Tết và niềm vui đoàn viên, sum họp
Dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều người Bình Định ở nước ngoài nao nức về thăm quê hương và đón Tết sum vầy bên gia đình, để thêm một lần nữa cảm nhận rõ ràng hơn những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam.
Sau 5 năm xa quê, chị Nguyễn Thị Thúy Phượng, 36 tuổi, ở phường Đập Đá, TX An Nhơn đưa chồng là anh Pieere Bronsard cùng 2 con từ Pháp về quê ăn Tết. Những ngày ở quê, gia đình chị Phượng sắp xếp để con rể và các cháu hưởng trọn một cái Tết giàu ý nghĩa, đậm đà văn hóa Việt.
Chị Phượng và anh Pieere Bronsard (thứ tư và thứ ba từ phải sang) về ăn Tết và tham dự đám cưới ngày 26.1 tại quê. Ảnh: HẢI YẾN
Năm 2018, anh Pieere Bronsard đã về quê vợ ăn Tết, và đó chính là lý do anh rất vui bởi sự thay đổi quá đỗi nhanh chóng trên quê vợ. Cả gia đình diện bộ áo dài đỏ, đi hái lộc, viếng chùa đầu năm, chúc Tết người thân, thăm mộ gia tộc… Anh Pieere Bronsard còn được mời đi họ đám cưới của cháu vợ, qua đó lại thấy yêu thêm văn hóa Việt thông qua tục lệ cưới hỏi.
Anh Pieere Bronsard tâm tình: Tôi ghi hình tất cả các hoạt động của gia đình ở quê vợ gởi cho bạn bè và người thân ở Pháp xem và ai cũng thích thú. Ở Pháp, vùng quê tôi hiếm người Việt Nam nhưng vợ tôi vẫn cố gắng nấu nhiều món ăn Việt như chả ram, bún bò, bún tôm, bánh canh, phở… cho gia đình tôi thưởng thức và ai cũng khen ngon. Vậy mà, về Việt Nam đúng dịp Tết, được thưởng thức các món ăn ấy trên quê nhà, tôi lại thấy những món ăn ấy thêm đậm đà hương vị, rõ ràng người Việt có cái tình với quê hương rất sâu sắc. Tôi thích các phong tục mừng tuổi, lễ chùa, thăm nhà chúc xuân quây quần cùng bạn bè, người thân lắm. Tết ở đây tất bật mà vui.
Tết là dịp bện chặt thêm sợi dây kết nối tình thân sau thời gian dài phải xa cách vì cuộc sống, mưu sinh. Chính vì vậy mà đối với nhiều Việt kiều, Tết luôn là sự kiện có ý nghĩa thiêng liêng không gì thay thế được. Chị Lê Thị Thanh Tâm, 42 tuổi, định cư ở Okalahoma, Mỹ lần đầu đưa gia đình về ăn Tết ở Việt Nam, cho biết: 2 năm dịch Covid-19 không về quê được, tôi nhớ quê da diết, nhất là dịp tết Nguyên đán. Cứ mỗi lần gọi điện thoại về nhà là muốn khóc. Năm nay, tôi cố gắng thu xếp công việc, đưa hai con tôi (5 tuổi và 3 tuổi) về ăn Tết. Tôi muốn con mình có ký ức đậm đà về Tết Việt Nam.
Ở nước ngoài, ai cũng tất bật, bộn bề khó khăn nhưng nỗi nhớ quê hương luôn chất chứa trong những kế hoạch về quê ăn Tết. Để thực hiện những kế hoạch đó, ngoài tài chính, họ còn phải sắp xếp công việc, để dành phép cho kỳ nghỉ Tết ở Việt Nam được dài hơn. Chị Vy Scott, 45 tuổi, ở Greater Vancouver, Canada kể: Chúng tôi có kế hoạch về thăm quê năm 2020 nhưng vì dịch Covid-19 phải hoãn. Lần này, tôi sắp xếp lịch làm việc, lịch học của cả nhà để có thể hưởng trọn một cái Tết đậm đà tình thân. Đây là cái Tết đoàn viên, Tết sum vầy và lần đầu tiên trong 20 năm qua có mặt đầy đủ tất cả các thành viên gia đình. Tôi đưa các con cùng về nước bởi trong thâm tâm, tôi luôn ý thức việc truyền cho các con tình yêu và sự gắn bó với Việt Nam, quê hương Bình Định. Bởi vì chúng ta đều mang dòng máu Việt. Những ngày Tết, chúng tôi đi chúc Tết ông bà, họ hàng, cô bác; du xuân, tham quan một số địa điểm du lịch tại Bình Định như: Bảo tàng Quang Trung, thắng cảnh Kỳ Co…
Bà Phạm Thị Thu Sương (ngoài cùng bên trái) tổ chức hoạt động từ thiện tại Việt Nam dịp tết Quý Mão 2023. Ảnh: NVCC
Sau 2 năm dịch Covid-19, bà Phạm Thị Thu Sương, người Bình Định, đang sinh sống tại Thụy Sĩ, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Helf for Việt Nam, kể: 15 năm qua, năm nào tôi cũng huy động bạn bè, người thân ở Thụy Sĩ thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện với tổng trị giá từ 1 - 2 tỷ đồng/năm. Năm nay, tôi sắp xếp công việc trực tiếp đi các tỉnh phía Bắc thăm, tặng quà, trao học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ các trung tâm bảo trợ, tặng quà cho vùng sâu, vùng xa và người có công cách mạng. Dịp này, tôi dành thời gian đón Tết cùng gia đình ở tỉnh Bình Định, gặp gỡ bạn bè cũ… Điều tôi thích nhất khi trở về nước là được hòa mình vào không khí rộn ràng của mùa xuân, được ăn những món ăn đậm chất Việt Nam.
HẢI YẾN