sứt mẻ nhiều lần trước đó, ông được chuẩn cho nguyên hàm Thị lang Bộ Binh, kiêm lãnh Tuần phủ Hà Tĩnh. Theo bản sắc còn lưu tại nhà thờ họ Nguyễn ở Năng An, đến ngày 19.8 năm Tự Đức 34 (1881), ông còn được kiêm chức Hộ lý Tổng đốc Bình Phú (Bình Định - Phú Yên).
Đến tháng 7 năm Đồng Khánh nguyên niên (1886), Nguyễn Hiệp nguyên Thị lang, lãnh Tổng đốc Bình - Phú kiêm Tuần vũ (Bình Định), cáo bệnh về quê (đến tháng 3 năm sau). Trong các văn bản Hán Nôm lưu ở nhà thờ họ Nguyễn có nhiều văn bản liên quan đến việc bổ nhiệm cũng như xin được dưỡng bệnh này.
Hành trạng của Nguyễn Trọng Biện (Nguyễn Hiệp) lúc trấn nhậm ở Bình Đình Định cũng có nhiều điểm thú vị (điển hình là việc củng cố quân binh, ứng xử mềm dẻo với phong trào Cần Vương, cấp thóc cho dân khi hạn hán…), chúng tôi hiện đang tiếp tục đào sâu nghiên cứu trên nhiều khối tư liệu khác nhau và hy vọng sẽ có dịp trình này thêm ở một bài viết khác.
TS. NGUYỄN ĐĂNG VŨ