Đừng để “không ăn xin” chỉ nằm trên khẩu hiệu
Từ dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 đến nay, trên một số tuyến đường trung tâm của TP Quy Nhơn treo các băng rôn về du lịch Quy Nhơn - Bình Định “3 không”, trong đó có “không người ăn xin”. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều du khách và người dân thành phố vẫn bị làm phiền vì những người ăn xin.
Tối 30.4, bà Huyền Trân cùng gia đình là du khách Đà Nẵng đến một quán hải sản trên đường Xuân Diệu (TP Quy Nhơn). Khi món ăn vừa dọn ra, sự hào hứng của nhóm du khách bị “chặn lại” bởi một phụ nữ cho biết bị bệnh nặng đến xin tiền. Sau khi từ chối phụ nữ này, chỉ hơn 15 phút sau, lại có một trẻ em đến chìa tay xin; sau đó là một người hát rong đẩy xe có người tàn tật nằm trên để đi xin tiền...
“Lần đầu tiên tôi đến phố biển Quy Nhơn với nhiều ấn tượng đẹp. Tuy nhiên, có chút hụt hẫng khi gặp nhiều người ăn xin phản cảm, ảnh hưởng đến thành phố du lịch. Đi trên đường tôi cũng thấy có treo băng rôn thông tin về “không ăn xin”, thực tế lại khác thì phản tác dụng tuyên truyền”, bà Huyền Trân cho biết.
Trong dịp nghỉ lễ vừa qua, số người ăn xin tập trung nhiều hơn trên các tuyến đường có nhiều nhà hàng, quán ăn uống. Theo chủ một quán hải sản trên đường Xuân Diệu (không muốn nêu tên), quán đã ngăn người ăn xin không vào trong làm phiền khách. Tuy nhiên, họ đứng ngoài vỉa hè, lề đường chờ xin thì “đành chịu”; nếu tiếp tục xua đuổi, họ chửi bới lại gây ảnh hưởng đến quán.
Bên cạnh các quán ăn uống, người ăn xin cũng tập trung đông tại các chùa trong dịp đông người đến lễ cúng. Đi trên một số tuyến đường lớn trên địa bàn thành phố, không khó để thấy có người ăn xin ngồi ở ngay cạnh các trụ đèn tín hiệu giao thông.
Bà Hoài Nhơn (người dân ở phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn), cho biết: “Tôi thường ra quán uống cà phê sáng hằng ngày, gặp đến “quen mặt” những người lớn tuổi đi ăn xin. Gần đây, lại thấy có một số người ăn xin ở độ tuổi trung niên, nói bị bệnh tật này nọ để xin tiền, cũng không biết thật giả thế nào. Thỉnh thoảng, tôi cũng gặp cả thiếu niên đi ăn xin”.
Người ăn xin trên đường Xuân Diệu (TP Quy Nhơn) tối 6.5. Ảnh: H.THU
Tối 6.5 và sáng 7.5, chúng tôi đi qua các đường Xuân Diệu, Tăng Bạt Hổ, Đô Đốc Bảo, gặp nhiều trường hợp người xin ăn, từ một người nam dìu một người nữ (khoảng hơn 40 tuổi) một tay để trên đầu như “báo hiệu” cho mọi người biết mình đang bị đau thần kinh, đến các cụ bà ngồi trước quán ăn, cạnh đèn tín hiệu giao thông, hay vào hẳn trong quán cà phê để xin tiền...
Người ăn xin có mặt tại một quán cà phê trên đường Đô Đốc Bảo (TP Quy Nhơn) sáng 7.5. Ảnh: H.THU
Từ thực trạng trên, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần quan tâm hơn đến vấn đề “không ăn xin”. Bởi, không phải ngẫu nhiên khẩu hiệu này xuất hiện trên băng rôn tuyên truyền. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, du lịch là 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, với định hướng xây dựng Bình Định thành điểm du lịch “3 tốt” và “3 không”, trong đó có “không ăn xin”.
Yêu cầu đặt ra là cần đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Đề án Tập trung, giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, được UBND tỉnh ban hành từ tháng 2.2021. Từ đó, có giải pháp quyết liệt, hiệu quả để ngăn chặn tiến đến chấm dứt nạn ăn xin trên địa bàn tỉnh, nhất là ở TP Quy Nhơn; hướng đến mục tiêu cụ thể của Đề án là “phấn đấu đến hết năm 2025, trên địa bàn tỉnh không có người dân nào của địa phương có hành vi lang thang, cơ nhỡ, xin ăn”.
Theo bà Huyền Trân, trước đây, tại TP Đà Nẵng tình trạng người ăn xin, lang thang, cơ nhỡ rất nhiều. Thành phố triển khai nhiều giải pháp rất quyết liệt, đồng bộ và lâu dài mới không còn người ăn xin, tiếp tục nỗ lực ngăn chặn tái diễn tình trạng này.
“TP Đà Nẵng lập đường dây nóng và thông báo rộng rãi số điện thoại để người dân thấy người ăn xin có thể gọi báo lực lượng chức năng đến xử lý. Người gọi báo còn được “thưởng nóng”. Tôi thấy Quy Nhơn cũng nên làm theo cách này, nhất là số điện thoại đường dây nóng cần có trên băng rôn tuyên truyền “không ăn xin” treo tại các nơi thường có người ăn xin hay tìm đến”, bà Huyền Trân góp ý.
HOÀI THU