HƯỞNG ỨNG NGÀY KHÍ TƯỢNG THẾ GIỚI 23.3:
Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn
Những năm qua, Ðài Khí tượng Thủy văn Bình Ðịnh (thuộc Ðài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Trung bộ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ TN&MT) chú trọng nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Tại tỉnh Bình Định, những năm gần đây, các bản tin, thông báo, dự báo thời tiết liên tục được thay đổi, bổ sung và ngày càng thêm phong phú, từ các bản tin trên loa phát thanh, bản tin thời tiết trên truyền hình, đến các website phòng, chống thiên tai của tỉnh, các ứng dụng (app) trên điện thoại di động thông minh… Tất cả cùng hướng tới mục tiêu hỗ trợ để người dùng tiếp cận nhanh nhất thông tin dự báo thời tiết. Trong vấn đề này, vai trò của Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) tỉnh ngày càng tích cực.
Cán bộ Đài Khí tượng Thủy văn Bình Định trực cập nhật diễn biến thời tiết để phát tin dự báo. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ông Trần Sĩ Dũng, Giám đốc Đài KTTV tỉnh, chia sẻ: “Ngày xưa, ông cha ta đã biết quan sát các hiện tượng tự nhiên để biết được hiện tượng thời tiết sắp xảy ra, đúc kết và ghi truyền lại qua các câu tục ngữ, ca dao hay những câu chuyện dân gian có tính dự báo tương đối chính xác. Hiện nay, chúng ta có nhiều phương thức tiếp cận theo dõi thời tiết, như truyền hình, radio, báo chí, mạng internet, các ứng dụng dự báo thời tiết trên điện thoại di động thông minh…, giúp phòng ngừa, ứng phó các hiện tượng thời tiết cực đoan”.
Đài KTTV tỉnh hiện có 30 trạm KTTV tự động, trong đó có 4 trạm khí tượng, 4 trạm thủy văn, 22 trạm đo mưa được lắp đặt trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn có 1 trạm radar thời tiết đặt trên núi Vũng Chua (TP Quy Nhơn), 1 trạm định vị giông sét đặt tại Đài. Các trạm KTTV này thực hiện các nhiệm vụ đo đạc, thu thập thông tin dữ liệu KTTV và tự động truyền dữ liệu với tần suất 24/24 giờ về Đài KTTV tỉnh khai thác, phân tích, cập nhật, phát tin dự báo, cảnh báo, đánh giá KTTV trên toàn tỉnh; đặc biệt, việc dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm luôn được đặt lên hàng đầu.
Những năm qua, Đài KTTV tỉnh đã từng bước ứng dụng KH&CN để khai thác chuẩn hóa các bản tin dự báo KTTV. Nội dung các bản tin dự báo thời tiết cũng thay đổi dần từ việc dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai trong 24 - 48 giờ tới, chuyển sang dự báo thời tiết chi tiết hằng ngày, hằng tuần hoặc lên đến thời hạn 10 ngày và được chuyển tải nhanh nhất đến các sở, ngành, từng huyện, xã và người dân tiếp cận để chủ động hơn trong sinh hoạt, sản xuất cũng như phòng, chống thiên tai.
Ông Trần Sĩ Dũng cho biết thêm: Chúng tôi cũng chú trọng nâng cao năng lực của các dự báo viên KTTV để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tương đối chính xác các hiện tượng thời tiết, như mưa lớn, lũ lụt, giông, lốc, sét, bão, áp thấp nhiệt đới, nắng hạn, mực nước trên các sông, hồ…. với những nội dung chi tiết phù hợp với khả năng tiếp nhận của người dân, đảm bảo các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV có độ tin cậy, chính xác từ 80 - 90%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dự báo, cảnh báo KTTV của Đài KTTV tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, như: Nhân lực còn ít; một số cơ chế, chính sách về KTTV chưa đáp ứng thực tế; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện chưa được đầu tư, nâng cấp nhiều...
Để nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV trong thời gian tới, Đài KTTV tỉnh tiếp tục chủ động chuyển đổi số hướng tới tự động hóa trong phân tích thông tin, dữ liệu về nguy cơ xảy ra các hiện tượng KTTV nguy hiểm, bất thường để đưa ra dự báo, cảnh báo với độ chính xác cao. Cùng với đó, chú trọng đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện; bổ sung mạng lưới các trạm KTTV tự động… theo hướng hiện đại, đồng bộ đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.
NGỌC NHUẬN - NGỌC LŨY