Thú vị cuộc sống trên không gian của phi hành gia NASA
Hơn 1.100 học sinh đến nhiều trường tiểu học, THCS trong, ngoài tỉnh đã có dịp giao lưu trực tiếp với hai cựu phi hành gia Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA). Đó là ông Michael A. Baker - cựu Phi hành gia NASA, cựu thuyền trưởng Hải quân Hoa Kỳ và TS Josef Schmid, là phẫu thuật gia và bác sĩ gia đình của NASA.
Buổi giao lưu với cựu phi hành gia NASA là một trong chuỗi hoạt động thuộc Tuần lễ NASA Việt Nam - Bình Định năm 2023, được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh (TP Quy Nhơn) vào ngày 8.6. Tại đây, các bạn trẻ đã được lắng nghe nhiều câu chuyện của cựu phi hành gia trong môi trường làm việc và sinh hoạt của họ trên không gian, vũ trụ, những nghiên cứu khoa học nhằm bảo vệ Trái đất...
Ông Michael A.Baker giao lưu và trả lời câu hỏi của học sinh.
Cuộc sống trong vũ trụ
Để học sinh hiểu rõ hơn về cuộc sống và sinh hoạt của phi hành gia trong không gian, vũ trụ, ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh, bật mí: Đó là những con người hy sinh không biết mệt mỏi cho hành trình khám phá và chinh phục không gian. Họ sẵn sàng chịu đựng các thiệt hại lớn, thậm chí cả sinh mạng của mình để thực hiện mục đích cao đẹp cho khoa học. Họ là tấm gương sáng, là động lực, niềm cảm hứng đại diện cho trí tuệ của con người trong việc khám phá những thành tựu mới...
Ông Michael Baker “đầu quân” cho NASA trong giai đoạn 1985 - 2017. Suốt sự nghiệp viễn thám, cựu phi hành gia này thực hiện 965 giờ bay ngoài không gian. Với kinh nghiệm và sự từng trải về cuộc sống trong không gian, vũ trụ, ông Baker đã dành nhiều thời gian truyền cảm hứng cho học sinh bằng những câu chuyện thú vị về các chuyến bay vào không gian, và thử thách khi làm việc trong môi trường không trọng lực bên ngoài Trái đất.
“Khoảnh khắc lần đầu nhìn Trái đất từ không gian khiến tôi xúc động. Khi ấy, Trái đất như lọt thỏm trong không gian vô định, xung quanh màu đen thăm thẳm, cảm giác rất cô đơn. Nhưng từ góc nhìn bên ngoài, Trái đất là hành tinh có sự sống, giống một viên ngọc màu xanh, được bao bọc bởi bầu không khí trong lành. Cảm xúc khi được ngắm nhìn Trái đất từ góc nhìn bên ngoài làm cho tôi thêm yêu hành tinh mà mình đang sống. Vì vậy, tôi muốn nhắn gửi đến tất cả mọi người trên Trái đất: Hãy yêu quý và cùng chung tay bảo vệ hành tinh xinh đẹp này!”, Baker chia sẻ và còn mang đến nhiều bức ảnh với những góc nhìn Trái đất tuyệt đẹp, từ Mỹ, Cuba đến Trung Quốc, Singapore, và cả vùng Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam… được ghi lại qua hành trình vào vũ trụ của mình.
TS Josef Schmid giao lưu với học sinh.
TS Josef Schmid là phẫu thuật gia và bác sĩ gia đình của NASA ở Trung tâm không gian Johnson, Houston, Texas. Bệnh nhân của ông là các phi hành gia và các thành viên của gia đình họ, các kỹ sư, phi hành gia về hưu, gồm những người từ các chương trình Gemini và Apollo. Chia sẻ về cảm xúc khi lần đầu bay vào không gian, vũ trụ, Josef Schmid cho rằng: Khi phi công điều khiển tàu con thoi lộn nhào, đảo ngược và bay nhiều kiểu khác nhau, đó là cảm giác làm tôi sợ hãi nhất. Tuy nhiên, nhờ “tháp tùng” với các phi công trong điều kiện như vậy, đã giúp ông quên đi nỗi sợ khi bay trong không gian.
Josef Schmid cũng kể rằng, ông từng 2 lần đón sinh nhật trên bầu trời. Thú vị nữa là các phi hành gia thường cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ chuyện sức khỏe, vấn đề sử dụng thuốc… với bác sĩ y khoa ngồi cùng buồng lái của mình. Trong khi dưới mặt đất, nó lại diễn ra khó khăn hơn. Trong tương lai chúng ta có thể tạo ra các bác sĩ ảo, các bác sĩ “bản sao” này có thể hỗ trợ phẫu thuật, điều trị y khoa khi phi hành gia gặp sự cố trong lúc làm nhiệm vụ trên Mặt trăng, Sao hỏa.
Điều nguy hiểm nhất của phi hành gia là gì?
Em Trần Lê Phi Yến, học sinh lớp 8A6, Trường THCS Ngô Mây (TP Quy Nhơn) gửi câu hỏi đến cựu phi hành gia NASA và được ông Michael Baker vui vẻ trả lời: Đi bộ ra ngoài không gian là nguy hiểm nhất. Bởi, chúng tôi phải thoát ra khỏi phi thuyền tàu con thoi, nếu không tuân thủ các quy trình, kỹ thuật sẽ dễ gặp các rủi ro về tính mạng, sức khỏe, như: Có thể đụng phải vật cứng gây gãy xương, bị phơi nhiễm khí làm lạnh, rò rỉ các đường ống khí, hoặc bị thiếu ô xy… Các tình huống xảy ra đa dạng, khác nhau, thậm chí có những sự cố không mong muốn như bị nổ. Do vậy, khi tham gia vào công việc này, ngoài tuân thủ các quy trình, chuẩn bị kỹ lưỡng, phi hành gia còn phải chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra. Đó là sự dũng cảm của phi hành gia khi đảm nhận công việc du hành vào không gian, vũ trụ.
Em Trần Lê Phi Yến đặt câu hỏi giao lưu với ông Michael A.Baker.
Thế nhưng, trong trường hợp có sự cố bất ngờ ập đến, phi hành gia xử lý thế nào? Em Nguyễn Minh Pha, học sinh lớp 11C1, Trường THPT Quốc học Quy Nhơn đặt vấn đề với ông Baker. Theo ông, trong quá trình huấn luyện, các phi hành gia thường được trau dồi 3 tình huống xử lý sự cố theo mức khác nhau. Đó là xử lý khẩn cấp, không khẩn cấp hoặc cần sự hỗ trợ. Vì vậy để tránh những rủi ro trên, thường mỗi chuyến bay không gian ở dưới mặt đất sẽ có bộ phận hỗ trợ với khoảng 1.000 nhân lực để thường xuyên kết nối thông tin liên lạc lên với phi hành gia. Trong trường hợp có sự cố, việc đầu tiên của phi hành gia là gửi thông điệp về phía mặt đất để các đội ngũ chuyên gia đưa ra những tư vấn. Quy trình rất là chặt chẽ, song bản thân phi hành gia phải có sự trang bị, chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi thứ để có thể xử lý được.
Michael Baker tiết lộ thêm: “Bây giờ, Trạm Không gian Quốc tế đã có kết nối Internet, phi hành gia có thể dùng điện thoại để liên lạc với mọi người từ mặt đất. Có Internet thì quá trình giao tiếp giống như chúng ta ở mặt đất. Khá là thuận tiện so với trước”.
Rất đông học sinh tham dự buổi giao lưu với các cựu phi hành gia NASA.
“Đến với NASA, đó là cơ hội dành cho mọi người”
Theo ông Michael Baker, để bảo vệ Trái đất, mọi người, đặc biệt là giới trẻ, hãy theo đuổi ước mơ khám phá khoa học và không ngừng tìm hiểu về khoa học để thúc đẩy sự phát triển kiến thức khoa học. Đến với NASA, đó là cơ hội dành cho tất cả mọi người. Các bạn cần có đam mê và sự tìm hiểu, khám phá. Có như vậy, các bạn sẽ tìm được những ý tưởng mới. Bạn hãy chính là bạn, hãy giữ sự đam mê khám phá và tò mò. Những điều đó sẽ mang lại thành công cho bạn.
Chia sẻ về cách định hướng nghề nghiệp, tiến sĩ Josefs Schmid cho biết: Các bạn trẻ muốn xác định nghề nghiệp, chúng ta có thể trả lời các câu hỏi như: Bạn thích gì? Bạn giỏi điều gì? Điều gì có thể trả tiền cho bạn? Thế giới cần bạn làm gì? Đây là những yếu tố quan trọng giúp các bạn trẻ có thể xác định nghề nghiệp một cách dễ dàng.
Nhiệm vụ trở lại Mặt trăng trong thời gian tới của NASA có diễn ra?
Cựu phi hành gia NASA Michael A.Baker phúc đáp: Hiện nay, NASA có chương trình đưa con người trở lại Mặt trăng, kế hoạch có thể diễn ra vào năm 2024, hoặc là năm 2025. Việc đưa con người trở lại Mặt trăng là bước đệm chuẩn bị đưa con người vào Sao hỏa. Các bạn trẻ hãy theo dõi!
Về vấn đề này, TS Josef Schmid gửi đến các học sinh một câu hỏi, là khi con người đi lên Mặt trăng và đi lên Sao hỏa, vấn đề về bức xạ diễn ra như thế nào? Con người phải làm gì để chống lại bức xạ đó để bảo vệ sức khỏe?. Khi con người đi lên Mặt trăng, rồi từ Mặt trăng đi lên Sao hỏa thì làm sao con người có thể mang theo các nguồn nhiên liệu, nguồn năng lượng để phục vụ, đáp ứng đủ để họ sống ở đó. Hiện việc du hành không gian cũng đang gặp khó khăn trong việc duy trì, tái sử dụng nguồn năng lượng, nhiên liệu, nước và thực phẩm… Đây là những vấn đề mà nhiều kỹ sư giỏi của NASA chưa tìm ra lời giải đáp, nhưng đó là cơ hội để giới trẻ thế giới và Việt Nam cố gắng khám phá, nghiên cứu và tìm ra giải pháp để con người có thể kéo dài hành trình chinh phục không gian…
TRỌNG LỢI