Hạnh phúc khi được giúp người
Hơn 20 năm gắn bó với công tác thiện nguyện ở địa phương, bà Nguyễn Thị Kim Thành (SN 1968, ở thôn Thọ Lộc 1, xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn) luôn được người dân yêu quý vì sự nhiệt tình, tận tâm. Với bà, việc gần gũi, giúp đỡ người khó khăn đã trở thành một phần của cuộc sống.
Đối tượng được bà Thành quan tâm hàng đầu là trẻ em, nhất là những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo và mồ côi.
Chuẩn bị ghé thăm nhà vợ chồng ông Phạm Văn Tớ (71 tuổi, ở cùng thôn), bà Thành mang theo mớ dây buộc tóc nhỏ xinh làm quà cho cháu gái ông là Nguyễn Thị Ngọc Hiền - bị bệnh tim bẩm sinh, chậm phát triển. Hiền tuy đã 18 tuổi nhưng vẫn ngây ngô hệt trẻ lên 3, phần lớn các sinh hoạt thường ngày đều nhờ cậy ông bà. Thi thoảng, em lại bị giày vò bởi những cơn đau vì căn bệnh tim. Đến nơi, thấy Hiền, bà Thành liền đưa dây buộc tóc cho cô bé. Hai bà cháu cứ thế trò chuyện, vui đùa.
Bà Thành ân cần quan tâm Hiền trong mỗi lần ghé thăm. Ảnh: DƯƠNG LINH
Nhìn cảnh tượng ấy, ông Tớ xúc động: “Cháu gái tôi thích để tóc dài nhưng để tiện vệ sinh nên phải cắt ngắn. Tuy vậy, Hiền vẫn thích và đòi ông bà phải buộc tóc thật đẹp. Bà Thành thấy vậy nên hay tặng dây nơ và giúp chúng tôi chăm nom, để mắt tới cháu. Đó là chưa kể, nhiều phần quà đã được bà trao tận tay gia đình tôi suốt nhiều năm nay”.
Yêu thương trẻ, năm nào bà Thành cũng lên kế hoạch tổ chức đêm hội trung thu ngay tại nhà mình. Bà tự tay chuẩn bị quà, ghé nhà nhắc các em tham dự, cùng hội phụ nữ xã thiết kế chương trình vui chơi.
“Trung thu là Tết thiếu nhi, đứa trẻ nào cũng trông ngóng được vui chơi, tặng quà. Với trẻ có điều kiện sống hạn chế, đây là dịp thích hợp để tôi có cơ hội thể hiện sự quan tâm, yêu thương. Hình ảnh sân nhà ngập tràn tiếng cười trẻ thơ vào đêm rằm tháng 8 là kỷ niệm đẹp nhất với tôi trong suốt quá trình làm thiện nguyện”, bà Thành chia sẻ.
Để giúp đỡ nhiều hơn cho các em, bà Thành trở thành cầu nối giữa những người con xa quê với các trường hợp trẻ khó khăn ở địa phương. Nhờ uy tín cùng sự nhiệt tình, chân thành, bà được nhiều người ủy thác, trong đó có anh Trần Quốc Định (hiện đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh). Thông qua bà Thành, anh Định nhiều lần góp chi phí cho các hoạt động tặng quà cho trẻ khó khăn. Gần đây nhất, anh nhận đỡ đầu em Nguyễn Văn Sự (SN 2012, trẻ mồ côi cha mẹ ở cùng xã).
Anh Định chia sẻ: “Ban đầu, cô Thành cho tôi biết hoàn cảnh của Sự và ngỏ lời mong tôi giúp đỡ. Tôi đồng ý ngay bởi vừa tin tưởng cô, vừa hiểu cô rất chu đáo, tận tâm và yêu thương trẻ em, nhất là những trẻ thiếu thốn cả về tình thương lẫn vật chất”.
Ngoài giúp đỡ hết mình cho trẻ em, bà Thành còn được người dân trong xã nhớ đến nhờ sáng kiến gây quỹ giúp người gặp nạn. Bắt đầu từ khoảng 20 năm trước, khi việc góp tiền tạo quỹ ở cơ sở vẫn chưa phát triển, bà Thành đã bàn bạc với chị em trong hội phụ nữ xã, đưa ra ý tưởng đến từng nhà trong thôn để vận động quyên góp. Từ ngạc nhiên, dần dần mọi người cùng làm theo. Nhờ đó, quỹ tăng dần từ vài trăm nghìn đồng lên đến vài triệu, kịp thời hỗ trợ nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo.
“Cứ trong xóm có trường hợp khó khăn nào bị tai nạn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, cần chi phí chạy chữa thì tôi cùng chị em sẽ góp trước, rồi đi “xin” hàng xóm láng giềng trong thôn. Số tiền càng lớn, chúng tôi càng vui mừng vì giúp được cho người cần”, bà Thành tâm sự.
Suốt chừng ấy năm, sáng kiến của bà Thành vẫn được duy trì đến hôm nay. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2023, bà vận động, giúp đỡ các đối tượng yếu thế với số tiền 23,5 triệu đồng. Hay trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, ngoài tham gia tổ Covid cộng đồng, bà còn kết nối, hỗ trợ nhiều nhu yếu phẩm cho các trường hợp cách ly, điều trị trên địa bàn xã với số tiền trên 20 triệu đồng.
“Tôi hay tâm sự, lắng nghe hàng xóm chia sẻ khó khăn. Khi ấy, tự dưng tôi lại muốn giúp và cố hết sức để san sẻ bớt gánh nặng với họ. Lâu dần thành quen và thấy hạnh phúc lắm khi được cho đi. Bởi vậy, chỉ cần còn sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục hành trình thiện nguyện của mình”, bà chia sẻ.
DƯƠNG LINH