Một miền hương sứ
Tản văn của Trần Thị Tú Nhi
Bất cứ ai yêu cái đẹp cũng có nỗi niềm rung động xa thẳm cùng một loài hoa nào đó trong đáy sâu tâm hồn mình. Người ta yêu hoa vì đẹp, cũng có thể yêu hoa vì gắn liền với kỷ niệm êm đềm, rung động vì hoa gợi nhắc hình bóng ai đó, hoặc ngưỡng mộ kính phục hoa mang thân phận cao quý của quốc gia, dân tộc… Với tôi, hoa sứ có đủ lý do để yêu một cách chân thành, thuần khiết và khao khát dạt dào mỗi khi nhắc đến tên hoa.
Năm nay lập xuân muộn, hoa sứ trong sân trường ĐH Quy Nhơn dường như cũng lỗi hẹn với mùa xuân. Mới tháng hai mà hoa đã rụng tả tơi bởi làn mưa từ đâu ào ạt đổ về. Tiết vũ thủy làm sứ chẳng thể nương náu bám cành, không thể vương tơ níu giữ chút ít xuân thì trên cành cao còn xanh lá. Những cành sứ khô gầy thảng thốt nhìn dáng hoa rơi trong mưa mà tiếc nuối, vấn vương. Lập xuân muộn, sứ đã trổ hoa từ cuối đông đến tiết mưa xuống kéo theo cả mênh mang miền hoa lìa cành trải rợp những ô cỏ xanh mướt. Trên nền xanh mềm mượt, mênh mang của loài cỏ nhung điểm lên một trời hoa sứ trắng tinh khôi chẳng khác nào một tấm thảm được dệt khéo léo bởi bàn tay người thợ tài hoa. Tấm thảm ấy như mời mọc, đón chờ bước chân của bao thiếu nữ xuân thì một lần ghé qua, một lần nhắm mắt đặt lưng nằm xuống để cảm nhận hết thảy vẻ thanh tân, mát rượi, êm đềm của một trời thơ mộng. Hoa đẹp vẫn đẹp ngay cả khi đã lìa cành.
Tranh của họa sĩ VŨ TRỌNG ANH
Đã bao lần tôi dừng chân ghé lại vườn sứ trong khuôn viên của ngôi trường cổ kính này. Đã bao lần những cội sứ già kiêu hãnh trổ hoa rợp trắng cả một khoảng sân rộng hàng trăm mét vuông này. Nhìn từ xa chúng như những chiếc ô khổng lồ giương cao giữa bầu trời cao rộng, những chùm hoa theo gió đung đưa mời gọi đám ong nô đùa, bỡn cợt. Hoa sứ có hương thơm thoang thoảng nhẹ nhàng nhưng không có mật ngọt để đắm say đám ong bướm. Chúng chỉ ghé qua nô đùa chốc lát rồi biết mình bị dụ dỗ cũng vội vàng nguẩy cánh bay xa. Hoa sứ không ai bầu bạn chỉ có thể nắm lấy tay nhau rong chơi suốt tháng ngày hồn nhiên, chẳng chút vướng bận hương tình. Phải chăng vì thế mà sứ thường được người ta trồng ở sân chùa, đền, đình, miếu mạo? Vì chẳng thể yêu ai nên chúng cũng nhốt tuổi xuân thì của mình ở chốn thâm nghiêm, u tịch này?
Những cây sứ trong sân trường tôi lại khác. Chúng ở đó và lắng nghe bao câu chuyện tình của các cô cậu sinh viên qua bao thời gian. Trên thân cây sần sùi, thô mộc ấy đã in hằn bao thiên tình diễm lệ. Chính những gốc sứ này đã se duyên cho biết bao đôi nam nữ và cũng tận tình hứng trọn bao nhiêu giọt lệ của họ khi ngậm ngùi tiễn biệt, chia xa. Quà chia tay của lứa tuổi sinh viên cũng thật giản dị, có khi chỉ là một chiếc vòng tay, vòng cổ, vòng đội đầu bằng hoa sứ màu trắng mang nhụy vàng trong trẻo, chân tình. Trong lời hẹn của họ có đẫm hương sứ trắng, nồng nàn chốc lát rồi cũng sẽ nhạt phai theo làn gió. Có mấy mối tình sinh viên còn viết tiếp ở thì tương lai…
Tôi vẫn luôn đặt câu hỏi tại sao trong sân trường đại học này lại trồng nhiều hoa sứ đến thế? Những gốc hoa sứ nhiều màu, hồng phớt thanh tân, hồng đậm son sắc và nhiều hơn cả là loài sứ trắng nhụy vàng thuần khiết, thanh tao. Phải chăng chúng có gốc gác từ cội rễ mảnh đất của người Chiêm thành xa xưa và loài hoa sứ có tên Chăm Pa này vẫn hiện diện mang mầm sống bất diệt của loài hoa nhân danh quốc gia, dân tộc? Loài hoa ấy vẫn được cài lên mái tóc của những cô gái Chăm Pa dịu dàng trong những điệu múa dập dìu lễ hội Ka Tê, những tiên nữ Apsara vẫn hiện diện đâu đây trong những cánh hoa dày, chắc khỏe chẳng thể nào bị vùi dập bời làn mưa dày nặng của tiết trời xuân mới. Hoa mang hồn người, nhân danh phận người nên vẫn mãi lung linh, tỏa rạng bất kể nắng mưa, bất kể sự hững hờ của muôn loài.
Bây giờ là mùa hè và hoa sứ trường tôi vẫn lộng lẫy ngát hương!