Bình Ðịnh quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU - Bài 2: Cương quyết và sâu sát
Trong 4 vấn đề EC khuyến nghị liên quan đến chống khai thác IUU, có 2 vấn đề trọng tâm được Bình Ðịnh bắt tay khắc phục ngay là quản lý đội tàu và giám sát hoạt động tàu cá.
Quản lý, giám sát chặt
TX Hoài Nhơn hiện có đội tàu 2.340 chiếc (2.108 tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động vùng khơi, 232 tàu có chiều dài dưới 15 m hoạt động vùng lộng). Cái khó nằm ở chỗ làm sao quản lý 81 tàu hoạt động ở phía Nam nhiều năm không về địa phương. Ông Trương Nam Phong, Trưởng phòng Kinh tế TX Hoài Nhơn, cho hay thị xã phối hợp với Đoàn công tác liên ngành của tỉnh vào phía Nam kiểm tra, tuyên truyền, ký quy chế phối hợp, thành lập nhóm zalo quản lý riêng số tàu này. Đặc biệt, rà soát nhóm tàu dưới 15 m đã được chuyển nhượng cho người ở các tỉnh khác, đề nghị không cho xuất bến đến khi hoàn thành thủ tục sang tên, đổi chủ.
Tàu cá vào cảng bốc dỡ sản phẩm tại Cảng cá Tam Quan. Ảnh: T.DỊU
Cùng với việc kiện toàn 434 tổ/1.857 tàu đoàn kết khai thác thủy sản (KTTS) hoạt động theo nhóm “3 cùng” (cùng ngư trường, cùng nhóm nghề, cùng sở thích), Hoài Nhơn cũng là địa phương đầu tiên tổ chức 3 mô hình ngư dân khai thác không vi phạm IUU tại các phường Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc, Hoài Hương.
Bình Định hiện có 5.795 tàu cá đăng ký hoạt động khai thác thủy sản (vùng bờ 1.511 chiếc, vùng lộng 1.004 chiếc, vùng khơi 3.281 chiếc).
Trong đó, tổng số tàu cá có giấy phép KTTS là 4.876 tàu (85,4%); 3.242 tàu (100%) chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động KTTS vùng khơi được trang bị thiết bị giám sát hành trình; 39 tàu hư hỏng, nằm bờ chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ngành NN&PTNT đã xóa đăng ký 48 tàu cá không còn hoạt động; trả 3 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép KTTS cho tàu cá dưới 15 m hoạt động ngoài tỉnh.
Nói về hiệu quả của mô hình này, ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch UBND phường Tam Quan Nam, dẫn chứng: Hiệu quả tuyên truyền khi thông qua các ban lăng vạn đạt mức cao. Đã 5 năm kể từ khi mô hình “Vạn Cửu Lợi đánh bắt không xâm phạm vùng biển nước ngoài” ra đời, địa bàn này không có tàu cá vi phạm IUU. Tháng 4.2023, xã tiếp tục lập thêm mô hình “Vạn Long Thành đánh bắt không xâm phạm vùng biển nước ngoài” với 98 chủ tàu cá ở 2 khu phố Tăng Long 1, Tăng Long thuộc Vạn Long Thành tham gia.
Trong khi đó, huyện Phù Cát xác định được 47 tàu cá ở nhóm nguy cơ cao (34 tàu ở Cát Minh, Cát Tiến hành nghề câu mực, thường xuyên neo đậu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nguy cơ vi phạm IUU cao).
Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thị trấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cát Tiến, cho biết Đảng ủy phân công các Đảng ủy viên trực tiếp tham gia quản lý 33 tàu cá diện nguy cơ cao hoạt động tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. “Chúng tôi nắm thời gian cụ thể tàu neo đậu, hoạt động để theo dõi và kịp thời xử lý vấn đề phát sinh. Ví dụ, tháng 1.2023 có 11/33 tàu xuất bến; tháng 2.2023 có 13/33 tàu xuất bến; tháng 3.2023 biến động giá nhiên liệu và vùng khai thác, tàu không ra khơi; tháng 4.2023 mùa khai thác mực có 31/33 tàu ra khơi. Phải phân loại như thế để nắm chắc hoạt động của bà con, kịp thời quản lý và theo sát hoạt động của tàu từ khi cập bờ cho đến lúc ra khơi”, ông Thạch thông tin chi tiết.
Kiên quyết không cho xuất bến tàu vi phạm
Đầu năm nay, huyện Phù Cát trở thành “điểm nóng” trong câu chuyện IUU khi xã Cát Minh tổ chức kiểm điểm trước dân 4 chủ tàu cá vi phạm bị nước bạn bắt giữ năm 2022; tương tự, Cát Tiến cũng kiểm điểm 4 chủ tàu cá vi phạm năm 2021 vừa trở về địa phương.
Chủ tịch UBND xã Cát Minh Trịnh Minh Bình cho biết, việc kiểm điểm được gắn với tuyên truyền các quy định về chống khai thác IUU, những hệ lụy khi xâm phạm vùng biển nước ngoài, qua đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của ngư dân.
“Trong kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt thông qua hoạt động tàu cá cập cảng lên cá, kể cả tàu nước ngoài, lực lượng BĐBP cần được cấp tài khoản truy cập vào hệ thống giám sát tàu cá để thực hiện nhiệm vụ. Hiện, mới chỉ có Bình Định thực hiện chia sẻ tài khoản cho các đồn biên phòng và trạm biên phòng”.
Đại tá Trần Ngọc Hữu, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho hay: Từ cuối tháng 12.2022 đến nay, Bình Định có 3 tàu cá/16 thuyền viên bị Malaysia bắt giữ (Phù Cát có 2 tàu/11 thuyền viên, Hoài Nhơn có 1 tàu/5 thuyền viên). Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã rất kiên quyết chỉ đạo tiến hành xác minh, củng cố hồ sơ xử lý nghiêm trường hợp tàu KTTS vi phạm; tổ chức cưỡng chế, xử phạt một số trường hợp điển hình, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục, răn đe.
Trong đợt cao điểm “180 ngày hành động”, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý các cảng cá và BĐBP tỉnh tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra/vào bến, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm IUU. Chi cục Thủy sản còn phối hợp với BĐBP và Cảnh sát đường thủy (CA tỉnh) tổ chức 13 chuyến tuần tra, kiểm tra trên biển, trực tiếp kiểm tra 123 lượt tàu cá hoạt động đánh bắt trên vùng biển từ Quy Nhơn đến Hoài Nhơn. Từ đầu năm 2023 đến nay, các lực lượng đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 28 trường hợp với số tiền 133,7 triệu đồng. Việc xử phạt tàu cá vi phạm là một trong những động thái kiên quyết của tỉnh trong nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC.
Nguồn: BTV
Thượng tá Lê Văn Hải, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cho hay BĐBP tỉnh đã xây dựng kế hoạch, lập tổ IUU, tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện nghiêm quy định, kiểm tra giấy tờ, định biên trên tàu trước khi tàu ra/vào bến. Các đồn biên phòng rà soát, thống kê quản lý tàu cá thuộc nhóm nguy cơ cao; làm việc với các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân bị nước bắt giữ thả về, lập hồ sơ theo dõi, củng cố hồ sơ đề xuất xử lý theo quy định. Đối với tàu vi phạm mà chưa bị xử lý, phải tiếp tục điều tra, xác minh đúng quy định.
Còn theo trung tá Hàn Trung Hậu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Quan Nam, dịp cao điểm này, đơn vị tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát tàu cá và nghiêm cấm tình trạng nhờ người làm giấy tờ, thủ tục, không làm thủ tục xuất bến trường hợp ủy quyền không đúng quy định.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh (giữa) kiểm tra việc giám sát tàu cá hoạt động vùng khơi thông qua hệ thống giám sát tại trạm bờ tại Chi cục Thủy sản. Ảnh: T.DỊU
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định Bình Định có số lượng tàu lớn, nếu không xử lý nghiêm vi phạm thì việc thực hiện Quyết định 81/QĐ-TTg sẽ rất khó khăn. Mặt khác, tỉnh báo cáo kịp thời lên Bộ NN&PTNT các vướng mắc: Tàu cá mang biển kiểm soát “BĐ” vi phạm vùng biển nước ngoài nhưng thực chất “định cư” ở các tỉnh phía Nam; việc khó xác định vi phạm ở vùng ranh giới chồng lấn trên biển.
Ngư dân cũng phải tháo thẻ cho chính mình
Năm 2022, ông T.C (ở xã Cát Minh, Phù Cát) cùng 5 thuyền viên khác vào vùng biển Malaysia để khai thác thủy sản và bị phát hiện, tịch thu tàu cá cùng ngư lưới cụ trị giá gần 400 triệu đồng. Sau hơn 7 tháng bị bắt giữ, tháng 2.2023, ông T.C cùng thuyền viên mới được trả về địa phương. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông T.C buồn rầu nói: Tàu cá là tài sản giá trị nhất, cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình không còn, tôi phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Một lần lỡ dại, giờ thì mất hết!
Còn ngư dân Lê Hà Ngọc, chủ tàu BĐ 95532 TS (ở xã Hoài Hải, Hoài Nhơn) khẳng định: Bà con ngư dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật khi khai thác trên biển và không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tức tự mình cũng phải tháo thẻ cho chính mình thì hành trình gỡ thẻ vàng của EC mới hoàn thành được!
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ
● Bài cuối: Giảm khai thác, tăng nuôi biển và chuyển đổi nghề