Nhớ con cua đồng
Tản văn Bùi DUY PHONG
Đang rảo bước ngắm đủ thứ rau, củ, quả chất chồng chuẩn bị về xuôi ở chợ đầu mối Pleiku lúc đất trời chuyển mùa, đứa em đi cùng nhóm bỗng reo lên khi mùi mắm cua chua phảng phất trong làn gió cao nguyên. Tôi ngửa mũi hít lấy cái mùi hương đặc trưng của thứ mắm nhà quê. Cái mùi khăm khẳm quyện vào màn sương đêm lành lạnh, đặc quánh là đà trong không gian nên ta có đứng cách xa vài chục mét cũng có thể cảm nhận được. Tôi kéo mấy đứa em bước vội về góc đường Nguyễn Thiện Thuật - Hoàng Văn Thụ của chợ đầu mối. Nồi bún cua chua thật to của quán bún đêm đang bốc khói như mời gọi. Cả đám theo tôi sà vào. Vậy là những thực khách từ Bình Định xa xôi lại được thưởng thức thứ mắm đặc sản của quê nhà nơi cao nguyên lộng gió.
Mắm cua chua Bình Định, thứ mắm gắn liền với những người nhà quê chân chất là sản vật mà thiên nhiên ưu đãi cho những vùng ven đầm, ven sông như Phù Mỹ, Hoài Ân, Phù Cát... Mùi hương của nó đã ám vào một vùng ký ức của những ai đã từng lớn lên trên đồng ruộng, sông nước. Cái mùi khăm khẳm, thum thủm của thứ mắm quê như thấm sâu vào từng thớ thịt của những người quê để ta có thể nhận ra nó dù giờ có đi bất cứ nơi đâu. Cái mùi mắm đưa ta trở về với tuổi thơ mò cua bắt ốc, trở về với ruộng đồng dù ta đã xa nó đến tận mấy chục năm rồi.
Con cua đồng, sản vật của ruộng lúa, đầm phá, sông ngòi trên khắp vùng quê Bình Định giúp ta có được thứ mắm này. Nhớ lúc “cơm cao gạo kém” tiền đi chợ không có, má bảo “anh em bay ra đồng kiếm con cua về làm mắm mà ăn”. Chúng tôi mò vào từng cái hang đóng dày trên các bờ ruộng để bắt cua. Chỉ một loáng đã có đầy cả thùng cua cho má làm mắm còn người ngợm mấy thằng trẻ con dính đầy bùn từ đầu tới chân. Lúc những chân ruộng vừa cấy hay gieo sạ xong cũng là lúc đi soi cua vui đáo để. Trời vừa chập choạng tối, những ngọn đuốc soi cua sáng cả cánh đồng. Đám cua đi ăn sớm nằm phơi mình trong con nước vừa mới rộng vào ruộng. Chúng lóng ngóng trước ánh đuốc sáng rực không biết chạy trốn đi đâu dù tới tám cái que.
Cua bắt về được làm thật sạch rồi bỏ vào cối quết nhỏ lọc lấy phần thịt. Thứ nước cua thành phẩm được bắt lên bếp cho vừa âm ấm rồi đậy nắp vung để đến ngày hôm sau kho lại là ta có được nồi mắm cua chua ngon tuyệt cú mèo. Những người thích ăn nặng mùi, nước cua được đem phơi sương một đêm. Khi thấy nó ngả sang màu hơi đen đen và dậy lên cái mùi khăm khẳm đặc trưng mới đem đi kho. Cái mùi ngai ngái của nồi mắm cua chua đang được nấu trên bếp làm cho những ai không quen có thể bịt mũi mà chạy nhưng khi đã “ghiền” thì hít lấy hít để mùi nồng nồng này.
Tranh của họa sĩ VÕ VĂN TUYỀN
Ngồi bên nồi mắm cua chua còn bốc khói mà miệng mấy đứa con cứ xít xoa hối má bắt xuống bếp cho nhanh vì bụng đứa nào cũng réo sùng sục. Má bảo chờ má rắc thêm tí ngò tàu, lá gừng xắt nhỏ và vài lát ớt cho nồi mắm thơm cay hơn. Nhìn mấy đứa con húp xì xoạch, nước mắt, nước mũi chảy vì cay và nóng mà má cười vì tính ham ăn của chúng. Khi lớn lên đi xa rồi không còn ở cùng má, lâu lâu tôi thấy thèm món mắm cua chua đến lạ. Hễ khi nào má làm mắm cua cũng nhắn tin hay tìm cách gởi cho thằng con nay tóc đã pha màu. Nhiều lúc nhớ quê ra chợ mua mớ cua về tự làm rồi ăn một mình mà nhớ má, nhớ ngày xưa đến lạ vì mấy đứa con nghe mùi đã trốn biệt. Chao ôi dù có sống giữa phố phường thì tôi cũng không thể nào rũ bỏ được cái hương quê mà đã gắn với một phần tuổi thơ của mình, cũng như đêm nay đi giữa phố núi mà nghe hồn quê bay lất phất.
Đứa em ngồi bên múc từng muỗng để cảm nhận vị ngọt thấm từ miệng đến dạ dày thứ bún Bình Định mà ông anh giới thiệu. Bạn ấy đâu biết những con người sinh ra từ những làng quê nơi miền trung này đang ngửi mùi hương quê mà đã lâu lắm rồi không gặp lại. Thứ mắm cua chua của những ngày nghèo khó giờ đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng, quán ăn trên khắp vùng Bình Định. Gọi tô mắm cua chấm với rau lang hay rau muống luộc thì còn gì bằng khi bạn ghé những nhà hàng sang trọng nơi đất võ. Cuộc sống giờ quá đủ đầy nên ta lại nhớ những thứ “nhà quê” của ngày xưa như củ mì, củ lang, rau thân chuối, mắm cua, mắm tép... Đến Quy Nhơn mà chưa ăn được tô bún rạm, bún cua ra về tiếc lắm nên những người bạn phương xa khi nghe tôi kể thế nào cũng tìm để thưởng thức cho được.
Chúng tôi rời quán khi chợ đêm đã nhộn nhịp lắm rồi. Cái lạnh cao nguyên se sít làn da và mùi mắm cua chua Bình Định cứ như còn quấn quít bước chân người lữ khách từ đồng bằng, những con người mà cả một đời mùi mắm cua chua cứ níu lấy không rứt ra được.