Tích cực tuyên truyền, quyết tâm đẩy lùi tảo hôn
Ðã có chuyển biến trong nhận thức, nhưng tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Vân Canh vẫn còn xảy ra. Chính quyền địa phương vẫn còn nhiều việc phải làm để giảm thiểu tảo hôn trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
Tồn tại dai dẳng
Dù đã có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường cùng các tổ chức chính trị xã hội để cung cấp các kiến thức, kỹ năng cũng như cảnh báo hậu quả của tảo hôn, nhưng đến nay ở huyện Vân Canh vẫn còn tình trạng này. Năm 2020, toàn huyện có 36 trường hợp tảo hôn trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS); năm 2021 có 17 trường hợp, năm 2022 có 19 trường hợp.
Thị trấn Vân Canh tổ chức Hội thi tìm hiểu về Luật Hôn nhân và gia đình, tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: UBND thị trấn Vân Canh.
Có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tình trạng tảo hôn, trong đó phần chủ quan là cơ bản nhất. Ông Sô Lan Tài, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Vân Canh, cho biết: “Tình trạng tảo hôn tồn tại dai dẳng trước tiên là do nhiều phụ huynh thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, thiếu sự giáo dục giới tính cho con. Cùng với đó là trình độ dân trí thấp, nhận thức về pháp luật trong vùng đồng bào DTTS còn nhiều hạn chế”.
Năm 2022, xã Canh Hòa là địa phương “dẫn đầu” huyện về tảo hôn với 7 trường hợp. Ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch UBND xã Canh Hòa, lý giải: “Các trường hợp tảo hôn đều tập trung ở đồng bào dân tộc Chăm ở làng Canh Thành. Mặc dù thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, nhưng các trường hợp này đều bỏ học sớm, chưa có sự quan tâm của gia đình, các em tự do làm mọi việc mình thích nên thường mắc sai lầm, làm mẹ sớm dẫn đến tảo hôn”.
Cũng trong năm 2022, thị trấn Vân Canh có 5 trường hợp tảo hôn, tập trung ở khu phố Hiệp Hội, trong khi năm 2021 không xảy ra trường hợp nào. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vân Canh Lê Văn Thanh chia sẻ: “Chúng tôi đang cố gắng từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về hôn nhân và gia đình cho giới trẻ, nhưng công việc này rất khó thực hiện”.
Quyết tâm đẩy lùi
Câu chuyện thay đổi nhận thức nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe, nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS là cả một quá trình “mưa dầm thấm lâu”. Trong đó, để đẩy lùi tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Vân Canh, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp, các ngành, hội đoàn thể, tạo sức mạnh tổng hợp.
Bà Phạm Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Canh, cho biết: “Các cấp hội sẽ tích cực bám cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, những vướng mắc, nêu gương người tốt việc tốt trong thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, các lĩnh vực khác để thay đổi nhận thức bà con vùng đồng bào DTTS. Trọng tâm là nhắc nhở chị em quan tâm, gần gũi con cái để kịp thời uốn nắn, động viên, hướng dẫn con em mình không kết hôn sớm”.
Thực tế cho thấy, việc nhân rộng các mô hình giảm thiểu tảo hôn hoặc chia sẻ rộng rãi những câu chuyện có thật từ những người DTTS có uy tín, học tập, thành đạt và kết hôn đúng tuổi sẽ có hiệu quả thiết thực đối với công tác này. Đơn cử là các mô hình nâng cao trách nhiệm của các làng, thôn, gia đình khi đưa các chỉ tiêu liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào hương ước, quy ước, ký cam kết thi đua không vi phạm; phân công cán bộ thường xuyên đứng chân từng thôn, làng; ký cam kết không để xảy ra tảo hôn giữa gia đình với ban quản lý thôn, làng... Trong đó, xã Canh Hiệp là địa phương thực hiện tốt các mô hình này, góp phần đẩy lùi được tình trạng tảo hôn trong năm 2022.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Canh Nguyễn Xuân Việt thông tin thêm: Địa phương sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn II), là nhiệm vụ có tính lâu dài để từng bước góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS. “Trong đó, trọng tâm là tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bố trí kinh phí để tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương, tập trung vào đối tượng học sinh đang học tại các trường bán trú, nội trú và các thanh niên bỏ học”, ông Việt nói.
XUÂN NHÂM