Mở hướng nuôi biển gắn với phục vụ du lịch
Với lợi thế về diện tích mặt nước biển, vùng san hô rộng lớn, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn là nơi được ngành nông nghiệp tỉnh lựa chọn để xây dựng mô hình nuôi biển gắn với phục vụ du lịch.
Trong chiến lược phát triển nghề nuôi biển của tỉnh Bình Định, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng một số vùng sản xuất thân thiện với môi trường gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, hỗ trợ chuyển đổi sinh kế từ khai thác thủy sản vùng ven bờ sang nuôi trồng thủy sản trên biển gắn với giao quyền đồng quản lý các diện tích mặt biển cho các tổ chức cộng đồng nhân rộng quy mô sản xuất, vừa phát triển kinh tế vừa giữ gìn và bảo vệ được hệ sinh thái vùng biển. Mô hình nuôi biển kết hợp phục vụ du lịch trải nghiệm sẽ được thí điểm đầu tiên ở vùng biển thuộc quyền đồng quản lý của xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) - nuôi rong sụn kết hợp bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô và nguồn lợi thủy sản.
HTX Dịch vụ du lịch và thủy sản xã Nhơn Hải khoanh vùng thí điểm trồng rong sụn trong vùng biển được giao quyền đồng quản lý cho tổ chức cộng đồng địa phương. Ảnh: XUÂN SÁNG
Việc lựa chọn Nhơn Hải để thí điểm mô hình nuôi rong sụn kết hợp với phục vụ du lịch nhằm tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất; đồng thời khai thác các giá trị từ hoạt động nuôi trồng thủy sản để tăng hiệu quả kinh tế là một lựa chọn đã được tính toán kỹ lưỡng. Trước đó, nhờ vào các dự án bảo tồn, khôi phục và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ, giao quyền đồng quản lý cho tổ chức cộng đồng, vùng san hô dưới biển Nhơn Hải đã hồi sinh và phát triển tương đối tốt. Đến nay san hô tại khu vực 12,8 ha mặt nước quanh khu vực Hòn Khô do Tổ chức cộng đồng địa phương ở Nhơn Hải quản lý và bảo vệ đã dày hơn, tăng độ che phủ, thu hút được nhiều cá, tôm, rùa biển về quần cư. Tổ chức cộng đồng khoanh vùng, thả phao và khai thác thủy sản, kết hợp tổ chức trải nghiệm du lịch ở các vùng được phép để bảo vệ được hệ sinh thái dưới biển.
Xuất phát từ thực tế đó, ngành nông nghiệp tỉnh thông qua kết nối của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã tạo điều kiện để HTX Dịch vụ du lịch và thủy sản xã Nhơn Hải tham gia vào mô hình thí điểm trồng rong sụn trong vùng biển được tổ chức cộng đồng địa phương quản lý, vừa bảo vệ rạn san hô vừa tạo vùng nguyên liệu cho hoạt động sản xuất. Thông qua tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ giống, giữa tháng 3.2023, HTX đã trồng thử nghiệm gần 10.000 cây rong sụn.
Ông Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Giám đốc HTX, cho hay: Trước đây, bà con ở địa phương đã thử trồng rong sụn nhưng do chưa nắm bắt được hết kỹ thuật, các yếu tố liên quan nên dẫn đến thất bại. Lần này, với sự hỗ trợ tận tình từ các chuyên gia, chúng tôi hy vọng có kết quả tích cực. Hiện nay, HTX đang sản xuất nước râu câu từ nguồn rong biển tự nhiên, từng bước hoàn thiện quy trình, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nước rau câu Nhơn Hải. Trong quá trình phát triển, HTX muốn có thêm nguồn nguyên liệu để đưa vào sản xuất nhằm đa dạng các sản phẩm của HTX, vừa có thể tăng đầu ra, vừa có thể thu hút được du khách tham gia vào hoạt động sản xuất của HTX để nâng cao giá trị của du lịch trải nghiệm cộng đồng ở làng biển.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, đây được xem là mô hình nuôi biển được tổ chức bài bản, chuyển nghiệp tại địa phương trong thời điểm hiện nay. Tuy mới ở những bước khởi đầu, song địa phương hy vọng mô hình này thành công góp phần tạo sinh kế cho người dân, từ đó có thể giúp chuyển đổi nghề khai thác vốn đang đối mặt với nhiều khó khăn sang nuôi trồng gần bờ, để ổn định cuộc sống.
THU DỊU