Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Có thể điều chỉnh các môn tích hợp
Sáng 15.8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục
Tại cuộc gặp gỡ, ý kiến các giáo viên đến từ Điện Biên, Đắk Nông, Hà Tĩnh, Hà Nội… đã đề cập nhiều vấn đề “nóng” về lương giáo viên, khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Cô Trần Thị Phương Thảo, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Lê Anh Xuân (quận Tân Phú, TPHCM) cho rằng, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã quan tâm nhiều đến ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên. Ngành giáo dục đang đổi mới giáo dục phổ thông, có nhiều khó khăn, nhưng giáo viên vẫn nỗ lực hết sức.
Trong số các kiến nghị gửi đến Bộ trưởng, cô Thảo nêu thu nhập của các vị trí nhân viên trong trường học quá thấp. Hiện nay, nhóm vị trí việc làm gắn với công việc phục vụ, hỗ trợ trong trường THCS có 8 vị trí nhân viên, gồm: thư viện, thiết bị thí nghiệm, công nghệ thông tin, kế toán, văn thư, thủ quỹ, y tế và Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật.
Do mức thu nhập quá thấp, họ không thể dành hết tâm trí cho cuộc sống, các nhà trường cũng khó để ký hợp đồng lâu dài, đề nghị có thêm phần phụ cấp công vụ cho các nhân viên ở trường học. Đây cũng là quan tâm của cô Lương Thị Thuận Ánh, nhân viên thư viện Trường THCS Thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).
Cô Trần Thị Phương Thảo, Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Tân Phú (TPHCM) gửi ý kiến đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nhân viên trường học là một phần quan trọng trong cơ sở giáo dục, nhưng thu nhập thấp hơn so với nhà giáo và không được hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên. Đây là nhóm chịu nhiều thiệt thòi, do đó sẽ phải tính đến việc điều chỉnh chính sách trong tương lai. Bộ GD&ĐT đang có kiến nghị tăng một số vị trí việc làm; thống nhất cần biện pháp kiến nghị để tăng lương, thu nhập cho nhóm này. Tuy nhiên, ngành giáo dục không thể tự quyết vấn đề lương mà cần phải làm việc với các bộ ngành, đặc biệt Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các cấp cao hơn.
“Chúng ta cần kiên trì kiến nghị. Cùng với đó, bản thân các trường học, các nhân viên trường học, các nhà giáo cũng cần có kiến nghị, lên tiếng nhiều hơn nữa để thuận cho việc đề xuất chính sách”, Bộ trưởng cho hay.
Những khó khăn trong triển khai chương trình GDPT 2018 được nhiều giáo viên đề cập. Cô Nguyễn Thị Thiều Hoa, giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) cho rằng, chương trình yêu cầu dạy tích hợp các môn khoa học tự nhiên (KHTN), Lịch sử và Địa lý. Việc bồi dưỡng theo khung chương trình của bộ cơ bản giúp giáo viên có thể dạy được cả môn tích hợp. Tuy nhiên, để giáo viên tự tin hơn, dạy học hiệu quả hơn, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục có các giải pháp giúp giáo viên hiệu quả hơn.
Cô Hoàng Hải Vân, giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu (TP Nha Trang, Khánh Hòa) cũng cho biết, hiện nhiều trường trên cả nước áp dụng cách thức "giáo viên môn nào dạy môn nấy". Điều này khiến môn tích hợp chưa giúp học sinh phát triển toàn diện như mục tiêu đặt ra. Do đó, Bộ GD&ĐT cần có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên dạy học các môn tích hợp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, có thể điều chỉnh các môn tích hợp
Ghi nhận các ý kiến tâm huyết của các nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là điểm mới trong chương trình GDPT 2018. “Khi thiết kế chương trình, chúng ta mong muốn phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó khăn dù đã được tập huấn, bồi dưỡng. Việc dạy các môn tích hợp, liên môn là một trong những khó khăn nhất khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, là "điểm vướng, nghẽn, khó".
Tại cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng, là nền tảng bền vững, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp. Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ làm mọi việc, mọi giải pháp để phát triển, đổi mới lực lượng nhà giáo.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp THCS. Tinh thần là điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Bộ sẽ tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia để cân nhắc kỹ lưỡng. Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vấn đề lương cho nhà giáo được nhiều ý kiến đề xuất. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những vất vả, nặng nhọc của giáo viên mầm non, trong khi chế độ chính sách, thu nhập chưa tương xứng. Bước đầu, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục lưu ý đến việc bù đắp thù lao giờ làm việc nhiều của giáo viên mầm non.
Về độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, Bộ trưởng cho biết, hiện Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội. Trong góp ý luật này, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó liên quan đến tuổi hưu.
Bộ trưởng cũng chia sẻ, ngành giáo dục có số lượng người hưởng lương, công chức, viên chức rất lớn, chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ, cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện. Ngành giáo dục mong muốn, kiến nghị, nhưng cũng cần từng bước, hợp lý. Bộ GD&ĐT sẽ rà soát các chính sách và việc xây dựng Luật Nhà giáo có thể đem lại chuyển biến tích cực về thể chế; để giáo dục công và tư được bình đẳng trong thực tế. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành về tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách nâng nguồn thu nhập cho đội ngũ.
Theo PHAN THẢO (SGGPO)