Nâng trách nhiệm, giảm nguy cơ cháy nổ - Kỳ 2: Hậu quả khôn lường
Các vụ cháy, nổ gây ra nhiều thiệt hại về tính mạng, tài sản và phải mất nhiều thời gian các nạn nhân mới có thể gầy dựng lại gia nghiệp như trước khi xảy ra sự cố.
Thiệt hại nặng nề
Cuối tháng 8.2023 vừa qua, người dân ở gần Cụm công nghiệp Quang Trung (phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) chấn động bởi vụ nổ bình khí oxy lỏng tại Công ty CP T.P. Vụ nổ nghiêm trọng khiến 1 người tử vong tại chỗ, 1 người bị thương nặng; các phương tiện vận tải và vật dụng tại công ty bị hư hỏng.
Bà Trần Thị Hồng, nhà ở gần nơi xảy ra vụ nổ, nhớ lại: Khoảng hơn 16 giờ 30 phút ngày 28.8, bà đang ở trong nhà thì nghe tiếng nổ rất lớn phát ra từ Công ty CP T.P. Tiếng nổ lớn làm rung chuyển khu vực lân cận và khiến nhiều vật dụng văng ra ngoài. Đến nay đã gần 1 tháng trôi qua, bà Hồng và nhiều người khác còn “nổi da gà” mỗi khi nhắc lại vụ việc.
Lực lượng PCCC&CNCH chữa cháy tại cửa hàng xăng, dầu trên đường Trần Hưng Đạo (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) vào ngày 16.6.2023.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ tịch UBND phường Quang Trung, các vụ cháy, nổ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Do đó, ngoài cố gắng của lực lượng PCCC, ý thức tự giác trong chấp hành, tuân thủ quy định PCCC của DN, người dân là rất quan trọng.
Tuy nhiên thực tế, một bộ phận không nhỏ người dân chưa xem trọng vấn đề này. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ xảy ra tại các khu dân cư, hộ gia đình, công ty, DN thời gian qua.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh), năm 2021 và 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 121 vụ cháy, không có thiệt hại về người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng hơn 200 tỷ đồng. Còn trong 8 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 vụ cháy, làm 1 người chết, 1 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính hơn 15 tỷ đồng.
Qua điều tra các vụ cháy, nổ tại khu dân cư và nhà ở kết hợp kinh doanh cho thấy nguyên nhân chủ yếu do ý thức chấp hành quy định an toàn PCCC của người dân còn hạn chế. Một bộ phận không nhỏ người dân còn chủ quan, lơ là, sơ suất trong việc sử dụng lửa, nhiệt và thiết bị điện.
Đơn cử, ngày 21.4.2023, sự cố chập điện đã khiến cửa hàng kinh doanh phụ tùng ô tô T.T.L. (ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) bốc cháy. Do nhà ở kết hợp kinh doanh phụ tùng ô tô nên ngọn lửa lan nhanh, gây thiệt hại nặng nề về tài sản.
Là nạn nhân của vụ hỏa hoạn gây thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng xảy ra năm 2022, bà Đ.T.N.T (ở huyện An Lão), cho hay: “Gia đình tôi buôn bán nhỏ nên sử dụng tủ cấp đông để phục vụ công việc. Nhưng do chủ quan, dây điện tủ cấp đông đấu nối không cẩn thận dẫn đến chập điện, cháy nhà trong đêm. May mắn là người trong nhà không bị thương, nhưng căn nhà và tài sản bên trong cháy thành tro bụi”.
Còn gia đình bà C.T.P.D. (ở TX Hoài Nhơn) chuyên thu mua, sửa chữa xe máy, xe đạp cũ. Địa điểm mua bán cũng chính là căn nhà ở của gia đình với 6 nhân khẩu. Nguồn điện phục vụ tại khu vực chứa sơn, dầu, phụ tùng xe đạp, xe máy cũng là nơi gia đình sử dụng để nấu nướng, sử dụng các thiết bị điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt như quạt, tủ lạnh. Khi xảy ra sự cố chập điện gây cháy, căn nhà và tất cả vật dụng, đồ đạc bên trong nhà bà D. bị cháy hết, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Vụ cháy tại kho chứa hàng của Công ty CP dịch vụ Cảng biển Quy Nhơn (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn), xảy ra vào ngày 3.7.2023.
Phòng cháy bắt đầu từ ý thức
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh), trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Tuy nhiên, ý thức, kiến thức, cũng như việc tự giác trang bị các thiết bị về PCCC tại các khu dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh, lưu trú vẫn chưa được chú trọng.
Thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, cho biết: “Đa số các vụ cháy nhà ở, khu dân cư, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh là sự cố thiết bị điện, sơ suất trong sử dụng lửa, nhiệt. Nguyên nhân các vụ cháy có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khách quan, nhưng tựu trung vẫn là ý thức cá nhân của mỗi người về công tác PCCC chưa cao”.
Thượng tá Tuấn phân tích: Qua công tác kiểm tra tại các nhà ở kết hợp kinh doanh, lực lượng chức năng nhận thấy việc trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu chưa đủ, sắp xếp hàng hóa không đảm bảo khoảng cách an toàn so với hệ thống điện. Lối thoát nạn bị cản trở hoặc không đảm bảo khoảng cách, trên đường thoát nạn tồn tại nhiều chất cháy.
Vụ cháy tại một ki ốt trong Cảng cá Quy Nhơn vào ngày 10.2.2023 khiến 1 người tử vong và 1 người bị thương.
Tương tự, tại các cơ sở kinh doanh, cho thuê lưu trú còn tình trạng phương tiện chữa cháy chưa được bảo dưỡng định kỳ. Số lượng lối thoát nạn chưa đảm bảo yêu cầu, còn tình trạng cơi nới, cải tạo, chuyển đổi công năng sử dụng.
Ngoài yếu tố ý thức, đại diện lãnh đạo một số huyện, thị xã, thành phố của tỉnh cũng thừa nhận, hiện tại nhiều địa phương trong tỉnh còn tình trạng nhiều công trình xây dựng không đủ điều kiện về an toàn PCCC, nhưng vẫn tồn tại, hoạt động; nhất là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về PCCC&CNCH của UBND cấp xã đối với các cơ sở thuộc phân cấp còn lỏng lẻo.
Theo ông Phan Hữu Duy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, những tồn tại này xuất phát từ việc chủ các căn nhà ở mặt tiền đường tự cải tạo, thay đổi công năng từ nhà ở sang vừa ở, vừa kết hợp kinh doanh, không tuân thủ các quy định về PCCC. Nhiều UBND cấp xã “khoán trắng” công tác quản lý Nhà nước về PCCC&CNCH cho lực lượng CA cấp xã, trong khi CA cấp xã không phải là cơ quan quản lý theo phân cấp quy định.
Còn theo thừa nhận của một trưởng CA xã ở huyện Phù Mỹ, lực lượng CA cấp xã còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác kiểm tra an toàn PCCC và phải đảm trách nhiều nhiệm vụ khác dẫn đến công tác quản lý Nhà nước về PCCC&CNCH chưa đảm bảo.
Mặt khác, việc trang bị phương tiện PCCC&CNCH cho các đội dân phòng, đội PCCC cơ sở tại một số xã, phường, thị trấn trong tỉnh chưa đảm bảo. Thượng tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng CA huyện Tây Sơn, cho hay: Toàn huyện Tây Sơn có 76/76 khu dân cư có thành lập đội dân phòng và duy trì hoạt động. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động còn hạn chế, việc hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng chưa được phân bổ.
Bên cạnh đó, trang bị phương tiện PCCC cho lực lượng dân phòng chủ yếu là bình chữa cháy tại trụ sở UBND cấp xã; còn trang phục (quần, áo, mũ, ủng, găng tay, khẩu trang chữa cháy) chưa đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 48/2015/TT-BCA của Bộ CA (quy định về trang phục chữa cháy của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành).
VĂN LỰC - KIỀU ANH
Kỳ cuối: Kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa chủ động