Bình Ðịnh quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU - Bài Cuối: Giảm khai thác, tăng nuôi biển và chuyển đổi nghề
Cùng với cả nước, quá trình gỡ “thẻ vàng” của tỉnh Bình Ðịnh đang đi đúng hướng, có sự cải thiện tích cực. Ðặc biệt, Bình Ðịnh đã xúc tiến việc giảm khai thác chuyển sang nuôi trồng và tổ chức đào tạo, chuyển đổi nghề phù hợp cho ngư dân, nhằm phát triển kinh tế biển bền vững.
Hành động vì ngành thủy sản bền vững
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho hay, cùng với “180 ngày hành động” cao điểm gỡ “thẻ vàng” IUU, tháng 4.2023 tỉnh ta triển khai kế hoạch thực hiện đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định” trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, hành động vì ngành thủy sản bền vững. Đây là cơ sở để triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định Luật thủy sản; tập trung triển khai các quy định về phòng, chống khai thác IUU; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Tính toán xây dựng chuyển đổi nghề phù hợp và giảm khai thác chuyển sang nuôi trồng phù hợp.
Để thực hiện kế hoạch, cùng với đẩy mạnh thông tin truyền thông, tuyên truyền, tỉnh cũng đang hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách. Trong đó, ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia phát triển KTTS hiệu quả, bền vững giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Rà soát, xây dựng đề án thành lập Chi cục Kiểm ngư. Triển khai thực hiện thí điểm ứng dụng hệ thống nhật ký điện tử trên tàu khai thác xa bờ. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao vệ tinh để duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Chi cục Thủy sản tỉnh kiểm tra đối chiếu sản lượng, loại thủy sản thực tế trên tàu cá so với báo cáo của ngư dân. Ảnh: T.SỸ
Ngoài ra, đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá và kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị tại cảng cá. Tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng nghề cá tại cảng cá - khu neo đậu tránh trú bão tại Tam Quan và Đề Gi để tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, trở thành trung tâm nghề cá lớn của tỉnh. Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho hay, quan trọng tổ chức điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ, vùng lộng của tỉnh phục vụ công tác bảo vệ nguồn lợi và quản lý nghề cá theo Luật Thủy sản 2017, trên cơ sở đó đề xuất hạn ngạch cấp giấy phép KTTS tại vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý của tỉnh. Chuyển dịch cơ cấu tàu thuyền theo hướng giảm dần số lượng tàu cá KTTS ven bờ, vùng lộng…
Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc, đảm bảo số hóa quy trình nghiệp vụ theo dõi, giám sát sản phẩm từ khai thác theo toàn bộ chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU và thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Rà soát các điểm tàu cá cập bến bốc dỡ thủy sản khai thác, tổ chức giám sát và truy xuất nguồn gốc 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại Bình Định.
Đồng hành, hỗ trợ ngư dân chuyển nghề
Ngư dân Phan Văn Thành ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước - chủ tàu BĐ 0267-TS cho hay: Tàu của tôi đã hoàn thành thủ tục giấy tờ nên yên tâm KTTS. Nhưng hay tin Chi cục Thủy sản tỉnh hỗ trợ người dân hoàn thành thủ tục đăng ký tàu thuyền, tôi đem hết mọi giấy tờ mình có để hỏi thăm, lỡ thiếu sót gì thì làm cho trọn vẹn. UBND huyện, xã và các ngành đến tại trụ sở thôn để hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký tàu thuyền và khai thác, nuôi trồng thủy sản, tiện lắm luôn!
Hỗ trợ cho ngư dân, hiện hầu hết cảng cá đều có “vòng tròn khép kín” gồm cán bộ cảng cá, tổ giám sát IUU, BĐBP trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý hồ sơ cho tàu cá ra vào đánh bắt, mua bán hải sản. Tại cảng cá Quy Nhơn - nơi mỗi năm đón hàng nghìn tàu đánh bắt xa bờ ở khu vực Nam Trung bộ - đang duy trì gần 10 cán bộ, nhân viên để hỗ trợ ngư dân về hồ sơ xuất nhập cảng, làm thủ tục xác nhận nguồn gốc thủy sản hợp pháp. Ông Mai Phúc Điềm, Đội trưởng Đội điều độ và thu phí ở cảng cá Quy Nhơn, cho biết, để giám sát nguồn gốc hải sản và xác định các tàu vi phạm IUU, đội thiết lập vòng làm việc khép kín theo 4 bước, ngồi theo vòng tròn để cơ động xử lý công việc được nhanh gọn hơn.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và UBND TX Hoài Nhơn kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị của ngư dân trước khi xuất bến. Ảnh: T.SỸ
Cùng với thực thi pháp luật trong quản lý, KTTS, Bình Định tính toán xây dựng chính sách chuyển đổi nghề và xả bản tàu cá cũ đối với nhóm tàu cá có chiều dài dưới 15 m có nghề khai thác thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài; tàu cá hoạt động nghề cấm trên địa bàn tỉnh.
Trong 3 chuyến đi vào các tỉnh phía Nam đầu năm 2023, huyện Phù Cát cũng đồng thời lắng nghe tâm tư nguyện vọng của ngư dân trong chuyển đổi nghề, đảm bảo sinh kế cho ngư dân. Qua nắm bắt, nhóm tàu nguy cơ cao của ngư dân Phù Cát đều là những tàu nhỏ từ 6 m đến dưới 12 m, tuổi đời từ 15 năm trở lên; nhiều chủ tàu đăng ký hoạt động và rời khỏi địa phương trên dưới 15 năm - với nhóm tàu này chỉ có thể xả bản tàu cũ, chuyển đổi nghề phù hợp cho ngư dân - đây là vấn đề cả chính quyền và người dân cùng trăn trở.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Phạm Dũng Luận chia sẻ: “Chúng tôi giao các hội, đoàn thể cùng với chính quyền lập danh sách từng hộ gia đình có nhu cầu xin chuyển đổi nghề, cải hoán tàu cá, dự kiến trong tháng 5 này sẽ hoàn thành để tổng hợp báo cáo gửi UBND huyện làm cơ sở báo cáo Sở NN&PTNT, UBND tỉnh để xây dựng chính sách chuyển đổi nghề phù hợp”.
Câu chuyện chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho ngư dân cũng là vấn đề được các địa phương ven biển tính kế lâu dài cho ngư dân. Ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết huyện đang tập trung chỉ đạo chính quyền các địa phương rà soát, nắm chắc số lượng ngư dân đang sở hữu tàu thuyền; phân loại từng loại phương tiện, ngành nghề khai thác; tổ chức tham vấn cộng đồng về việc chuyển đổi nghề, nhu cầu đào tạo, giải quyết việc làm của ngư dân. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn chuyển đổi nghề cho ngư dân để đưa người dân vào làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp; xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản ven bờ, nuôi biển; hỗ trợ vốn để người dân tiếp cận và triển khai, thành lập các tổ hợp tác liên kết sản xuất thủy sản gắn với du lịch ở vùng biển gần bờ…
Mục tiêu đến năm 2025:
* Tỉnh ta sẽ hoàn thành 100% việc đánh dấu tàu cá và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên KTTS.
* 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên trước khi rời cảng đi KTTS phải được kiểm tra đảm bảo đầy đủ giấy tờ và trang thiết bị theo quy định.
* 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên phải được theo dõi, giám sát qua Hệ thống giám sát hành trình tàu cá khi tham gia hoạt động trên biển.
* 100% sản lượng thủy sản từ khai thác trong nước khi bốc dỡ qua cảng cá được kiểm tra, giám sát.
* Chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm IUU; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ