Nghệ nhân ưu tú Phạm Lau: Thành danh từ đam mê
Ðến với nhạc cụ dân tộc trong nghệ thuật hát bội, bài chòi dân gian bằng sự đam mê, nghệ nhân ưu tú Phạm Lau không chỉ sử dụng thuần thục nhiều loại nhạc cụ, mà còn truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho nhiều người ở trong và ngoài tỉnh để “giữ lửa” âm nhạc cổ truyền.
Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phạm Lau (51 tuổi) hiện ở khu phố Phú Hậu, thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát). Sinh ra và lớn lên tại xã Cát Tường (huyện Phù Cát) - một vùng đất có nhiều nghệ nhân giỏi của nghệ thuật hát bội, bài chòi dân gian, nắm giữ vốn âm nhạc truyền thống đã cho ông cơ hội tiếp xúc và học nhạc cụ dân tộc từ nhỏ.
Sử dụng được nhiều loại nhạc cụ nhưng sở trường chính của NNƯT Phạm Lau là trình diễn đàn cò và kèn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
“Gia đình không có ai hoạt động nghệ thuật, nhưng ba tôi rất thích nhạc cụ dân tộc, ông thấy tôi cũng mê nhạc cụ dân tộc nên cho tôi theo thầy học. Năm 11 tuổi, tôi theo thầy Năm Mãn - một nghệ nhân ở địa phương học âm nhạc truyền thống. Thầy là người đầu tiên “tiếp lửa” cho tôi đến với nhạc cụ dân tộc với các bài bản cổ truyền trong âm nhạc tế lễ của Bình Định”, NNƯT Phạm Lau kể.
NNƯT Phạm Lau được thầy dạy cảm âm, cảm nhịp theo các làn điệu cơ bản trong một số bài nhạc tế lễ, như: Xàng xê, lưu thủy, thượng, kim tiền, với hai nhạc cụ là đàn cò (đàn nhị) và kèn để bồi đắp đam mê âm nhạc truyền thống. Ông vừa học, vừa theo thầy cùng các nghệ nhân khác đi khắp nơi để làm nhạc tế lễ. Tối về, ở nhà tự tập thêm, cứ thế ông sử dụng thành thạo đàn cò và kèn.
NNƯT Phạm Lau tâm tình: “Khi mới đầu theo thầy học, thầy cho tôi học nhịp các bài bản cho thuộc, rồi mới cho cầm đàn cò tập kéo dây, bấm nốt. Nhìn cây đàn có hai dây vậy mà để kéo hai dây buông cho nó ra tiếng cũng đã khó rồi, chưa nói tới bấm các nốt trên hai dây. Có nhiều lúc tôi thấy khó quá cũng đâm ra chán, nhưng ba tôi động viên, thầy cũng rất tận tâm truyền dạy, nên tôi cố gắng tập luyện. Khi tôi sử dụng được đàn cò nhuần nhuyễn, thầy dạy tôi thổi kèn. Dần dà tôi nắm vững và sử dụng thành thạo hai loại nhạc cụ này”.
Sau hơn 4 năm theo học và làm nghề với thầy Năm Mãn, NNƯT Phạm Lau tiếp tục theo các nghệ nhân dàn nhạc Đoàn hát bội đồng ấu Suối Tre để học các bài bản âm nhạc hát bội. Vốn âm nhạc cổ truyền anh đã nắm vững, cộng với kỹ thuật sử dụng đàn cò và kèn, khi đến với nghệ thuật hát bội, ông chỉ cần học thêm các bài bản khác, như: Xuân nữ, nam xuân, nam ai, khách, tẩu mã… để làm nghề.
NNƯT Phạm Lau thổ lộ: “Khi theo Đoàn hát bội đồng ấu Suối Tre, tôi vừa làm nhạc công phụ trong dàn nhạc, vừa được các nghệ nhân lớn tuổi dạy thêm nghề; đặc biệt, thầy Nguyễn Quảng - một nhạc công dàn nhạc của Đoàn đồng ấu ngày ấy là người thầy tận tình dìu dắt, chỉ dạy về chuyên môn, kỹ thuật biểu diễn các bài bản để làm nghề. Chính thầy Nguyễn Quảng là người thầy thứ hai bồi đắp thêm cho tôi niềm đam mê âm nhạc hát bội, bài chòi dân gian, để giờ đây tôi trưởng thành với nghề”.
Hơn 30 năm gắn bó với âm nhạc cổ truyền Bình Định, NNƯT Phạm Lau sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc, như đàn cò, kèn, trống, đàn bầu; nhưng sở trường chính của ông là sử dụng đàn cò, kèn. Vừa theo các đoàn hát bội không chuyên để làm nghề, NNƯT Phạm Lau cũng là một trong những nhạc công nhạc cụ dân tộc của dàn nhạc CLB nghệ thuật bài chòi dân gian tỉnh Bình Định thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh. Không những biểu diễn làm nghề, NNƯT Phạm Lau cũng dạy nhạc cụ dân tộc cho nhiều người ở trong và ngoài tỉnh. Từ những cống hiến của mình, nghệ nhân Phạm Lau vinh dự được phong tặng danh hiệu NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, trình diễn văn hóa dân gian.
“Danh hiệu NNƯT là phần thưởng cao quý Nhà nước phong tặng, cho tôi thêm động lực gắn bó với nhạc cụ dân tộc, với nghệ thuật hát bội, bài chòi dân gian. Mặc dù cuộc sống hiện đại giới trẻ ít mặn mà đến âm nhạc truyền thống, nhưng tôi sẵn sàng truyền dạy cho người trẻ có đam mê để cùng bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống của cha ông”, NNƯT Phạm Lau bày tỏ.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN