Nuôi tôm tự phát ảnh hưởng đời sống, sản xuất của người dân
Thời gian qua, người dân ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) ồ ạt đào ao trong vườn nhà, lót bạt để nuôi tôm trái phép. Thế nhưng, chính quyền địa phương xử lý không kiên quyết, khiến tình hình ô nhiễm nguồn nước, không khí, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng trầm trọng, nhiều diện tích trồng lúa, hoa màu của người dân không thể sản xuất.
Ông P.D.K (ở xóm 4, thôn Chánh Lợi, xã Cát Khánh) phản ánh: Từ nhiều năm nay, hộ ông Lê Anh Dũng (ở cùng xóm 4) tự ý xây dựng gần 1.000 m2 hồ trong khu vực vườn nhà để nuôi tôm. Do bơm nước mặn vào hồ để nuôi tôm, lâu ngày nước mặn thẩm thấu xuống lòng đất khiến hàng ngàn mét vuông đất trồng đậu phụng của nhiều hộ dân nơi đây không thể sản xuất.
Tương tự, tại thôn Ngãi An, nhiều hộ dân ở đây đào ao, lót bạt, bơm nước mặn vào để nuôi tôm trái phép. Vì nuôi tôm mang lại lợi nhuận cao nên nhiều vườn tược, ruộng lúa đã biến thành hồ tôm. Trong khi đó, chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn kiên quyết. Người này làm được, người khác cũng làm theo.
Hộ ông Lê Anh Dũng xây dựng ao nuôi tôm tại vườn nhà gây nhiễm mặn khu vực xung quanh, nhiều diện tích đất không thể sản xuất. Ảnh: VĂN LƯU
“Hoạt động nuôi tôm tự phát ở địa phương diễn ra gần 10 năm nay. Tuy nhiên, do chính quyền địa phương không ngăn chặn kịp thời nên số người nuôi tôm theo kiểu này ngày một nhiều hơn. Hậu quả rõ nhất lúc này là nguồn nước ngầm ở địa phương đang bị cạn kiệt. Nhiều giếng nước ngọt bị nhiễm mặn, có mùi tanh, không dùng ăn uống được, đất sản xuất bị bỏ hoang do nhiễm mặn”, ông Lê Đình Khánh, ở thôn An Ngãi, than vãn.
Dọc theo con đường qua các thôn An Quang Đông, An Quang Tây và Ngãi An có hàng chục hộ nuôi tôm, mỗi hồ có diện tích từ vài chục đến hàng trăm m2, nằm chen lẫn giữa rừng cây, ruộng lúa, khu dân cư, đi tới đâu cũng nghe tiếng máy sục khí rào rào. Ông Lê Ngọc An, người dân ở đây, cho biết: Mỗi hộ nuôi 3 lứa tôm/năm, đồng nghĩa với 3 lần vệ sinh hồ thì lượng nước thải của mấy chục hồ tôm ở địa phương này đổ thẳng xuống đầm, biển hoặc ra xung quanh vườn là rất lớn. Việc này khiến môi trường xung quanh bốc mùi hôi thối và nguồn nước bị ô nhiễm. Chưa kể, rác thải phát sinh từ hoạt động nuôi tôm tự phát này bị vứt lung tung.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, hầu hết các hộ ở đây tự ý đào ao nuôi tôm trong vườn nhà, đất trồng lúa. Trước đây, trên địa bàn xã có gần 30 hộ đào ao nuôi tôm kiểu này, hiện nay chỉ còn lại 8 trường hợp nuôi tự phát trong khu dân cư. Chính quyền địa phương đã cử cán bộ chuyên môn xuống tuyên truyền, vận động người dân không được tự ý làm hồ nuôi tôm, sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường, nhưng để ngăn chặn thì rất khó, bởi các hộ vi phạm chủ yếu đào ao vào ban đêm, đến khi chính quyền phát hiện thì họ đã làm xong.
“Việc xây hồ nuôi tôm trong vườn nhà và trên đất nông nghiệp không chỉ sai phạm về mục đích sử dụng đất, mà còn làm phát sinh ô nhiễm môi trường. Bởi nuôi tôm ở đây hầu hết không có bể lắng, ao chứa để xử lý nước thải, mà xả thải thẳng ra môi trường. Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ thống kê cụ thể số hộ, diện tích ao nuôi, kiểm tra từng trường hợp để vận động chuyển đổi nghề, đồng thời báo cáo lãnh đạo huyện, xin hướng xử lý”, ông Hiếu nói.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: Những năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện đã có những giải pháp tích cực để thực hiện công tác quản lý, kiểm tra đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở, hộ gia đình nuôi thủy sản. Thời gian qua, có nhiều hộ nuôi tôm trái phép trên địa bàn xã Cát Khánh đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thậm chí yêu cầu tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ dân lén nuôi tôm trái phép, chưa xử lý rốt ráo.
“Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND xã Cát Khánh rà soát quy hoạch sử dụng đất và tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trường. Trong trường hợp các chủ hộ nuôi tôm tự phát không đúng quy hoạch thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, buộc các hộ dừng hoạt động và phải tháo dỡ ao hồ”, ông Luận cho hay.
VĂN LƯU