Nâng cao chất lượng thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc
Theo các chuyên gia, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc, các sản phẩm nông sản Việt Nam cần có chất lượng tốt, xây dựng thương hiệu và đáp ứng trúng nhu cầu của người tiêu dùng.
Các xe container chờ làm thủ tục xuất khẩu hàng nông sản tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm của thị trường Trung Quốc rất lớn; trong đó có nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế, tuy nhiên, để khai thác hiệu quả thị trường này, doanh nghiệp cần chú ý đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đây là nội dung được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức, ngày 16.6.
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC cho biết hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với các nhóm xuất khẩu chính là hàng chế biến, chế tạo và nông, thủy sản.
Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định đa phương như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy việc tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bên cạnh đó, do gần gũi về địa lý, tập quán tiêu dùng của người dân Trung Quốc có một số nét tương đồng với người Việt, mối quan hệ giao thương truyền thống có từ lâu đời, điều này tạo lợi thế rất lớn về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Ông Lương Văn Tài, Tùy viên thương mại, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông tin nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc rất lớn, riêng năm 2022 đã nhập khẩu 236 tỷ USD,tăng 7,4% so với năm 2021.
Đáng chú ý, nhiều nhóm mặt hàng nông sản, thực phẩm có kim ngạch nhập khẩu lên đến trên 10 tỷ USD/năm như thủy sản, trái cây, ngũ cốc, đậu nành, dầu ăn, thịt bò, sản phẩm sữa.
Việt Nam hiện xếp thứ 10 trong số các quốc gia xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt trên 6 tỷ USD nhưng mới chiếm tỷ trọng khoảng 2,6% tổng giá trị nhập khẩu nông sản của nước này.
Riêng nhóm hàng rau quả thì Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Trung Quốc, sau Thái Lan và Chi Lê.
Theo ông Lương Văn Tài, nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu đối với trái cây nhiệt đới của Trung Quốc còn rất lớn và tăng trưởng hàng năm; dự báo đến năm 2026 số lượng tiêu thụ và nhập khẩu trái cây lần lượt đạt 319 triệu tấn và gần 15 triệu tấn.
Bên cạnh đó, tiềm năng thị trường tiêu dùng nông sản nhiệt đới tại các địa phương trong nội địa, đặc biệt là khu vực phía Bắc, Đông Bắc Trung Quốc còn lớn là cơ hội cho nhiều loại nông sản, trái cây, thực phẩm của Việt Nam.
Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu đi Trung Quốc cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin, yêu cầu của thị trường. Hiện nay hàng rào thuế quan cơ bản được dỡ bỏ khi Trung Quốc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.
Song, các biện pháp kỹ thuật lại được áp dụng nhiều hơn, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật bị siết chặt, thường xuyên sử dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá.
Người Trung Quốc, nhất là người tiêu dùng ở đô thị đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, chất lượng cao và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Doanh nghiệp Việt Nam cần tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và tăng cường quản lý, giám sát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc, chú trọng xây dựng thương hiệu để khai thác tốt lợi thế vị trí địa lý, giá thành sản xuất, vận tải, sự đa dạng các sản phẩm nhiệt đới.. để khai thác và đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường Trung Quốc” - ông Lương Văn Tài thông tin thêm.
Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch Tập đoàn 365 Group cho biết Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau Covid-19 giúp hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường này dần khôi phục.
Thực tế, xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản sang Trung Quốc đã tăng mạnh từ tháng 2.2023. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc ngỏ ý muốn mua lượng hàng lớn nông sản, thủy sản từ Việt Nam.
Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, Trung Quốc được các chuyên gia đánh giá sẽ là điểm đến lớn nhất của nông sản Việt Nam nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác.
Theo ông Đinh Vĩnh Cường, dư địa thị trường Trung Quốc lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Ðể gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc, các sản phẩm nông sản cần có chất lượng tốt và đáp ứng trúng nhu cầu của người tiêu dùng.
Như với trái thanh long, muốn giữ vững và tiếp tục tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thì người sản xuất và doanh nghiệp phải tạo ra được những lợi thế cạnh tranh lớn hơn về giá, độ ngọt, màu sắc cho sản phẩm.
Với sản phẩm tiềm năng sầu riêng cũng vậy, hiện Trung Quốc đang mở rộng khai thác từ nhiều nguồn cung với các phương thức vận chuyển khác nhau cho nên Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường cần phải nâng cao chất lượng, giảm giá thành và giữ uy tín sản phẩm.
“Tính đến nay, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng. Để việc xuất chính ngạch thành cơ hội gia tăng thị phần, chúng ta nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.
Có chiến lược về vấn đề logistics, xây dựng được các kho bảo quản nông sản ở các địa phương biên giới. Điều này sẽ giúp bảo quản lâu hơn, giữ được chất lượng tốt khi đến thời hạn giao hàng” - ông Đinh Vĩnh Cường khuyến nghị.
Theo Xuân Anh (TTXVN/Vietnam)