Kiên quyết xử lý hành vi khai thác thủy sản bằng xung điện
Thời gian gần đây, tình trạng sử dụng xung điện để khai thác thủy sản trên các dòng sông, kênh mương, các cánh đồng trên địa bàn các xã khu Ðông của huyện Tuy Phước và Phù Cát diễn ra khá phổ biến, khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Tuy nhiên, việc xử lý vấn nạn này chưa được các cấp, các ngành chú trọng.
Đi dọc tuyến tỉnh lộ 640 từ xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) đến thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát) vào những ngày đầu tháng 10 này, chúng tôi đã bắt gặp không ít người dùng sõng câu, bình ắc quy, bộ kích điện để đi rà bắt tôm, cá. Sáng 4.10, trên một tuyến kênh mương nội đồng thuộc địa bàn thị trấn Cát Tiến, chúng tôi bắt gặp 2 người đàn ông đi trên 2 sõng câu nhỏ, dùng bộ kích điện rà bắt thủy sản.
Khai thác thủy sản bằng bộ xung điện trên một tuyến kênh mương nội đồng ở thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát (ảnh chụp sáng 4.10). Ảnh: N.H
Theo quan sát, phương tiện, dụng cụ rà bắt thủy sản được thiết kế đơn giản gồm sõng câu, 1 bình ắc quy 12 V, bộ kích điện đấu nối với 2 vợt kim loại qua 2 cây sào dài 2 - 3 m. Nhờ bộ kích nên khi đưa vợt xuống nước, nguồn điện được kích tăng lên 220 V. Chỉ trong tích tắc, hầu hết các loài tôm, cá, cua, lươn… từ to đến nhỏ trong vòng bán kính 2 - 3 m đều bị điện giật tê liệt nổi lên mặt nước. Qua tìm hiểu, một bộ kích điện như vậy chỉ có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng.
Ông N.V.A. (ở xã Phước Sơn), hành nghề xung điện, cho biết: “Vào mùa mưa, các loài thủy sản theo dòng nước từ ao, đầm đổ về nhiều, nên tôi mua bộ kích điện để đi khai thác, vừa có con tôm, con cá cải thiện bữa ăn gia đình, vừa kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày đi rà nếu trúng cũng kiếm được từ 300 - 500 nghìn đồng. Trên các cánh đồng ven đầm Thị Nại, ngày nào cũng có người đi rà điện để bắt tôm, bắt cá”.
Theo ông Huỳnh Minh Cẩn (ở thôn Dương Thiện, xã Phước Sơn), trước đây, cứ đến mùa mưa lũ thì tôm, cá trên các cánh đồng của thôn về rất nhiều. Mỗi đêm, người dân chỉ cần mang vài chiếc đó hoặc dẹp (phương tiện bắt thủy sản bằng tre) để đơm đặt thì kiếm được vài ký cá, tôm là bình thường. Thế nhưng, vài năm nay, tình trạng sử dụng kích điện để khai thác thủy sản diễn ra phổ biến đã làm suy kiệt nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản.
Ðiều 28, Nghị định số 42/2019/NÐ-CP ngày 16.5.2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản quy định: Phạt từ 3 - 5 triệu đồng về hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản. Đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản, bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng và tịch thu tang vật vi phạm.
“Không chỉ trên các cánh đồng, hệ thống kênh mương, mà ngay cả trên đầm Thị Nại nguồn lợi thủy sản cũng suy giảm thấy rõ do tình trạng sử dụng xung điện, xiếc máy”, ông Cẩn nói.
Ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, thừa nhận tình trạng sử dụng xung điện để khai thác thủy sản trên địa bàn xã thời gian qua diễn biến phức tạp, nhưng các biện pháp xử lý đối tượng vi phạm chưa kiên quyết. Ông Thiện cho biết: “Qua theo dõi, thống kê, trên địa bàn xã hiện có 15 - 20 người hành nghề xung điện khai thác thủy sản. UBND xã đã giao lực lượng CA xã thường xuyên tuần tra, xử lý. Tuy nhiên, khi các đối tượng vi phạm bị lực lượng chức năng phát hiện, họ lập tức bỏ trốn hoặc phi tang tang vật. Do vậy, việc xử lý gặp nhiều khó khăn”.
Quy định của pháp luật về xử phạt hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản đã có. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa quyết liệt, đồng bộ. Do đó, vấn nạn này vẫn tái diễn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái.
Các ngành chức năng và chính quyền cơ sở cần vào cuộc một cách nghiêm túc; thường xuyên phối hợp ra quân xử lý triệt để tình trạng khai thác thủy sản bằng xung điện. Bên cạnh đó, cần thành lập các tổ, đội hoặc nhóm cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo cơ chế để họ hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, các tổ chức hội, đoàn thể, MTTQ ở cơ sở cũng cần chung tay, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tổ chức vận động những đối tượng hành nghề xung điện chuyển đổi nghề.
NGUYỄN HÂN