Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
(BĐ) - Chiều 17.3, Hội nghị Giám đốc sở KH&CN toàn quốc năm 2023 do Bộ KH&CN phối hợp cùng UBND tỉnh tổ chức đã bế mạc sau chương trình thảo luận, trao đổi giữa đại diện Học viện KH&CN và đổi mới sáng tạo, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) và lãnh đạo các sở KH&CN địa phương. Các chủ đề được thảo luận là: Triển khai xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương; triển khai công tác quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo, đánh giá trình độ công nghệ, kết nối tìm kiếm, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài thông qua mạng lưới 1136; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành KH&CN...
Giám đốc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng cho rằng hoạt động KH&CN còn nhiều vướng mắc, tồn tại cần tháo gỡ. Ảnh: TRỌNG LỢI
Giám đốc Sở KH&CN Bình Định Lê Công Nhường trình bày tham luận về kết quả hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo vùng Nam Trung Bộ năm 2022 tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG LỢI
Ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KH&CN Bình Dương, chia sẻ những cách làm hay của địa phương trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN vào sản xuất, đời sống. Ảnh: TRỌNG LỢI
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN, khẳng định: Các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở các địa phương trong thời gian qua tiếp tục được quan tâm thực hiện, nhiều kết quả ứng dụng tốt vào sản xuất, như các quy trình công nghệ mới được áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, nuôi trồng thủy hải sản, khai thác phát triển nhiều nguồn gen sinh vật quý hiếm, đặc hữu, trồng và chế biến dược liệu, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: TRỌNG LỢI
Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, Bộ trưởng Bộ KH&CN yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chủ động nghiên cứu, tiếp tục trao đổi, hướng dẫn địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Trước tiên là phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách thuận lợi cho hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo (sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN năm 2013; Nghị định 70; các thông tư quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia). Đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách về tài chính, đầu tư cho KH&CN... đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình KH&CN cấp quốc gia, các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo của các địa phương và ngoài nước… Mục tiêu là để KH&CN và đổi mới sáng tạo thực sự là giải pháp quan trọng, hiệu quả thúc đẩy phát triển KT-XH ở các địa phương, vùng và của cả nước.
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, năm đầu tiên triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ và của ngành về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các vùng kinh tế. Do đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề nghị các sở KH&CN khẩn trương, chủ động tham mưu cho lãnh đạo địa phương ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các vùng. Cụ thể là, Nghị quyết 11 cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Nghị quyết 30 cho vùng Đồng bằng Sông Hồng; Nghị quyết 26 cho vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Nghị quyết 23 cho Vùng Tây Nguyên; Nghị quyết 24 cho vùng Đông Nam Bộ và Nghị quyết 13 cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Đại biểu dự hội nghị tham quan các gian hàng của các đơn vị khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN và đổi mới sáng tạo; kiện toàn tổ chức bộ máy, đồng bộ cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, huy động mọi nguồn lực, giải pháp để triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tập trung nguồn lực đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức KH&CN và DN. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn trực tiếp với các nội dung phục vụ định hướng phát triển bền vững KT-XH. Tăng cường đầu tư tiềm lực cơ sở vật chất, hạ tầng cho các tổ chức, DN KH&CN. Tăng cường hợp tác với các trường ĐH, viện nghiên cứu để đẩy mạnh hợp tác chuyển giao, ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về KH&CN và đổi mới sáng tạo. Mở rộng hội nhập quốc tế, hợp tác song phương, đa phương, tích cực trao đổi thông tin, kinh nghiệm và thu hút nguồn lực quốc tế. Ngoài ra, triển khai việc xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (cấp tỉnh)...
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang, bảng Chỉ số Đổi mới Toàn cầu 2022 (GII), Việt Nam xếp thứ 48/132, đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á. KT-XH của các địa phương trong cả nước phát triển rất tích cực. Trong kết quả chung đó, có sự đóng góp rất tích cực của ngành KH&CN nói chung, hoạt động KH&CN ở các địa phương nói riêng. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ KH&CN và các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố đã chủ động ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH&CN trên địa bàn. Các cơ chế, chính sách được triển khai, vận dụng hết sức linh hoạt, sáng tạo, đồng hành cùng DN, luôn xác định DN là trung tâm của hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo; tập trung hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương. KH&CN đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành KH&CN cả nước nói chung và đặc biệt là hoạt động KH&CN ở địa phương nói riêng còn đó khó khăn, hạn chế, đòi hỏi toàn ngành phải làm quyết liệt hơn nữa, thực chất hơn nữa để KH&CN thực sự có những đóng góp trực tiếp phục vụ các mục tiêu phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang tặng hoa, quà chúc mừng 8 tân giám đốc sở KH&CN các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ảnh: TRỌNG LỢI
Dịp này, Bộ trưởng Bộ KH&CN tặng hoa, quà chúc mừng 8 tân giám đốc sở KH&CN các tỉnh, thành phố trong cả nước.
TRỌNG LỢI