Con gấu bông màu xanh
Truyện ngắn của PHAN ĐỨC LỘC
Đông đã về từ đêm qua, sau một đợt mưa dầm dề, dai dẳng. Thị trấn bỗng chốc trầm xám. Tú ngồi bên ô cửa rợp xanh sợi cây bìm bìm, những ngón tay búp măng mảnh mai mải miết với từng đường kim mũi chỉ nhịp nhàng theo nét kẻ phấn màu trên mảnh vải nỉ màu xanh lam đã cũ. Mảnh vải này được Tú cắt ra từ tấm chăn mỏng rách bươm không còn dùng đến nữa. Nghe đài dự báo mùa đông năm nay lạnh hơn mùa đông năm ngoái, Tú tự nhủ sẽ may tặng em gái một con gấu bông thật to và ấm, đúng ngày sinh nhật của nó.
Nom thấy Tú, cái Khuê bắc loa tay, nheo nhéo:
- Chị Tú ơi! Chị Tú ơi! - Tiếng “Tú” của Khuê bị hụt hơi nghe như “chú”.
Ngừng mũi kim dang dở, Tú ngó ra ngoài, dịu dàng đáp:
- Bố Tú không có ở nhà đâu, Khuê lên đây!
Bị chậm phát triển trí tuệ nên mười một tuổi rồi, cái Khuê vẫn chưa đi học. Ở khối này, ai cũng gọi Khuê là con Ngốc, ngoại trừ chị em Tú. Nhà Khuê cách nhà Tú một hàng rào thép gai. Mẹ Khuê mất sau khi sinh Khuê vì bị băng huyết. Khuê sống cùng với người mẹ kế dữ dằn và ông bố suốt ngày lè nhè bia rượu. Thương Khuê, Tú thường hay lấy cơm nguội cho Khuê ăn. Lần nào Khuê cũng ăn cuống cuồng như thể sợ ai tranh phần. Tú cứ phải nhẹ nhàng nhắc Khuê nhai từ từ.
Khuê đã vào trong nhà, nhưng vẫn cứ khép nép đứng nhìn Tú, mắt rưng rưng. Tú bảo Khuê ngồi xuống để Tú đi lấy cơm cho Khuê ăn, Khuê lắc đầu nguầy nguậy. Rồi đến lúc Tú gặng hỏi mãi, tủi thân, Khuê òa lên rấm rứt:
- Em bị dì đánh.
Tú kéo Khuê lại gần mình:
- Thế tại sao Khuê lại bị dì đánh?
- Em nấu cơm bị cháy.
- Thế Khuê bị đánh có đau lắm không?
- Em đau lắm, hễ ngồi xuống là đau.
Khuê khẽ kéo ống quần xám nhạt bằng vải thun đã ngả màu cháo lòng loang lổ để lộ hai vạt đùi hằn những vết lằn dọc ngang, tím bầm, rỉ máu li ti. Tú sửng sốt:
- Trời ơi! Để Tú giúp Khuê bớt đau nha.
- Vâng ạ!
Tú với tay lấy gói bông và lọ oxy già trong ngăn kéo rồi sát trùng vết thương cho Khuê. Nhúm bông tẩm nước oxy già chấm nhẹ đến đâu, bọt sủi lên đến đó. Đôi chân lỗ chỗ những sẹo của Khuê hơi giật giật. Tú biết Khuê đang đau nhưng vẫn cố gắng đứng yên. Khổ thân Khuê! Trong khối này, còn mỗi nhà Khuê chưa có nồi cơm điện. Chỉ vì cái nồi cơm khi nhão, lúc cháy ấy mà cứ cách vài ba hôm, Khuê lại ăn một trận đòn nhừ tử. Mặc người phụ nữ ấy hành hạ con gái mình, bố Khuê chỉ lừ đừ ngồi nhìn, từ ngày bán cả thể xác lẫn linh hồn cho những cuộc rượu suốt sáng, thâu đêm ông toàn lừ đừ như thế. Mọi người cứ nghĩ Khuê ngốc nghếch chẳng biết gì. Nhưng kỳ thực, Khuê khờ khạo nhưng vẫn biết buồn, biết đau. Chỉ có điều những lúc Khuê buồn, chỉ có chị em Tú mới hiểu được.
Tú sát trùng vết thương cho Khuê vừa xong thì ngoài sân có tiếng xe máy của bố. Khuê hốt hoảng:
- Bố chị Tú về rồi, em phải làm sao đây?
Đưa ngón tay lên miệng ra hiệu cho Khuê im lặng, Tú nói thầm:
- Khuê cứ đứng sau tấm rèm nhé. Tú đã có cách! Chờ lúc bố Tú đi tắm, Khuê sẽ nhanh chân chạy về nhà.
Cả Tú và Khuê đều rất sợ bố Tú. Bố chưa bao giờ đánh đập chị em Tú như mẹ kế của Khuê, nhưng chỉ cần nghe bố đằng hắng một tiếng, Tú đã sợ đến run tim. Bố nghiêm khắc: “Bố cấm chị em con chơi với con Ngốc. Lớn rồi, phải biết chọn bạn mà chơi. Con chơi với nó nhiều rồi cũng bị lây bệnh ngốc như nó thôi”. Từ đấy, hễ cái Khuê đặt chân đến cổng là bố Tú đuổi Khuê về. Chỉ khi nào bố Tú đi làm, Khuê mới dám lẻn sang.
Những buổi chiều bình yên, Tú lại ngồi may bên ô cửa sổ rợp tím hoa bìm bìm, giữa tiếng chim lao xao và tiếng động cơ rì rầm ngoài ngõ. Mùa đông rét mướt như lưỡi dao cắt da, cắt thịt. Tú mặc ba cái áo liền vẫn chưa đủ ấm. Và hình ảnh cái quần thun mỏng mảnh và những vết roi thép sắc lẹm hằn trên đùi Khuê cứ thấp thoáng hiện lên trong tâm trí Tú mãi.
Tranh của họa sĩ TUẤN ĐẠT
Ngày sinh nhật của em gái Tú đang đến rất gần. Cứ lúc nào rảnh, Tú lại lôi tấm vải nỉ màu xanh ra, miệt mài may. Trong một tiết Thủ công, cô bảo Tú có năng khiếu may vá, thêu thùa. Nên Tú ước mơ lớn lên sẽ trở thành nhà thiết kế thời trang. Tú biết may váy cho búp bê, biết may túi đựng bút. Và đây là lần đầu tiên, Tú thử sức may gấu bông theo sự hướng dẫn của một cuốn báo dành cho thiếu niên. Em gái Tú cũng sốt ruột. Buổi sáng, sau khi bóc lịch đếm ngày, nó sẽ không quên thăm dò:
- Chị may xong gấu ôm chưa?
- Sắp xong rồi, bình tĩnh nào.
- Còn đúng một tuần nữa là sinh nhật em đấy.
Tú véo má nó:
- Yên tâm. Chị sẽ cố gắng hết sức.
Sau cái mè nheo quen thuộc vì bị véo má, em gái Tú thông báo: Bố sẽ đi công tác ở Hà Nội, mười ngày sau mới về. Ngay lập tức, Tú dõi mắt sang phía bên kia hàng rào tìm Khuê nhưng chẳng thấy bóng dáng Khuê đâu cả mà chỉ nghe thấy tiếng người mẹ kế của Khuê chua ngoét:
- Ở nhà mỗi việc trông em với trông vườn mà để gà rỉa hết vạt rau cải rồi.
Chiều hôm sau, Khuê lại đứng đúng chỗ hôm nọ. Vẫn cái giọng nheo nhéo đó, Khuê bắc loa tay gọi:
- Chị Tú ơi! Chị Tú ơi!
Tú vẫy vẫy tay, thông báo:
- Vào nhà Tú đi. Bố Tú đi công tác rồi.
Khuê vào. Từng bước tập tễnh. Vào đến nhà, Tú chưa kịp hỏi thì Khuê đã vén quần lên cho Tú xem những vết roi bầm tím mới. Khuê chưa nói thì Tú cũng đã biết nguyên do. Những vết roi cũ còn chưa tan máu bầm thì những vết roi mới đã chồng lên, mưng mủ, nhìn thôi đã đủ thấy đau rồi. Trời rét như cắt, như cứa mà mẹ kế của Khuê vẫn không tha cho em. Lần này, Khuê không khóc nhưng nước mắt Tú lại lăn ra thành hai dòng nóng ấm. Khuê đưa bàn tay nẻ bong như da rắn xoa mặt Tú:
- Em không đau đâu. Chị Tú đừng khóc! Chị Tú đừng khóc!
Tú cụng nhẹ trán mình lên trán Khuê, cười trong những giọt nước mắt trong veo:
- Khuê nói dối Tú, đúng không? Để Tú sát trùng vết thương cho Khuê nhé.
- Bị đau cứ bôi cái nước ấy vào nổi bọt lên thật thích, chị Tú nhỉ?
Gặp được Tú, Khuê quên cả đau. Tú định lấy bộ đồ nỉ đã chật đem cho Khuê. Nhưng sợ mẹ mắng, Tú khựng lại. Nhà Tú cũng không khá hơn nhà Khuê là bao. Bố Tú làm công nhân sửa chữa ống nước. Mẹ làm lao công quét đường. Mùa đông đến, bố mẹ phải đắn đo mãi mới dám mua cho Tú một bộ quần áo mới. Em gái Tú luôn phải mặc lại quần áo cũ của Tú. Thế mà nó chẳng bao giờ than phiền. Tú thương em gái. Tú cũng rất thương Khuê. Tú phải làm gì để giúp Khuê đây?
Một tuần trôi qua thật nhanh. Ngày sinh nhật em gái Tú, bố đang đi công tác, mẹ thì quét rác mãi tận khuya mới về. Tú ở nhà, tự tay làm bánh sinh nhật cho em gái bằng bột gạo nếp. Đó là chiếc bánh hình ngôi sao to bằng chiếc đĩa được Tú rán vàng ươm. Chị em Tú không có nhiều bạn. Vì vậy, ngày sinh nhật cũng lặng lẽ như bao ngày bình thường khác. Đêm mùa đông, bên bếp than hồng đượm ấm, hai chị em Tú co ro ngồi chờ Khuê. Hồi chiều, Tú đã nhắc đi nhắc lại Khuê hai lần rằng tối nay nhớ sang dự sinh nhật em gái Tú. Khuê “vâng ạ” và tỏ vẻ rất vui. Thế mà kim giờ chỉ số 8 rồi vẫn không thấy Khuê đâu. Tú vuốt tóc em gái:
- Cố chờ Khuê thêm ba mươi phút nữa, em nhé?
- Vâng ạ.
Trong lúc chờ đợi Khuê, Tú mang tặng em gái con gấu bông màu xanh ngộ nghĩnh do tự tay Tú làm. Em gái Tú hôn lên con gấu rồi thỏ thẻ nói:
- Em cảm ơn chị! Nó thật dễ thương.
- Em thích nó không?
- Em thích lắm, nhưng nó nhỏ xinh thế này thì chỉ hợp đặt trên bàn học chứ không ôm đi ngủ được, chị nhỉ?
Thoáng chút bối rối hiện lên trên gương mặt Tú. Tú đã trót hứa sẽ may cho em gái một con gấu bông to thật to để nó có thể ôm ấp khi đi ngủ. Thế nhưng… Tú chưa biết sẽ giải thích với em gái như thế nào thì ngoài cổng vọng vào tiếng gọi của Khuê:
Chị em Tú chạy ra mở cửa đón Khuê vào. Tóc Khuê ướt rượt sương đêm. Mặt Khuê lem nhem bùn đất. Trên tay Khuê là cây đèn pin và một bó hoa thạch nam tím biếc. Đặt bó hoa vào tay em gái Tú, Khuê hí hởn:
- Chúc mừng sinh nhật! Khuê chạy ra sông hái về đấy!
- Em cảm ơn chị Khuê - em gái Tú xúc động nói.
Để có được bó hoa thạch nam này, Khuê đã phải chạy bộ hơn ba cây số ra triền đê ở vùng ngoại vi thị trấn hái về, trong bóng tối, sương đêm và hơi lạnh thổi lên từ lòng sông buốt giá. Nơi ấy có khu nhà hoang đổ nát. Nơi mà một lần Tú ngồi sau xe bố đi tắt sang nhà bà ngoại đã bị ám ảnh mãi tiếng quạ thê thiết kêu khi những tờ tiền ma mù mịt bay lên theo cơn lốc. Vậy mà Khuê dám đến đó… Không phải là người được tặng bó hoa, nhưng có chút gì đó nghèn nghẹn dâng lên trong lồng ngực Tú. Tú hỏi Khuê:
- Khuê ra đó mà không sợ bị dì đánh đòn à?
Khuê vỗ nhẹ vào chiếc quần nỉ màu xanh lam đang mặc:
- Chiếc quần lót bông bên trong của chị Tú may thật kì diệu. Hôm qua bị dì quất bằng roi thép, em vẫn không thấy đau.
Tú chợt đánh trống lảng:
- Chắc ai cũng đói rồi nhỉ. Chúng ta vào thắp nến thôi!
Chợt hiểu ra tại sao con gấu bông được tặng lại nhỏ xinh như thế, em gái Tú vít lấy cổ Tú, lém lỉnh nói:
- Em biết tại sao con gấu bông của em lại bé xíu xiu rồi đấy nhé. Nhưng không sao cả, em đã có một cô gấu bông to thật to để ôm mỗi tối là chị rồi còn gì?
Trong gian bếp nhỏ, chiếc bánh sinh nhật hình ngôi sao đang đợi những bàn tay bé nhỏ thắp lên những ngọn nến lung linh…