700 sinh viên trò chuyện với cựu phi hành gia NASA
Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ VIETNAM SPACE WEEK (Tuần lễ không gian Việt Nam) - Bình Định 2023, sáng 9.6, 700 sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh có buổi trò chuyện cùng 2 cựu phi hành gia Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), gồm: Michael A.Baker - cựu phi hành gia NASA, cựu thuyền trưởng Hải quân Hoa Kỳ; Josef Schmid - phẫu thuật gia và bác sĩ gia đình của NASA.
Sinh viên tham dự buổi trò chuyện với cựu phi hành gia NASA.
Dự buổi nói chuyện có ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh; lãnh đạo Sở KH&CN, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn, Trường ĐH FPT Quy Nhơn; ông Michael Koersier, Giám đốc điều hành SKYRORA (Vương quốc Anh); TS Nguyễn Thành Hải, giảng viên ĐH Missouri (Hoa Kỳ); bà Đào Võ Xuân Hương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục STEAMZONE …
Cựu phi hành gia Michael A.Baker.
Sau khi nghe các phi hành gia giới thiệu về NASA, đại biểu tham dự và sinh viên giao lưu cùng ông Michael A.Baker và Josef Schmid với những câu chuyện về môi trường làm việc và sinh hoạt của phi hành gia trên không gian, vũ trụ, những nghiên cứu khoa học nhằm bảo vệ Trái đất...
Sinh viên Võ Thị Thu Thảo trò chuyện với cựu phi hành gia Michael A. Baker.
Sinh viên Võ Thị Thu Thảo (K17, ngành Digital Marketing, Trường ĐH FPT Quy Nhơn) gởi đến ông Michael A.Baker câu hỏi khá thú vị: "Trở thành phi hành gia, ông có hối tiếc điều gì không?". Ông Baker đáp: "Đến thời điểm này, tôi không có gì hối tiếc cả. Để trở thành phi hành gia thì tôi hay bất kỳ phi hành gia khác đều phải từ bỏ nhiều thứ, đó có thể là những khao khát về những công việc yêu thích của mình để tập trung làm một việc. Do vậy, trước đây để trở thành phi hành gia, tôi phải từ bỏ nhiều công việc khác. Tôi nghĩ các bạn trẻ ở đây cần quyết tâm, thực hiện được ước muốn mà mình hướng đến".
Ông Josefs Schmid.
Góp lời, ông Josef Schmid bổ sung: “Có rất nhiều thứ sẽ chặn và không cho bạn tiến lên để thực hiện, nhưng các bạn phải tự nghĩ ra cách, kiên định và sẽ có lúc bạn được quay lại với ước mơ, mục tiêu ban đầu của mình. Bản thân tôi cũng mất 3 năm để đi làm công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trước khi trở thành bác sĩ NASA và thiếu tướng của USAFR".
Sinh viên Lê Quốc Việt giao lưu với cựu phi hành gia NASA.
Tò mò về cuộc sống của các phi hành gia, sinh viên Lê Quốc Việt (K18, ngành Digital Marketing, Trường ĐH FPT Quy Nhơn), gởi câu hỏi đến 2 cựu phi hành gia NASA: "Khi làm việc trên không gian, vũ trụ, làm sao các ông giữ liên lạc được với gia đình?". Ông Michael A.Baker chia sẻ: “Thời gian trước, tôi thường xuyên tham gia các khóa huấn luyện dài ngày và phải xa gia đình, người thân. Hành trình du hành không gian trong một chuyến bay chỉ hơn 10 ngày, nên vấn đề này không phải quá lớn. So với trước, bây giờ công nghệ hiện đại rồi, vì internet đã kết nối đến Trạm Không gian quốc tế, nên việc liên lạc xuống mặt đất trở nên dễ dàng. Do đó, phi hành gia có thể ở Trạm không gian quốc tế từ 6 tháng đến 1 năm, được sử dụng nhiều dịch vụ giao tiếp về công nghệ thông tin tiện ích giống như ở mặt đất (điện thoại, email…).
Một sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn đặt câu hỏi cho cựu phi hành gia NASA Michael A.Baker, rằng: "Khi gặp sự cố trên vũ trụ, tâm lý của ông thế nào?". Ông Baker cho biết, phi hành gia làm việc trên không gian, vũ trụ thường đối diện với nhiều rủi ro về sức khỏe, có thể bị phơi nhiễm khí amoniac khi ra ngoài không gian; hiện tượng rò rỉ khí ra ngoài khi các trang thiết bị, đường ống bị hở, thủng; bị tắc nghẽn mạch máu, gây chấn thương. Có lúc gặp 1 sự cố, thậm chí 2 tình huống diễn ra cùng lúc. Đây là những rủi ro mà phi hành gia đã lường trước khi đi vào không gian và họ có sự chuẩn bị và tìm cách giải quyết. Phía dưới mặt đất, đồng nghiệp cũng sẵn sàng hỗ trợ khi có thông tin báo về.
Các cựu phi hành gia NASA tặng quà cho sinh viên.
Đến tham gia buổi trò chuyện với các cựu phi hành gia NASA có bà Nguyễn Thị Minh Phương, nguyên Trưởng khoa Vật lý (Trường ĐH Quy Nhơn), hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam. Bà Phương cảm ơn ông Michael A.Baker và ông Josef Schmid đã đến Bình Định, và có những buổi giao lưu, trò chuyện tuyệt vời với học sinh, sinh viên tại đây. Đồng thời, bà chia sẻ về giáo dục hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp, nhất là với học sinh THPT, đó là hãy làm những gì mình thích, mình có thế mạnh, những việc thế giới cần và sẵn sàng trả tiền cho chúng ta. Sau trò chuyện, bà Phương chuyển đến ông Michael A.Baker một câu hỏi thú vị từ người cháu của mình: "Trong không gian, ông thích món ăn gì nhất, có được ăn kem không?". Ông Baker vui vẻ trả lời: “Tôi là người rất thích ăn kem, nhưng thời đó quy định bay không được đem kem theo. Thức ăn dành cho phi hành gia trong không gian, vũ trụ thường không ngon, vì chủ yếu là lương khô, hay thực phẩm khô có bổ sung nước, hoặc thức ăn có hương vị cà tây (kiểu mì gói có thêm gia vị vào)”.
Các cựu phi hành gia NASA tặng quà cho sinh viên Võ Thị Thu Thảo, người có câu hỏi giao lưu hay nhất.
Kết thúc phần trò chuyện, giao lưu, 2 cựu phi hành gia NASA bất ngờ tặng cuốn sách “Thuyết minh trực quan nhất về Vũ trụ" (Tổng biên tập Martin Rees, NXB DK (Anh) cho sinh viên Võ Thị Thu Thảo. Đây là phần thưởng dành cho sinh viên có câu hỏi giao lưu hay nhất.
Josefs Schmid ký tặng sinh viên Trường ĐH FPT Quy Nhơn.
Ngoài ra, trong buổi trò chuyện với cựu phi hành gia NASA, sinh viên còn tham gia một số trò chơi, câu hỏi đố vui, với chủ đề “Đoán tên quốc gia”. Dịp này, các cựu phi hành gia NASA tặng 10 phần quà cho 10 sinh viên vượt khó học tốt của tỉnh.
• Cùng ngày (9.6), Đoàn công tác phi hành gia NASA và Hội Tin học TP Hồ Chí Minh có buổi thăm, làm việc với Trường ĐH Quy Nhơn và tham quan một số di tích, danh lam thắng cảnh trong tỉnh.
+ Michael A.Baker là một cựu binh trên 4 chuyến bay vào vũ trụ, với 965 giờ bay trong không gian. Ông là phi công của tàu con thoi STS-43 từ ngày 2 - 11.8.1991 và tàu con thoi STS-52 từ ngày 22.10 - 1.11.1992; là chỉ huy trên tàu con thoi STS-68 từ ngày 30.9 - 11.10.1994 và tàu con thoi STS-81 từ ngày 12 - 22.1.1997.
+ Josefs Schmid từng là kiểm tra viên cao cấp của Cục Hàng không liên bang, Hoa Kỳ. Bệnh nhân của ông là các phi hành gia và các thành viên của gia đình họ, các kỹ sư, phi hành gia về hưu, gồm những người từ các chương trình Gemini và Apollo. Ông là thiếu tướng về hưu của USAFR; gần đây nhất là phẫu thuật viên và là giám đốc của Reserve Medical Readiness Operations and Affairs, chuyên viên của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ…
AN NHIÊN