Gắn bó với nhu cầu học tập, gần gũi đời sống
Giường đa năng cho bệnh nhân đột quỵ; hệ thống điều khiển, giám sát điện năng và cảnh báo thông minh; các giải pháp hỗ trợ học sinh…, những ý tưởng này cho thấy sức sáng tạo của học sinh ngày càng gần gũi đời sống, gắn với nhu cầu học tập và khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn thêm linh hoạt.
Trong 88 giải pháp dự thi, đầu tháng 2.2023, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2022 - 2023 (gọi tắt là Cuộc thi) đã trao giải cho 45 giải pháp xuất sắc, tạo nhiều dấu ấn.
Tỉ mỉ từng chi tiết
Lấy ý tưởng từ chính môi trường xung quanh, Nguyễn Đình Trực (lớp 9A6) và Nguyễn Thị Cẩm Ly (lớp 8A7) mang về niềm vui bất ngờ cho Trường THCS Cát Tường (huyện Phù Cát) khi đoạt giải nhất Cuộc thi với “Giường đa năng dành cho bệnh nhân đột quỵ”.
Cẩm Ly thực nghiệm giường đa năng dành cho bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: M.H
“Nơi em sinh sống có không ít người bị đột quỵ, hay tai nạn lao động dẫn đến những tổn thương liệt người. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt, tinh thần bệnh nhân. Ý tưởng giường đa năng dành cho bệnh nhân tai biến, bại não, liệt tứ chi, đột quỵ ra đời từ đó”, Cẩm Ly chia sẻ.
Nhớ lại quá trình làm ra sản phẩm, Đình Trực kể: Tỉ mỉ từng chi tiết, chiếc giường đa năng yêu cầu gia công cơ khí cũng như kỹ thuật điện khá phức tạp, nhóm nhờ thầy giáo Lê Văn Minh hướng dẫn thực hiện. Gặp rất nhiều khó khăn về việc chọn và lắp đặt các thiết bị chuyển động, việc thiếu thông tin về kỹ thuật tập phục hồi chức năng cho người bệnh cũng là trở ngại lớn; tuy nhiên nhờ kinh nghiệm của thầy hướng dẫn và sự tìm tòi thêm của nhóm nên sản phẩm cuối cùng đã hoàn thiện, đạt hiệu quả ngoài mong đợi.
Minh Thư (trái) và Bảo Nhi trình bày hệ thống điều khiển, giám sát điện năng và cảnh báo thông minh. Ảnh: M.H
Nói về đề tài “Nghiên cứu, chế tạo hệ thống điều khiển, giám sát điện năng và cảnh báo thông minh” đạt giải nhì, Đoàn Ngọc Minh Thư (lớp 8A6) và Nguyễn Ngọc Bảo Nhi (lớp 8A9), Trường THCS Quang Trung (TP Quy Nhơn) cho hay nghiên cứu phục vụ mục đích tiết kiệm điện năng, bảo đảm an toàn điện, giám sát và cảnh báo kịp thời hạn chế sự cố cháy nổ xảy ra. Nhóm đã áp dụng nhiều kiến thức để hoàn thiện sản phẩm như kiến thức về tiết kiệm điện năng và phòng cháy chữa cháy; ngôn ngữ lập trình, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo; cấu tạo, nguyên lý hoạt động của các thiết bị điện và xử lý ảnh với TensorFlow. Tất cả thiết bị đều dễ dàng lắp đặt và thay thế.
“Quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, bởi kiến thức về công nghệ đối với chúng em vẫn còn mới; rồi gặp khó khăn về cơ sở thử nghiệm yêu cầu nhiều thiết bị hỗ trợ... Tuy vậy, nhà trường, giáo viên hỗ trợ trực tiếp và Th.S Lương Ngọc Toàn - giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn, đã hỗ trợ chúng em rất nhiều”, Minh Thư nói.
Với “Nghiên cứu tác dụng xua đuổi côn trùng gây hại của cây Chuông tỏi (Masoa hymenaea)” đạt giải ba, Huỳnh Bùi Trang và Lê Thị Hồng Phấn (lớp 11 chuyên Sinh, Trường THPT chuyên Chu Văn An, TX Hoài Nhơn) đã cho ra đời sản phẩm sau hơn 5 tháng nghiên cứu. Nhóm sử dụng giàn hoa nhà thầy giáo chủ nhiệm để tiến hành nghiên cứu và thí nghiệm. Ngoài ra, còn nhờ đến sự giúp đỡ của các bạn cùng lớp trong việc hỗ trợ bắt gián và sâu; nhà trường hỗ trợ phòng thí nghiệm và thực nghiệm. Công việc vất vả, thường xuyên đến phòng thí nghiệm đến nửa đêm để lọc, chiết dịch từ lá cây chuông tỏi và quan sát, thí nghiệm.
Huỳnh Bùi Trang chia sẻ: “Hiện, sản phẩm làm ra đã được nhóm sử dụng trong phòng ký túc xá và trên lớp học đạt hiệu quả rất tốt. Sau cuộc thi, nhóm tiếp tục làm các thí nghiệm và thực nghiệm hoàn chỉnh hơn cho sản phẩm”.
Thực tiễn, nhân văn
Thầy giáo Đặng Văn Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Cát Tường khẳng định, sự hiểu biết của các em học sinh có được từ cuộc thi không chỉ ở lĩnh vực đề tài thực hiện mà quan trọng hơn, nghiên cứu giường đa năng dành cho bệnh nhân đột quỵ đã mang lại giá trị nhân văn sâu sắc, hỗ trợ người tàn tật, người yếu thế trong xã hội… Đó là đích lớn mà nhà trường muốn hướng tới.
“Nhà trường tạo môi trường cho học sinh nghiên cứu, chia sẻ về kiến thức, kỹ năng và sản phẩm nghiên cứu khoa học; giúp đỡ các em tiếp cận và vận dụng phương pháp nghiên cứu khoa học và sản phẩm khoa học vào thực tiễn…”, thầy Đức chia sẻ “bí quyết” gặt hái thành công tại cuộc thi.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Điển đánh giá nhiều giải pháp dự thi ở 22 nhóm lĩnh vực đã mang đến sự phong phú và hấp dẫn. Đó là những dự án trên lĩnh vực khoa học xã hội, hành vi nghiên cứu các giải pháp bảo tồn di sản văn hóa của địa phương; quá trình thay đổi tâm sinh lý của lứa tuổi và giải pháp hỗ trợ phát triển tâm sinh lý tích cực của học sinh, tránh những cạm bẫy xấu; những sáng tạo giải quyết các vấn đề mang tính thời sự, vấn đề nóng của xã hội…
Các ý tưởng sáng tạo KHKT rất gần gũi với đời sống, gắn với nhu cầu học tập, sinh hoạt, phát triển kinh tế của địa phương và mang tính nhân văn, tính ứng dụng cao với mong muốn làm cho môi trường sống tốt hơn.
“Ban giám khảo đặc biệt tìm hiểu ý tưởng, tư duy khoa học của các em được thể hiện như thế nào, khả năng làm thực nghiệm ra sao để có những sản phẩm khoa học có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Vì vậy, mục tiêu của cuộc thi ngoài việc khuyến khích tham gia rộng rãi, các trường học còn khơi dậy đam mê, nhiệt tình nghiên cứu khoa học của học sinh. Nhiều giám khảo công nhận rằng, chính sự nhiệt tình, vô tư, sáng tạo của các em đã tạo nên nguồn cảm hứng lớn”, bà Điển nhấn mạnh.
MAI HOÀNG