Ấm áp những suất cơm ở bệnh viện
Đã thành thông lệ, hằng tháng, các cấp Hội LHPN TX An Nhơn lại tự nguyện đóng góp kinh phí, dành riêng 1 ngày để cùng nhau chuẩn bị, nấu những suất ăn 0 đồng cho bệnh nhân đang điều trị tại TTYT thị xã. Với họ, đây là ngày tất bật nhưng hạnh phúc vì được trao đi yêu thương cùng sự cảm thông.
Xuất phát từ mong muốn chung cùng triển khai hoạt động thiện nguyện thường xuyên hướng đến bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, từ năm 2021, Hội LHPN TX An Nhơn đã thực hiện mô hình “bữa ăn tình thương”. Theo đó, từng đơn vị trực thuộc Hội sẽ xây dựng quỹ từ sự đóng góp của hội viên. Mỗi tháng, 2 đơn vị phối hợp, cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu và tự tay nấu những suất ăn dinh dưỡng, trao tận tay người bệnh.
Hội LHPN TX An Nhơn cùng Hội Phụ nữ Lữ đoàn 573 nấu cơm, tặng các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn vào ngày 2.3. Ảnh: Hội LHPN TX An Nhơn
Cụ thể, mỗi đợt sẽ có 300 - 400 suất cơm. Các món ăn trong từng suất được tham khảo từ những người có kinh nghiệm của bếp ăn tình thương thị xã để đảm bảo các yêu cầu như cân bằng dinh dưỡng, dễ ăn, phù hợp với khẩu vị chung của bệnh nhân.
Ngoài ra, với tinh thần “góp gió thành bão”, từ đầu tháng 11.2022, Hội LHPN TX An Nhơn đã giao thùng thiện nguyện cho 15 xã, phường đặt tại những nơi công cộng để kêu gọi thêm sự chung tay của người dân.
Bà Lê Vũ Vân Kiều, Chủ tịch Hội LHPN thị xã, cho biết: “Sử dụng thùng thiện nguyện giúp các cơ sở hội gia tăng đáng kể chi phí nấu các suất ăn 0 đồng. Ngoài ra, đây còn là hình thức tuyên truyền giúp nhiều nhà hảo tâm biết đến hoạt động này. Nhờ đó, nguồn quỹ dồi dào hơn, các suất ăn được tăng cả về số lượng lẫn chất lượng”.
Để hoàn thành số lượng lớn các suất ăn như vậy, chị em đã có mặt từ 6 giờ sáng, sơ chế nguyên liệu và phân công mỗi người một việc. “Miệng nói tay làm”, các chị tay nhanh thoăn thoắt xào rau, nấu canh, đóng gói. Không khí trong căn bếp nhỏ dù tất bật nhưng không khi nào vắng niềm vui, tiếng cười.
Luôn tay phụ chị em đóng gói từng hộp cơm để kịp trao cho bệnh nhân, bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền (ở phường Nhơn Hưng) chia sẻ, điểm chung của các hội viên gắn bó với mô hình “bữa ăn tình thương” là đều cởi mở, xởi lởi. Không chỉ góp chi phí, chị em còn tự nguyện mang mớ rau, bó sả tự trồng, góp thêm nguyên liệu để các suất ăn phong phú hơn.
“Việc đem “của nhà trồng” lên bếp ăn là chuyện thường, bởi ai cũng muốn góp sức, chia sẻ với người khó, khổ hơn mình. Bởi vậy, chúng tôi luôn cố gắng chăm chút từng món ăn và khi tặng cơm thì tranh thủ hỏi thăm xem bệnh nhân có vừa miệng không. Ngoài ra, mỗi khi có dịp, chúng tôi đều tranh thủ tặng quà, tiếp thêm động lực cho họ chữa bệnh”, bà Hiền nói.
Không chỉ trao cơm tại bếp, hội viên phụ nữ còn đem đến từng phòng để tránh bỏ sót những bệnh nhân đi lại bất tiện. Nhờ sự chu đáo, tỉ mỉ ấy, nhiều bệnh nhân dần cởi mở, trò chuyện nhiều hơn. Có người còn xung phong xuống bếp, phụ chị em lặt rau, rửa củ.
Bà Nguyễn Thị Lệ (ở xã Nhơn Khánh) là một trường hợp như vậy. Tuổi đã cao, khớp bị thoái hóa, phải điều trị lâu dài ở bệnh viện; bà không tránh khỏi cảm giác cô đơn, buồn tẻ. Hơn nửa năm trước, bà được chị em hội phụ nữ tặng cơm và hỏi thăm, trò chuyện. Lâu dần, người phụ nữ lớn tuổi ấy đã tìm thấy niềm vui mới: Nấu cơm thiện nguyện.
“Điều tôi quý nhất ngoài việc cơm ngon, canh ngọt là việc chị em nấu, tặng cơm rất vui vẻ, tế nhị, không khiến bệnh nhân cảm thấy chạnh lòng. Dù khi ở viện hay khi được về nhà, tôi đều tranh thủ phụ chị em một tay với mong muốn sẽ có thêm nhiều bệnh nhân khác như tôi cảm nhận được sự ấm áp, chia sẻ trong từng suất cơm ấy”, bà Lệ tâm sự.
DIỆU NGỌC