Ðôi điều kể thêm về thành Hoàng Ðế & thôn Bả Canh
Ðịa danh, đơn giản là tên của một vùng đất. Biến thiên qua từng triều đại, tên gọi một vùng đất có thể giữ nguyên hay cải đổi, sáp nhập hay tách chia mà người xưa gọi là “Kiên trí Diên cách”. Ðịa danh luôn ẩn chứa những sự kiện lịch sử, màu sắc văn hóa, dấu tích phong hóa xứ sở. Khi tìm hiểu thêm về thành Hoàng Ðế và thôn Bả Canh, ta sẽ thấy được một góc độc đáo lịch sử, văn hóa của tỉnh Bình Ðịnh.
Thành Hoàng Đế: 2 lần là kinh đô
Thành Hoàng Đế trước kia là thành Đồ Bàn của vương quốc Champa, hoang phế hơn 300 năm, từ sau cuộc chinh Nam của vua Lê Thánh Tông lấy đất này lập ra phủ Hoài Nhơn. Đến năm 1776, vua Thái Đức Nguyễn Nhạc ra công sửa chữa lại. Chiến sự phía Bắc quân Trịnh đã hòa hãn, Phạm Ngô Cầu nuôi chí trấn giữ Thuận Hóa, không có ý đưa binh xâm phạm xuống Nam. Còn quân chúa Nguyễn lận đận tận trong Gia Định, Nguyễn Phúc Thuần cùng Nguyễn Ánh hết Cần Thơ, Long Xuyên rồi ngược lại Định Tường. Trong năm 1777, cả Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương, rồi Định vương Nguyễn Phúc Thuần đều tuẫn nạn dưới tay nhà Tây Sơn. Đây cũng là một phần khiến đến năm 1778 việc gia công, tu bổ, nâng cấp hệ thống phòng thủ, kho đụn thành Hoàng Đế không nhiều, ngay cả lực lượng quân binh trấn giữ nơi đây cũng khá mỏng so với vị trí của nó.
Có lẽ vì thế nên sang năm 1799, khi quân của họ Nguyễn Gia Miêu từ Gia Định ra vây hãm thành Hoàng Đế chỉ sau mấy tháng trời, Thái phủ Lê Văn Ứng buộc phải đem 6.000 quân, 50 thớt voi về Tây Sơn Thượng lấy quân lương. Toán quân này bị quân Nguyễn Gia Miêu do Võ Tánh chỉ huy chặn đánh ở Cà Đáo (nay là thôn Dõng Hòa, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn), bắt hết quân và voi, chỉ một mình Lê Văn Ứng thoát được. Cạn kiệt lương thảo, lực lượng trấn giữ thành Hoàng Đế đành ra hàng.
Chỉ một năm sau đó, năm 1800, Thiếu phó Trần Quang Diệu đưa quân vào vây Võ Tánh ở ngay chính thành Hoàng Đế. Biết tin, quân Gia Định từ miền Nam ra giải vây nhưng lực lượng này bị quân của Trần Quang Diệu chặn đứng ở gần núi Cù Mông, phần xuyên qua được cuối cùng cũng không vượt qua nổi phòng tuyến Cầu Đôi và Núi Úc bị tiêu diệt hết. Dù rút kinh nghiệm từ chính những quân Tây Sơn bằng cách tích lương thảo kho đụn trong thành, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất nhưng Võ Tánh cũng chỉ có thể cố thủ được 2 năm. Khi hết lương thảo, để bảo vệ tính mạng của quân binh dưới quyền, Võ Tánh thư xin hàng, ngỏ ý đề nghị Trần Quang Diệu nương tay cho lực lượng hộ thành rồi tự thiêu tuẫn tiết.
Một tòa thành lớn như thành Hoàng Đế, từng 2 lần là kinh đô, gắn bó mật thiết với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, nơi diễn ra nhiều giai thoại bi tráng của chiến tranh hiển nhiên vẫn còn giấu trong lòng nó nhiều bí ẩn mà việc phát hiện một số công trình trong khuôn viên Tử Cấm thành là một ví dụ.
Một góc Tử Cấm Thành của thành Hoàng Đế. Ảnh: N. NHUẬN
Bả Canh - từ binh lửa đến hòa bình
“Bả Canh” hay còn có thể đọc là “Bá Canh” là một khu vực của phường Đập Đá, TX An Nhơn ngày nay. Tên đầy đủ được ghi nhận vào thời Gia Long là ấp chánh hộ “Trường Cửu Bả Canh” của xã Thời Đôn, thuộc Thời Đôn, huyện Tuy Viễn. Địa danh Bả Canh không chỉ đã xuất hiện trong lịch sử đã lâu đời mà còn được ghi trong nhiều tài liệu ngoại giao quốc tế, điển hình là của người Anh.
Năm 1788, phái đoàn người Anh đến yết kiến vua Thái Đức, theo tường thuật của trưởng sứ đoàn Charles Chapman thì lối vào của sứ đoàn là cửa thành phía Đông, tức phía QL 1A vô ngả Bả Canh hiện nay. Sau này trong một ghi chép của mình, Charles Chapman viết: “Vào bên trong thành, chúng tôi phải chờ chừng nửa giờ nơi dịch quán lụp xụp. Cổng và trên thành hoàn toàn không một lính canh, dưới mặt đất phô bày ra những cánh đồng lúa”. “Cánh đồng lúa” mà Charles Chapman nhắc đến chính là ruộng lúa ở Bả Canh bên trong Hoàng thành.
Thành trì mà không lương phạn thì có vững chắc mấy cũng không thể phòng giữ lâu dài. Trong bối cảnh đương thời chiến tranh giữa các thế lực phong kiến diễn ra liên miên, để góp phần cho thế phòng ngự thêm vững chắc, lực lượng phòng thủ phải tự chủ binh lương càng nhiều càng tốt. Đó là lý do có ruộng Bả Canh.
Ruộng ở Bả Canh hầu hết là quan điền. Ruộng công ngày xưa được phân 2 loại là công điền và quan điền. Công điền do xã, thôn quản lý, cấp cho dân theo định kỳ, theo hạn mức để phục vụ việc công ích, như cấp cho các thầy đồ cày cấy để làm hương sư dạy dỗ người làng, hoặc trích làm ruộng xã thương giúp người trong thôn khó khổ, chịu cảnh tối lửa tắt đèn. Còn quan điền do quan quân, binh lính trực tiếp cày cấy, hoặc cho người dân cấy sạ nộp mức tô thuế cao để làm quân lương. Bả Canh theo ngữ nghĩa địa danh hàm ý là “cày ruộng quan”.
Theo Nghiên cứu địa bạ Bình Định, áp dụng chính sách quân điền ở Bình Định, vào năm 1839 thôn Bả Canh gộp lại có tới 120 mẫu công điền, trong khi tư điền chỉ có 49 mẫu. Tham chiếu điều này sẽ thấy xuất hiện thêm một góc nhìn mới về Bả Canh.
Bả Canh xưa thuộc thành Hoàng Đế nhà Tây Sơn, như đã nói làm ruộng là chính. Các khu vực kề bên như: Bằng Châu, Phương Danh… hầu hết đều gồm những làng nghề nức danh như: Rèn, đúc, dệt, mộc, gạch ngói, đất nung… Vốn phục vụ cho cuộc sống cư dân kinh đô nên trình độ chế tác của những làng nghề này cao hơn xung quanh khá nhiều. Thời thế đổi thay, phần quan điền Bả Canh ngày càng thu hẹp lại và người Bả Canh dần dần thoát ly nghề nông, nhưng địa danh xưa vẫn còn đó.
PHAN TRƯỜNG NGHỊ