Bạch mã
Truyện ngắn của TRIỀU LA VỸ
Lão mai độc thọ nhất chi vinh
Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hoành
Tú Siêu đứng bồn chồn trước sân. Không khí của vùng rừng núi đêm nay như loãng hơn. Trong veo như sương. Đêm lặng tựa hồ như gió đã rủ nhau về ngủ dưới tán rừng đêm bạt ngàn xa xa. Trăng sáng vằng vặc soi rõ từng lá cỏ non còn xanh mơn mởn trong tiết trời giữa xuân. Trăng tròn như chiếc đĩa bạc, ai đó đã treo lên trời cao như nhắc nhở con người từng ngày, từng tháng về thế thái nhân tình và trầm luân dâu bể. Ở giữa cái đĩa bạc ấy sừng sững và vững chãi một cội mai già. Và cứ mỗi lần nhìn lên cội mai già ấy, Tú Siêu luôn thấy lòng rạo rực, hơi nóng chảy rần rần trong huyết quản. Chàng cởi phăng áo ra. Và xuống tấn. Cái thế tấn bộ hoành khởi đầu cho Lão Mai Quyền mà chàng ưa thích…
Cội mai già trên vầng trăng sáng kia bỗng nhiên chuyển động. Thoắt ẩn thoắt hiện theo từng thế đi của Lão Mai độc thọ. Cứ như người và mai đã giao hòa vào nhau, tan vào nhau thành một. Rễ mai chắc khỏe. Thân mai vững chãi. Dù chỉ có một cành mảnh mai, nhưng cây vẫn vững vàng ngạo nghễ giữa mùa đông rét giá. Và dưới cái dáng đứng hiên ngang ấy, tàng ẩn một nghị lực phi thường và tràn trề một nguồn sinh khí vô tận. Để rồi, khi đông gần tàn, xuân sắp đến, cây bần bật đâm chồi nẩy lộc. Và hoa nở. Bừng bừng khoe sắc. Khiêm tốn và thanh cao giữa ngày hội của muôn loài.
Tàng nha hổ giương oai thiết trảo/ Triển giác long tất lực lôi oanh. Đang tọa ở thế thiền định, chợt thân mai rùng mình chuyển động. Thoắt ẩn thoắt hiện. Lúc tả lúc hữu. Khi thoái bộ hiền từ như lão tiên, an nhiên tự tại, ngồi ngắm cười thế sự bên cánh sen tàn. Khi ra oai, thiết trảo dũng mãnh như hổ, thiết cước hùng tráng như long. Chập chờn Hồ Điệp mai hoa ảnh. Cuồn cuộn Long Vân thế hổ xà. Từng cánh mai hoa xếp lại mở ra, uyển chuyển nhịp nhàng, trắng muốt trên thân.
Cội mai già đã ngừng chuyển động, thoái bộ về cái dáng đứng nguyên sơ, tàng ẩn khí tiết và cốt cách phi thường của người quân tử. Tú Siêu lặng lẽ cài khuy áo. Đầu chàng lâng lâng. Lòng chàng rạo rực. Chàng cảm khái ngâm: Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa. Cả một đời ngạo nghễ chỉ biết bái lạy hoa mai như Chu Thần quả là hiếm có. Nhưng sống trên đời này ai không muốn được hóa thân làm mai, có khí tiết và cốt cách như mai.
***
Đang suy nghĩ miên man, Tú Siêu giật mình vì nghe tiếng ngựa hí. Tiếng hí xé toạc màn đêm, âm vang giữa đất trời. Chàng ngước nhìn xung quanh. Bốn bề lặng lẽ. Núi rừng đang ngủ yên dưới mưa trăng bàng bạc. Gần một tháng nay, người dân ở thôn Phú Lạc này đã nhiều lần nghe tiếng hí ấy. Tiếng hí vang động núi rừng. Âm thanh trầm hùng và đầy dũng khí khiển những kẻ yếu bóng vía phải kinh hồn. Đó đích thị là tiếng hí của Bạch Mã. Nó là con chiến mã lông trắng như tuyết, chân khỏe bụng thon, dáng đi hùng dũng. Dưới tiếng phi của Bạch Mã nghe như có tiếng trống dập dồn hối thúc các chiến binh quả cảm tiến lên. Và tiếng hí của Bạch Mã đã bao lần làm kẻ thù khiếp hãi. Đây là con chiến mã của Tây Sơn Đệ nhất Trại chủ Nguyễn Nhạc. Chiến mã đã đi cùng ông trong suốt cuộc hành trình vào Nam ra Bắc với dập dồn chiến công hiển hách và đưa ông lên ngôi Hoàng Đế. Ngày Thái Đức Hoàng Đế băng hà, Bạch Mã bứt dây cương chạy một hơi về Hoành Sơn cốt tiếng hí buồn bã, rồi biến mất giữa rừng xanh. Lạ quá. Bạch Mã đang muốn nhắn nhủ điều gì trong cái năm Ất Dậu này?
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Nghe như có hơi thở rất nhẹ và ấm nóng trên vai, Tú Siêu giật mình quay lại. Chàng kinh hãi. Bên cạnh chàng là Thần Mã của Thái Đức Hoàng Đế. Bạch Mã nhìn chàng trìu mến như muốn trao gửi một niềm tin. Chợt Bạch Mã nắm tay áo chàng. Rồi bay lên. Người chàng nhẹ hẫng. Phải. Chàng đang bay. Bay tới Hoành Sơn với Thần Bạch Mã. Không. Đó là Nghiên Sơn. Ở trên đỉnh ngọn núi nhỏ dưới Hoành Sơn ấy có một vũng nước trong suốt như pha lê và chưa bao giờ cạn. Người ta bảo đó là chiếc nghiên son trời ban để ghi lại những khoảnh khắc hào hùng của cái xứ địa linh nhân kiệt này. Và chàng đang đứng đây, bên chiếc nghiên son ấy. Nước như đang sôi. Hơi ấm lãng đãng như mây, níu trời gần thêm chút nữa. Và chưa kịp định thần, chưa kịp cảm nhận cái thời khắc lạ lùng ấy, chàng đã bị Bạch Mã hất xuống cái nghiên son hôi hổi nóng và ngào ngạt hương mai rừng.
Khóc trên án ngọc hồn non nước/ Cười dưới nghiên son cốt cách mai. Quan Chánh khảo Bùi Tiến Tiên ngồi trầm ngâm bên án thư. Trước mặt ông là chồng quyển của tám sĩ tử còn lại của kỳ thi Hương năm Ất Dậu tại Bình Định. Đây là kỳ thi Hương đặc biệt. Nó được tổ chức sớm hơn thường lệ và sớm hơn các trường thi khác. Vừa xong trường Ba thì nghe tin Kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi bôn đào. Hung tin như tiếng sét giữa trời quang. Trường thi tan tác. Sĩ tử các nơi ùn ùn bỏ về. Chỉ còn tám người là nán lại thi vòng cuối cùng. Bùi chánh khảo và Hội đồng thi quyết định vẫn tiếp tục tổ chức trường Tư dù lúc ấy trường thi đã vắng như chợ chiều. Và cả tám sĩ tử ấy đều xứng đáng là tám tân cử nhân của kỳ thi đầy biến động này.
Lẽ ra, Bùi Chánh khảo đã có thể nở một nụ cười mãn nguyện. Nhưng hình như trong ông còn nhiều trăn trở. Bùi Chánh khảo thở dài. Những biến động của non sông năm Giáp Thân, rồi sự biến Kinh thành năm Ất Dậu này khiến lòng ông đau đớn và ngao ngán. Và ông khóc. Nước mắt chảy ngược vào trong. Ông khóc cho nước nhà và cho bản thân ông. Ông cảm thấy mình bất lực trước cơ trời vận nước. Là sĩ phu, ai không muốn xẻ gan bẻ cật phù cương thường. Nhưng ái quốc trung quân như thế nào đây khi nước mất nhà tan, lòng người ly tán?
Một cơn gió từ dưới bến sông vỗ nhẹ vào cánh cửa, nghe lành lạnh sống lưng. Đột nhiên, ông nghe có tiếng ngựa hí, tiếng chân người bồn chồn sân trước. Ông nhìn ra khe cửa và giật mình kinh ngạc. Dưới nền trời đêm đỏ rừng rực như đang được nung bởi trăm ngàn ngọn đuốc, lừng lững một con chiến mã. Không. Đó là Thần Bạch Mã. Bạch Mã gõ gõ chân xuống nền sân bảy cái và nhìn ông như đang muốn nhắn nhủ điều chi ông chưa rõ. Rồi biến mất. Nền trời đỏ rực như lửa kia cũng biến mất, để lại cái bóng đêm đen ngòm sâu hun hút.
Bùi Chánh khảo chưa kịp hết bàng hoàng, chợt nghe có tiếng chân người phía sau lưng. Ông quay lại và một lần nữa giật mình kinh hãi. Bên án thư một bà lão mặt hiền từ như tiên đang lặng lẽ nhìn ông. Trên tay bà tiên ấy là một nhành mai rừng chỉ trổ một đóa, nhụy vàng như mật, cánh trắng muốt như tuyết và hương đưa dìu dịu. Bà lão ra dấu ban tặng cho quan Chánh khảo nhành mai rừng tuyệt đẹp ấy. Bùi Chánh khảo bước lên thi lễ và đưa hai tay nâng nhận. Lạ thay, khi hai tay Bùi Chánh khảo vừa chạm vào nhành mai quý ấy thì bông hoa chợt rời cành, nhẹ tênh như vừa được cắt ngọt xớt bằng một hơi thở rất nhẹ. Bông hoa la đà ba vòng trên không rồi lặng lẽ đậu vào nghiên son. Bà lão biến mất. Nhành mai rừng và bông hoa đẹp như một nụ cười mãn nguyện trên chiếc nghiên son kia cũng biến mất.
Bùi Chánh khảo giật mình thức giấc. Thì ra chỉ là giấc chiêm bao. Nhưng lạ thay, thư phòng vẫn còn thoang thoảng hương mai. Và như có một sức cám dỗ không cưỡng được, một sức hút vô hình, tay ông chợt đặt lên chồng quyển của tám tân cử nhân. Và không khó để ông chọn ra quyển của tân cử nhân thứ bảy vì ở đó hương mai còn nồng lắm. Quyển của Mai Cử nhân. Nét chữ phóng khoáng văn chương đầy khí phách. Bùi Chánh khảo mỉm cười. Phải rồi. Trời muốn ban cho đất này một người con anh hùng, cốt cách như mai.
Bùi Chánh khảo với tay lấy ấm trà tự rót thưởng cho mình một chung. Ấm trà ủ trong lớp xơ dừa còn hôi hổi nóng. Sợi trà trong veo như sương, mỏng tang như sợi chỉ và vàng óng như tơ. Một chút chát đắng hơi nồng nồng nơi đầu lưỡi, rồi cái ngọt rất dịu, rất thanh, rất ấm nơi cổ họng làm ông sảng khoái. Và lạ lùng thay, những tứ văn của Mai Cử nhân cứ hừng hực chảy trong từng huyết quản ông, len lỏi trong từng tế bào. Như xoa dịu. Như hối thúc. Rồi trong lúc giao thoa kỳ lạ ấy, Bùi Chánh khảo bỗng có một tứ thơ để đời cho tân cử nhân có cốt cách như mai.
Ông sang sảng ngâm: Sơn hà phong cảnh dị tiền niên/ Hoành giám du khan thử địa huyền/ Hận mãn xương môn trần ám ngoại/ Lệ linh văn viện bút đình biên/ Lịch triều giáo dục ôn như hải/ Bát giải thanh danh phẩm thị tiên/ Nhất dự y quan nan tự ủy/ Cương thường khán thử cổ anh hiền”. Bùi Chánh khảo chợt thấy nghèn nghẹn ở cổ, mằn mặn ở môi. Nước mất còn đâu. Không. Nước mất hay còn là ở đám sĩ phu.
Không giống như các tân khoa khi vinh quy bái tổ về làng với cân đai áo mão, với ngựa trước người sau, tiền hô hậu ủng, Tú Siêu - À không! Giờ đã là Cử nhân Mai Xuân Thưởng - lặng lẽ trở về làng Phú Lạc với bộ đồ thường nhật ông dùng khi đi cày. Mà lạ thay, cái làng nhỏ như cái bàn tay ấy lại đón ông bằng một cách chưa từng có. Nhà nhà đứng trước cửa. Già có. Trẻ có. Nam phụ lão ấu đủ cả. Làng đón Mai Cử nhân như đón đứa con vừa đi xa về. Lặng lẽ. Không ồn ào. Những cái nhìn trìu mến mà thành kính. Những cái vẫy tay thân mật mà đầy kiêu hãnh. Mai Cử nhân đáp lễ. Lòng thấy vui vui và đầy hàm ơn.
Mai Cử nhân thắp hương và khấn lạy trước bàn thờ gia tiên. Và không quên thành kính cảm ơn Thần Bạch Mã đã báo tiệp khi xô ông vào vũng nước trên đỉnh Nghiên Sơn. Làm trai phải có danh có phận dù ở thời bình hay đang thời loạn lạc. Phải. Và ông đã làm trọn vẹn lời nhắn nhủ ấy của Thần Bạch Mã. Nhưng sao lòng ông vẫn trĩu nặng tâm tư. Không lặng lẽ như lúc nghe xướng danh trên Bảng vàng hay bình thản như lúc được triều đình ban cân đai áo mão. “Nước mất hay còn là ở đám sĩ phu…”. Ông nghiêm cẩn nhận lời nhắn nhủ ấy của Bùi Chánh khảo mà lòng như xát muối. Đã làm trai thời ly loạn, nước mất nhà tan, sao phải khom lưng làm trâu ngựa? Sao không thể vung gươm giết giặc rửa hờn cho non nước? Hịch Cần Vương đã về miền đất Võ. Đào công... đã phát cờ tụ nghĩa. Hàng ngàn nghĩa sĩ đã đổ về đầu quân, khí thế ngất trời. Ngày Hội non sông đã điểm. Mọi người đang đợi Mai Cử nhân. Vậy ông còn đợi điều gì?
Chợt có tiếng ngựa hí rền vang, giục giã. Mai Cử nhân ngước nhìn lên Hoành Sơn. Dưới nền trời đỏ rực như lửa, con chiến mã oai phong cất tiếng hí liên hồi. Rồi bỗng nhiên Bạch Mã phi nước đại xuống Cổ Sơn. Vó ngựa dập dồn. Cổ Sơn như chiếc trống khổng lồ đặt giữa trời cao. Trống trận vang lên hùng hồn. Cả vùng rung chuyển như có hàng ngàn tiếng chân dũng sĩ. Mai Cử nhân đặt tay lên đốc kiếm. Ông không ngạc nhiên khi thấy mình đang đứng hiên ngang trên đỉnh Hoành Sơn, bên cạnh Thần Mã của Thái Đức Hoàng Đế. Thần Mã đã thay mặt tiền nhân gửi gắm nơi ông một niềm tin. Linh Sơn đã chọn ông làm người kế tục xứng đáng để gánh vác sứ mệnh non sông. Còn đợi gì nữa hỡi Mai anh hùng. Ông tuốt kiếm. Bách kiếm hóa nhất. Thiên kiếm hóa nhất. Vạn kiếm hóa nhất. Kiếm quang trùng trùng, cuồn cuộn như rồng bay. Kiếm hoa mềm mại, uyển chuyển như phụng múa. Trên đỉnh Hoành Sơn đêm ấy như đang bừng bừng nở một rừng mai trắng muốt.