Khi bà là mẹ
Mái ấm không trọn vẹn, trẻ em chịu nhiều thiệt thòi, nhất là với những trẻ thiếu tình thương của mẹ. Khi ấy, người bà dù lớn tuổi nhưng vẫn tảo tần, chăm lo cho cháu nhỏ. Với cháu, bà là chỗ dựa vững chãi, hết mực yêu thương, che chở. Với bà, cháu không phải gánh nặng mà là nguồn vui lúc xế chiều.
Nỗi lo của bà
Luôn tự nhủ cần bù đắp phần nào hơi ấm mà đáng lẽ trẻ được nhận từ mẹ, người bà mang trong mình nhiều nỗi lo lắng, bận tâm. Trước hết là về điều kiện sống.
Dù tuổi đã cao, sức khỏe suy giảm, bà Trần Thị Tiến (72 tuổi, ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) vẫn ngày ngày đều đặn đến quán cơm gần nhà để phụ bưng bê, đến chiều thì nhận đan nhựa giả mây tại nhà. Thời gian còn lại, bà lo việc đồng áng và cơm nước, chăm lo cho cháu nội Trần Nguyễn Vân Linh (17 tuổi). Dù làm nhiều việc nhưng vẫn chẳng thấm vào đâu, bởi mọi chi phí đều dành dụm để chữa trị cho người con trai mắc cùng lúc nhiều căn bệnh và cháu gái đang tuổi đi học. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, vật dụng đáng giá chỉ là chiếc tủ đứng và bộ bàn ghế cũ, sờn rách mà hàng xóm thương tình gửi tặng.
Vân Linh chăm chỉ phụ bà nội đan nhựa giả mây, trang trải cuộc sống. Ảnh: D.L
Bà Tiến tâm sự, từ ngày mẹ Linh bỏ đi, cô bé trầm tính và hiểu chuyện hơn. Linh bắt đầu quan tâm nhiều đến chi tiêu hằng ngày, nhiều lần “ngỏ ý” muốn nghỉ học để đi làm, kiếm tiền phụ bà.
“Tôi không sợ khó, sợ khổ, chỉ sợ cháu nội nghỉ học vì không có điều kiện đến trường. Nghe nơi nào chịu nhận người lớn tuổi vào làm việc, tôi liền đến xin việc ngay. Ngoài giờ làm, tôi luôn gần gũi Linh để cháu hiểu được nỗi lòng của bà, bù đắp phần nào tình thương mà cháu bị khuyết vì mẹ không bên cạnh”, bà Tiến nghẹn lời.
Ngoài lo lắng vì điều kiện sống thiếu thốn, tâm lý chênh vênh, mặc cảm, tủi thân của trẻ khi không có gia đình trọn vẹn cũng là nỗi bận tâm của những người bà. Cầm bức hình cả gia đình ngày còn đầm ấm trên tay, bà Lê Thị Liên (73 tuổi, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) trải lòng, vì vợ chồng con trai không hạnh phúc nên đường ai nấy đi từ 5 năm trước, để lại 2 cháu trai cho ông bà nội chăm sóc.
Kể từ đó, mình bà dùng số lương hưu hơn 4 triệu đồng/tháng lo mọi chi phí cho 4 miệng ăn trong nhà. Hằng tháng, bà phải “cân đo đong đếm” từng chút một để không hụt đầu này, thiếu đầu kia. Khó khăn đủ điều nhưng với bà, thiếu thốn về vật chất có thể tìm cách bù được; còn về tâm lý trẻ thì rất khó để nắm bắt, thấu hiểu.
“Ngày trước, vì mẹ chưa có cách dạy dỗ phù hợp, thường to tiếng, nặng lời dẫn đến việc 2 cháu ít gần gũi, chia sẻ với người thân. Giờ bước vào tuổi dậy thì, trẻ càng khép kín; buộc tôi phải cố gắng làm mọi cách để cháu cảm thấy an toàn, dần cởi mở và tâm sự với bà”, bà Liên suy tư.
Đùm bọc, che chở
Vất vả, nhiều nỗi lo là thế nhưng chưa khi nào bà xem cháu là gánh nặng. Hiểu lòng bà, cháu cũng yêu thương bà theo cách riêng của mình.
Vừa phụ bà đan nhựa giả mây, Linh kể, từ năm lớp 8, thấy bà dù lưng đau, mắt mỏi sau khi làm thêm ngoài tiệm cơm, về đến nhà lại luôn tay đan ghế, em thủ thỉ nhờ bà hướng dẫn và tập đan từng chút. Thời gian còn lại, em nỗ lực học hành chăm chỉ, thu xếp thời gian cùng bà làm việc nhà.
“Ngày thường, em và bà luôn ngủ cùng nhau. Nhưng những hôm bà ốm, bà không cho em ngủ cùng vì sợ lây. Thế nhưng, khi ấy, bà cũng không nghỉ ngơi mà gắng sức đan. Vậy nên em nghĩ, nếu mình biết làm thì sẽ giúp bà có nhiều thời gian chợp mắt hơn”, Linh chia sẻ.
Thương cháu gái “nói ít, làm nhiều”, luôn đỡ đần bà việc nhà, bà Tiến cũng xem Linh là chỗ dựa tinh thần. Bà nói vui: “Có cháu gái ngoan hiền, khổ mấy tôi cũng chịu được, miễn lo cho cháu đầy đủ cái ăn, cái mặc, được đi học đầy đủ”.
Tương tự, hiểu được bà nội yêu thương và vô cùng kiên nhẫn trong việc lắng nghe, chỉ dạy, 2 cháu trai của bà Liên là Phạm Hy Lâm (13 tuổi) và Phạm Minh Trí (9 tuổi) dần thay đổi theo chiều hướng tích cực. Các em trò chuyện nhiều hơn, ít bướng bỉnh và tự giác học hành hơn trước.
“Vì em còn nhỏ nên không giúp được gì cho bà ngoài việc chăm chỉ học tập để bà yên tâm. Bà nói, chỉ cần em có thành tích học tập tốt, bà sẽ vui vẻ, tự hào về em. Bởi vậy, dù em học còn chậm nhưng vẫn cố gắng mỗi ngày để khiến bà tự hào”, Lâm chia sẻ.
DƯƠNG LINH