Nâng trách nhiệm, giảm nguy cơ cháy nổ - Kỳ 1
Cháy nổ để lại nhiều hậu quả, thiệt hại nặng nề về tài sản, tính mạng con người. Thế nhưng, một bộ phận không nhỏ cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp còn lơ là, xem nhẹ công tác phòng cháy chữa cháy. Nhân ngày Toàn dân phòng cháy chữa cháy (4.10), Báo Bình Ðịnh giới thiệu đến bạn đọc chuyên đề “Nâng trách nhiệm, giảm nguy cơ cháy nổ”.
Kỳ 1: Nguy cơ hiển hiện
Loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao. Trong khi đó, nhiều cá nhân, chủ cơ sở còn chủ quan, lơ là trong phòng, chống “giặc lửa”.
Bất an với nhà ở kết hợp kinh doanh
Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh có hàng chục nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh; trong đó, hơn 7.500 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ. Đa số nhà ở kết hợp kinh doanh xây dựng theo kiểu nhà ống, chỉ một lối ra vào ở cửa chính, không có lối thoát nạn dự phòng, không có biện pháp ngăn cháy lan. Ngoài ra, chủ nhà thường lắp đặt, gia cố các lồng sắt (chuồng cọp) chống trộm; lắp biển quảng cáo che kín ban công và khu vực mặt tiền nhà.
Nguồn lửa tại cơ sở cơ khí, hàn, cắt kim loại rất dễ dẫn đến các vụ hỏa hoạn.
Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết gia đình có nhà dọc 2 bên mặt tiền các tuyến đường lớn, nhỏ trên địa bàn TP Quy Nhơn đều kết hợp ở với kinh doanh, sản xuất. Trong số này, rất nhiều trường hợp tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao như buôn bán mặt hàng quần áo, vải; xăng, dầu; khí hóa lỏng; gas; sửa chữa xe máy; hàn, cắt kim loại…
Tương tự, tại TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ, Tây Sơn, Phù Cát, Tuy Phước, Vĩnh Thạnh… đều phổ biến mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh. Trong khi đó, đa số chủ nhà chưa xem trọng việc phòng, chống cháy, nổ; số có trang bị phương tiện, dụng cụ PCCC chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bà T., chủ tiệm tạp hóa ở đường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn), cho hay: “Chính quyền địa phương kiểm tra, nhắc nhở tôi trang bị các thiết bị chữa cháy đề phòng khi xảy ra hỏa hoạn. Nhưng tôi chỉ buôn bán nhỏ, thấy chưa cấp thiết nên chưa mua thiết bị chữa cháy theo như yêu cầu”.
Trường hợp khác, chủ quán karaoke T.C. (ở huyện Tây Sơn) vừa sử dụng nhà để ở, vừa kinh doanh dịch vụ giải trí nhưng không chấp hành đúng quy định. Cụ thể, dù cơ sở chưa được cơ quan thẩm quyền thẩm duyệt về PCCC, chủ nhà vẫn đưa vào hoạt động.
Bên cạnh đó, chủ nhà thường bố trí, bày biện hàng hóa lộn xộn, chiếm hết lối đi, gây khó khăn trong việc thoát thân khi xảy ra sự cố cháy. Nhiều chủ nhà sử dụng điện thiếu an toàn khi để các chất dễ cháy như gas, xăng, dầu, giấy, vải… gần đường điện và các thiết bị sinh nhiệt.
Theo nhìn nhận của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh), các vụ cháy, nổ tại khu dân cư và nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy ý thức chấp hành quy định an toàn PCCC của chủ cơ sở kinh doanh còn hạn chế. Chủ cơ sở còn chủ quan, lơ là, sơ suất trong việc sử dụng lửa, nhiệt và các thiết bị điện.
Thiếu đủ bề
Những năm gần đây, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú như nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, homestay… trên địa bàn tỉnh phát triển rất mạnh. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh), toàn tỉnh có hơn 650 nhà nghỉ, khách sạn cho thuê lưu trú thuộc diện quản lý về PCCC.
Một số khách sạn để xe máy ở vị trí bồn chữa cháy, gây cản trở việc ra vào, chưa đúng quy định về PCCC.
Thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh), cho biết: Bên cạnh các chủ khách sạn, nhà nghỉ chấp hành tốt quy định về PCCC, vẫn còn không ít trường hợp chưa thực hiện nghiêm túc. Phổ biến nhất là tình trạng không bảo dưỡng định kỳ phương tiện chữa cháy; số lượng lối thoát nạn chưa đảm bảo yêu cầu; còn tình trạng cơi nới, cải tạo, chuyển đổi công năng sử dụng…
Mặt khác, nhiều khách sạn, nhà nghỉ, homestay có dạng nhà ống, nhà cao tầng trước đây được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC tuy nhiên hệ thống PCCC chưa đầy đủ so với quy chuẩn, tiêu chuẩn tại thời điểm đi vào hoạt động.
Ngoài ra, nhiều chủ nhà trọ, nhà nghỉ (nhất là ở khu vực nông thôn) không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các bình chữa cháy, không bố trí các đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn. Nhiều công trình thiết kế mạng điện không tính hết các phụ tải phát sinh khi chuyển đổi từ nhà ở riêng lẻ sang kinh doanh dịch vụ nên quá tải điện và dễ phát sinh cháy, nổ.
Cùng với đó, không ít chủ cơ sở cố tình phớt lờ các yêu cầu của cơ quan chức năng về khắc phục những tồn tại, bất cập PCCC. Đơn cử như chủ khách sạn Y.V., M.K., H.T., A.T.N. (ở TP Quy Nhơn) cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Hay khách sạn T.H. (ở TP Quy Nhơn) chưa được cơ quan thẩm quyền thẩm duyệt về PCCC nhưng chủ cơ sở đã đưa vào hoạt động.
Thậm chí, 1 khách sạn 4 sao ở trung tâm TP Quy Nhơn chấp hành quy định phòng, chống cháy, nổ cũng rất lơ là. Cụ thể, khi lực lượng chức năng kiểm tra, chủ khách sạn để xe máy ngổn ngang, chen cả vào vị trí của trạm bơm chữa cháy. Ngoài ra, các bình gas, nguồn lửa tại bếp không được bố trí đúng quy định.
Thực trạng này khiến nguy cơ cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú luôn tiềm ẩn ở mức cao. Đồng thời, khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, việc xử lý các tình huống từ đầu gặp nhiều khó khăn, gây thiệt hại lớn.
Vô tư dùng điện thoại tại cây xăng
Theo Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), trên địa bàn tỉnh có 189 DN kinh doanh xăng, dầu; với 327 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu cố định. Trong đó, 322 cửa hàng bán lẻ được Sở Công Thương cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng, dầu; 5 cửa hàng mới xây dựng, đang hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định để đủ điều kiện hoạt động.
Cả nhân viên bán xăng lẫn khách hàng vô tư sử dụng điện thoại tại cửa hàng xăng, dầu.
Các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu đều được xây dựng, hoạt động đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và dưới sự cho phép, kiểm soát của cơ quan chức năng có liên quan; tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ. Tuy nhiên thực tế, quá trình hoạt động tại một số cửa hàng xăng, dầu còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Dễ thấy, tại các cửa hàng xăng, dầu đều có bảng nội quy, các quy định về PCCC như “cấm lửa”, “không được sử dụng điện thoại”. Tuy nhiên, không ít người vẫn sử dụng điện thoại trong lúc chờ đổ xăng; thậm chí, có trường hợp khách chờ đổ xăng vô tư hút thuốc.
Trong khi đó, xăng, dầu rất “nhạy cảm” với nguồn lửa, chỉ cần nguồn lửa rất nhỏ cũng dẫn đến nguy cơ khó lường. Đơn cử, sáng 16.6.2023, một cửa hàng xăng, dầu nằm trên đường Trần Hưng Đạo (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) bốc cháy dữ dội. Vụ cháy không gây thương vong về người nhưng thiêu rụi 3 trụ xăng, 1 chiếc xe máy và khiến nhiều gia đình ở gần một phen hoảng loạn. Nguyên nhân được xác định do một xe máy vào đổ xăng, bộ phận bu-gi của xe bắn tia lửa và gây hỏa hoạn.
Có thể thấy, nguy cơ cháy, nổ từ các cửa hàng xăng, dầu luôn rất cao. Chỉ cần một phút lơ là, bất cẩn, thiếu cảnh giác sẽ dẫn đến hiểm họa khôn lường. Trong khi đó, một số cửa hàng xăng, dầu trong tỉnh có vị trí nằm rất gần khu dân cư; thậm chí, có cửa hàng còn “tựa lưng” vào nhà ở.
VĂN LỰC - KIỀU ANH
● Kỳ 2: Hậu quả khôn lường