Khoa học, công nghệ tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội
Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Bình Ðịnh bố trí hơn 162 tỷ đồng cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhờ thực hiện đồng bộ nên công tác quản lý các hoạt động nghiên cứu, phát triển thị trường khoa học, công nghệ, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao… đem lại nhiều kết quả tốt, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.
Những kết quả nổi bật
Đơn cử, trong nghiên cứu KH&CN bước đầu đạt những kết quả quan trọng trong công tác dự báo, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thời tiết gây ra; xây dựng, tiếp nhận dữ liệu quan trắc môi trường tự động, cơ sở dữ liệu GIS về khoáng sản Bình Định; điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, loài động vật, thực vật đặc hữu, có giá trị khoa học, kinh tế tại khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn, đầm Thị Nại, đầm Trà Ổ… Đề án thành lập Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định đã được tỉnh phê duyệt. Ngày 18.3.2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt kết nạp Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh là thành viên chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. Đây là cơ sở pháp lý để mời gọi DN vào đầu tư, phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, hướng đến hình thành Trung tâm trí tuệ nhân tạo tại Bình Định.
Đề án thành lập Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định được tỉnh phê duyệt. Ảnh: DŨNG NHÂN
Việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao tiếp tục được tỉnh đẩy mạnh. Có thể kể đến công nghệ đánh bắt, chế biến thủy hải sản (đánh bắt, chế biến cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản); sản xuất cây giống nông, lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ cao để đầu tư trang trại chăn nuôi gà hiện đại, tiên tiến, tạo sản phẩm sạch, năng suất cao, chất lượng tốt.
Tiêu biểu như Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước). Không chỉ phát triển mạnh về con giống, Công ty còn ứng dụng công nghệ cao, hiện đại và tự động hóa vào chăn nuôi. Hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống, kiểm soát nhiệt độ, chiếu sáng chuồng nuôi và khử trùng hoàn toàn tự động. Công ty còn đầu tư nhà máy ấp nở lớn nhất châu Á với dây chuyền xử lý trứng hoàn toàn tự động. Toàn bộ hệ thống thiết bị trong nhà máy ấp đều được kết nối với hệ thống điều khiển trung tâm và có thể điều khiển từ xa bằng thiết bị di động thông minh.
Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư ứng dụng công nghệ, thiết lập dây chuyền xử lý trứng hoàn toàn tự động. Ảnh: T.LỢI
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng góp phần phát triển KT-XH khu vực nông thôn. Từ năm 2021 đến nay, Sở KH&CN đã hỗ trợ 18 sản phẩm đặc trưng của các huyện, thị xã, thành phố đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có gắn với tên địa danh… Năm 2022, Sở KH&CN tổ chức chương trình ươm tạo và cố vấn tăng tốc các ý tưởng/dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, qua đó tuyển chọn được 5 dự án. Đổi mới và thực hiện tốt các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh đội ngũ trí thức, cán bộ KH&CN, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao. Hỗ trợ Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành phối hợp với Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức 14 hội nghị khoa học, 7 lớp chuyên đề trong nước và quốc tế, đón tiếp 1.700 nhà khoa học trong nước, quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự...
Hướng đến mục tiêu mới
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh vào ngày 16.3, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhìn nhận: So với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Bình Định là địa phương có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng công nghệ vào sản xuất hiệu quả, phát huy kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án cấp quốc gia. Nhờ chú trọng hoạt động KH&CN, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và đời sống, đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả một số cây trồng, vật nuôi và sản phẩm hàng hóa, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Để có kết quả này, tỉnh đã cụ thể hóa hoạt động phát triển KH&CN bằng nhiều chương trình hành động cụ thể, trong đó có Chương trình hành động số 10 ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh về phát triển KH&CN, hỗ trợ phát triển DN và đổi mới công nghệ tỉnh giai đoạn 2020 - 2025…
Từ nay đến năm 2025, ngành KH&CN của tỉnh hướng đến mục tiêu hình thành mới ít nhất 10 DN KH&CN, tốc độ đổi mới công nghệ đạt từ 17 - 20%/năm, hỗ trợ thương mại hóa ít nhất 10 sản phẩm sáng tạo, phát triển Khu đô thị Khoa học Quy Hòa, Trung tâm Trí tuệ nhân tạo tại Bình Định… Tỉnh cũng kiến nghị Bộ KH&CN hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho Bình Định đối với 3 sản phẩm, gồm: Yến sào Bình Định, ớt Bình Định và bưởi Bình Định; hỗ trợ hình thành không gian đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, là nơi giao dịch kết nối giữa cung - cầu công nghệ cho tỉnh, khu vực Nam Trung bộ - Tây nguyên…
TRỌNG LỢI