Hoài Nhơn xây dựng và phát triển văn hóa: Thêm yêu quê hương, đất nước, đoàn kết, sáng tạo…
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, kết hợp triển khai thực hiện nhiều kế hoạch phù hợp, TX Hoài Nhơn đã gặt hái nhiều kết quả nổi bật sau hơn 1 năm thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về việc ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...
Nhiều mô hình hay
Sau khi được quán triệt nội dung Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư và Hội nghị chuyên đề của thị xã do Ban Thường vụ Thị ủy Hoài Nhơn tổ chức, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các hội, đoàn thể và đông đảo cán bộ, đảng viên, hội đoàn viên, nhân dân về vấn đề văn hóa được nâng cao. Có thể thấy rõ hơn chuyển biến tích cực về xây dựng và phát triển văn hóa Hoài Nhơn qua những con số: Đến nay, thị xã có 100% xã, phường có trung tâm VH&TT; 100% thôn, khu phố có nhà Văn hóa, khu Thể thao (chỉ tiêu 70%); hơn 98% hộ đạt gia đình văn hóa; 154/155 thôn, khu phố giữ vững danh hiệu thôn, khu phố văn hóa; 6/6 xã giữ vững “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”...
Các hoạt động văn hóa văn nghệ vui tươi, lành mạnh được tổ chức thường xuyên góp phần nâng cao mức thụ hưởng văn hóa cho nhân dân TX Hoài Nhơn. Ảnh: ÁNH NGUYỆT
Nhiều giải pháp, mô hình xây dựng thôn, khu phố “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh” được tổ chức đều khắp trên toàn thị xã tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, nhà ở khang trang, đường làng ngõ xóm thoáng mát. Trong đó, đáng chú ý như mô hình vận động nhân dân hiến 5.000 m2 ruộng, đất, đóng góp hơn 150 triệu đồng xây dựng đường giao thông, lắp đặt hệ thống chiếu sáng đường giao thông, xây dựng đường hoa ở thôn Định Công, xã Hoài Mỹ; mô hình các tuyến đường kiểu mẫu “Sáng - xanh - sạch – đẹp - an toàn - văn minh” ở khu phố Đệ Đức 3, phường Hoài Tân; mô hình “Móc khóa an ninh”, “Camera an ninh” ở Chi bộ CA phường Tam Quan Nam; mô hình Dân vận khéo ở Chi hội CCB khu phố Tấn Thạnh 1, phường Hoài Hảo…
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn được quan tâm, tạo nhiều chuyển biến đáng kể, với 21 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng (trong đó có 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia). Các thiết chế, hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì, tổ chức khá thường xuyên, với 17 thư viện cấp xã, phường và 17 CLB hội đánh bài chòi cổ dân gian được thành lập… Những hoạt động trên đã góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh lành mạnh, tiến bộ; góp phần từng bước xây dựng đô thị Hoài Nhơn phát triển bền vững, đậm đà bản sắc.
Nhân dân là chủ thể trong phát triển văn hóa
Xã Hoài Sơn xem giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trên địa bàn xã là một trong những việc làm thiết thực, nhằm cụ thể hóa Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ông Nguyễn Đình Bản, Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn, cho biết: Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển văn hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động xã hội, từng bước xây dựng nếp sống văn minh và môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh, chính quyền địa phương đã quan tâm đầu tư các thiết chế, hoạt động văn hóa, thể thao; nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền, nhân dân trong bảo vệ môi trường, trong đó có công tác thu gom rác thải gia đình ở các trục đường chính, chợ và nhân rộng mô hình trồng hoa, cây xanh tại các tuyến đường; đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa, người tốt việc tốt, noi gương Bác Hồ, xây dựng nếp sống văn minh… Đáng ghi nhận, sau khi triển khai giải pháp có 100% thôn đã tổ chức được các hoạt động đóng góp xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội ở cộng đồng, như: Hiến đất, tài sản trên đất, đóng góp tiền, công lao động xây dựng, sửa chữa đường giao thông và các công trình khác.
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Hoài Nhơn Lê Tự Hồng nhấn mạnh: Thị xã tiếp tục xác định việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hoài Nhơn “Yêu quê hương, đất nước, đoàn kết, sáng tạo, cần cù, trung thực, nhân ái, nghĩa tình” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là sự nghiệp của toàn dân, trong đó nhân dân là chủ thể trong việc phát triển văn hóa và xây dựng con người. Việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa, phát triển đời sống văn hóa tinh thần thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội. Chú trọng phát huy vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo và sự tham gia tích cực của nhân dân; quan tâm bảo tồn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp trong gia đình, cộng đồng dân cư. Xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, gìn giữ, ứng xử đúng đắn với môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững. Huy động nguồn lực của mọi tầng lớp xã hội đầu tư và tổ chức đời sống văn hoá…
TRỌNG LỢI