Vơi nỗi lo sông ngoạm đất, lấn nhà
Với nhiều nỗ lực, đến thời điểm này, huyện Tuy Phước đã cơ bản hoàn tất việc kiên cố hóa hệ thống đê sông Gò Chàm chảy qua địa bàn, mang lại niềm vui lớn cho người dân các địa phương.
Sông Gò Chàm là một nhánh lớn của sông Côn chảy qua địa bàn TX An Nhơn và một số địa phương của huyện Tuy Phước như Phước Hưng, Phước Quang, Phước Thắng, Phước Hòa, rồi chảy ra đầm Thị Nại.
Dự án gia cố đê sông Gò Chàm (đoạn thượng, hạ lưu cầu Phú Đa) đang được thi công hoàn thiện. Ảnh: H.P
Trước đây, hàng trăm hộ dân ở các thôn Háo Lễ, Tân Hội, Biểu Chánh... thuộc xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) sống bên bờ sông Gò Chàm luôn thấp thỏm với nguy cơ mất nhà do sạt lở bờ sông. Không chỉ gây nguy hiểm cho các hộ dân sống ven sông, sạt lở đê sông còn khiến tình trạng sa bồi thủy phá đất nông nghiệp thêm nghiêm trọng. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của quá khứ. Về xã Phước Hưng những ngày này, chuyện sông “ngoạm đất, lấn nhà” đã không còn nữa, thay vào đó là tâm trạng vui mừng, người dân có được những giấc ngủ ngon.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, phấn khởi cho biết: “Những năm qua, các dự án chống sạt lở, kiên cố hóa đê sông Gò Chàm được triển khai trên địa bàn xã đã giúp người dân yên tâm sinh sống và sản xuất. Hiện nay, huyện đang triển khai thi công hoàn thiện dự án gia cố đê sông Gò Chàm (đoạn thượng, hạ lưu cầu Phú Đa) gồm 4 đoạn với tổng chiều dài hơn 700 m. Khi hoàn thành dự án này, gần 10 km đê sông Gò Chàm đi qua địa bàn xã sẽ được kiên cố hóa hết, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa mưa lũ, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất, phát triển KT-XH”.
Bà Trần Thị Kim Thi (ở thôn Háo Lễ, xã Phước Hưng) chia sẻ: “Nhà nước quan tâm xây dựng đê sông, bà con vui mừng lắm. Chứ nghĩ tới cảnh ngày trước thì sợ vô cùng; hễ nước lũ về ai cũng ăn không ngon, ngủ không yên, lo cuốn đồ đạc di dời qua nhà người quen. Giờ bà con đều yên tâm làm ăn cũng nhờ tuyến đê này”.
Kể với chúng tôi câu chuyện bền bỉ bám mảnh đất của ông bà tổ tiên suốt bao đời nay, anh Lê Ngọc Hải (ở thôn Háo Lễ) nhớ lại: “Khi chưa có đê, nhà làm dành dụm được bao nhiêu tiền đều đổ hết vào mua đá, cát sỏi, cọc tre để giữ đất, giữ nhà khỏi bị trôi tuột xuống sông. Khi tuyến đê được hoàn thành, nhà nào cũng tổ chức ăn mừng. Bởi nó đã thỏa mong ước của người dân địa phương”.
Để bảo vệ đê sông Gò Chàm tránh bị vỡ, xâm thực vào mùa mưa lũ, nhiều năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau cộng với ngân sách địa phương, huyện Tuy Phước đã từng bước kiên cố hóa đê sông. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Tuy Phước, từ năm 2008 đến nay, 13 dự án xây dựng, gia cố đê sông Gò Chàm với tổng kinh phí hơn 58 tỷ đồng được triển khai thực hiện. Đây là nỗ lực rất lớn, thể hiện sự quan tâm đến đời sống của người dân trong điều kiện nguồn ngân sách còn eo hẹp.
Khẳng định ý nghĩa của việc kiên cố hóa đê sông Gò Chàm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước Phan Văn Khiêm nói: “Đê sông Gò Chàm cơ bản được kiên cố hóa khép kín sẽ góp phần ngăn chặn nước lũ xâm thực, chống xói lở bờ sông, đảm bảo ổn định dòng chảy, hạn chế sa bồi thủy phá, tạo cảnh quan môi trường khu vực dự án. Đồng thời, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng của địa phương”.
HỒNG PHÚC