Thực hiện Chương trình GDPT mới: Còn nhiều khó khăn, lúng túng
Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đang thực hiện ở năm thứ ba. Tuy có một số điểm mới tích cực nhưng cũng tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.
Vẫn khó khăn, lúng túng môn học mới
Là giáo viên Lịch sử kỳ cựu và đã được bồi dưỡng dạy liên môn Lịch sử - Địa lý theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở lớp 6, lớp 7, nhưng cô Võ Phan Thị Kim Nhung, Tổ phó Tổ Khoa học xã hội (Trường THCS Võ Xán, Tây Sơn) vẫn phải thốt lên: Chúng tôi phải học bài, làm bài như học sinh để có thể lên lớp giảng bài cho học sinh. Việc giảng dạy môn Lịch sử - Địa lý có nhiều khó khăn, đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu chuyên sâu. Đề nghị Sở GD&ĐT tiếp tục các đợt bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên mới dạy môn tích hợp.
Các trường THCS vẫn khó khăn với môn học tích hợp. Ảnh: M.H
Chuyện của cô giáo Nhung không phải cá biệt khi bậc THCS hiện có hai môn học tích hợp là Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý. Thầy Nguyễn Văn Toàn, dạy môn Địa lý, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Vân Canh (Vân Canh) lo lắng: Các lớp 6, 7, kiến thức ở mức cơ bản, nhưng sau này tiếp tục chương trình GDPT mới ở lớp 8, 9 thì các môn học này không còn ở mức cơ bản. Điều này sẽ khó cho giáo viên.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Vân Canh có 6 giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên và 4 giáo viên dạy môn Lịch sử - Địa lý đều đã được bồi dưỡng nhưng ông Trương Xuân Tú, Hiệu trưởng nhà trường vẫn trăn trở: Giáo viên đa phần chỉ được đào tạo dạy đơn môn, dù được bồi dưỡng dạy tích hợp nhưng do thời gian bồi dưỡng không nhiều, vừa học vừa tiếp tục nghiên cứu nên đi vào giảng dạy còn lúng túng. Thêm nữa, đầu vào của học sinh nhà trường thấp, 50% học sinh dân tộc thiểu số. Do đó, chất lượng môn học tích hợp cũng bị ảnh hưởng.
Cùng nỗi lo này, ông Châu Minh Hưng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Sơn, thẳng thắn nói: Toàn bộ giáo viên dạy các môn tích hợp của huyện đều đã được bồi dưỡng và được cấp chứng chỉ. Về pháp lý phân công giáo viên thì phải dạy nhưng chất lượng còn nhiều vấn đề, sang năm lớp 8, lớp 9 lại càng khó hơn.
Trong khi đó, với các môn học mới như giáo dục địa phương, trải nghiệm - hướng nghiệp, không có giáo viên chuyên trách. Ông Huỳnh Văn Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Bá (Tuy Phước), thừa nhận, với hoạt động giáo dục địa phương, nhà trường cũng phân công giáo viên phụ trách giảng dạy đúng kiến thức như sách mà thôi, chứ để cho hay thì không thể!
Tỉnh Bình Định là một trong số ít tỉnh, thành sớm hoàn tất bồi dưỡng giáo viên dạy chương trình mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn.
Chọn nhóm môn đã khó, chuyển môn cũng không dễ
Năm học 2022 - 2023, Chương trình GDPT 2018 triển khai ở bậc THPT. Hầu hết các trường không có giáo viên cho các môn học mới như Âm nhạc, Mỹ thuật. Bên cạnh đó, các trường còn đau đầu với chọn nhóm môn học, chuyển môn học, chuyển trường của học sinh.
Một hiệu trưởng trường THPT cho hay, việc lựa chọn môn học của học sinh gây khó khăn, bất cập cho trường trong việc sắp xếp lớp học, phân công giảng dạy cho giáo viên, dẫn đến tình trạng có môn học thừa giáo viên nhưng lại có môn thiếu giáo viên. Vị hiệu trưởng này dẫn chứng ngay tại trường có 6 lớp 10 thì hết 5 lớp học sinh chọn nhóm môn Khoa học xã hội, chỉ 1 lớp chọn nhóm môn Khoa học tự nhiên. Bởi vậy, Ban giám hiệu trường phải tính toán hết cỡ, co kéo thời khóa biểu thay đổi liên tục để đảm bảo giáo viên không bị thừa - thiếu tiết dạy.
Mới đây, khi làm việc với đoàn giám sát của ĐBQH tỉnh Bình Định thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ông Huỳnh Lê Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Quy Nhơn, cho rằng về mức độ phù hợp của chương trình với điều kiện cụ thể của nhà trường thì đối với lớp 10 năm học này là vừa đủ, nhưng những năm học tiếp theo khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí giáo viên giảng dạy ở các nhóm môn học sinh lựa chọn.
Trong khi đó, đề cập đến tình huống học sinh chọn nhóm môn học cần điều chỉnh môn, hoặc cần chuyển trường, ông Nguyễn Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường THPT Số 1 An Nhơn (TX An Nhơn) nói ngắn gọn - Đó là chuyện… không đơn giản!
● Giáo viên phát huy hơn nữa tự học, tự phát triển
Sở GD&ĐT đã phối hợp với Trường ĐH Quy Nhơn hoàn thành bồi dưỡng cho 204 giáo viên môn Tin học và Công nghệ (tiểu học), 901 giáo viên môn Khoa học tự nhiên và 512 giáo viên môn Lịch sử - Địa lý (THCS) để đáp ứng giảng dạy các môn mới. Sở GD&ĐT rất chia sẻ với các trường và giáo viên, nhưng cũng đòi hỏi nhà trường phát huy hơn tính chủ động; giáo viên phát huy hơn nữa tinh thần tự học, tự phát triển để đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT LÊ THỊ ĐIỂN
● Cần sự hỗ trợ của tổ chuyên môn
Khi giáo viên được đào tạo đơn môn được bồi dưỡng để dạy liên môn thì cần sự hỗ trợ của các thành viên trong tổ chuyên môn bằng cách sinh hoạt chuyên môn, xây dựng bài học để đảm nhận tương đối “tròn vai”. Đây là thời điểm cần sự đoàn kết, chia sẻ chuyên môn nghiệp vụ giải quyết những khó khăn đặt ra trong quá trình triển khai chương trình GDPT mới.
Ông VƯƠNG TRƯỜNG QUÂN, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT)
MAI HOÀNG