Những nghệ sĩ trẻ yêu nghề
Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự NSND, NSƯT cho 77 NSND, 102 NSƯT có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa của dân tộc trên cả nước. Trong số này, tỉnh Bình Ðịnh có 2 nghệ sĩ được phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND; 6 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT.
Ngoài đạo diễn NSƯT Hoàng Ngọc Đình được phong tặng NSND, NSƯT Võ Thị Tuyết Mai được truy tặng NSND, còn có 6 nghệ sĩ của Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định và Đoàn tuồng Đào Tấn (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) được phong tặng NSƯT - những nghệ sĩ yêu nghề, cống hiến hết mình trên sân khấu tuồng và ca kịch bài chòi.
Vợ chồng NSƯT Dương Nữ Thùy Dung và NSƯT Nguyễn Phương Phú trong một vở diễn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ba nghệ sĩ vừa được phong tặng NSƯT của Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định, gồm: Nguyễn Phương Phú, Dương Nữ Thùy Dung, Phạm Văn Rõ (Hoài Tâm) đều là bạn học lớp dân ca bài chòi khóa V (2001 - 2004) của Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Bình Định, được nhận về Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định từ năm 2005.
Từ bạn học sau đến đồng nghiệp, rồi nên duyên vợ chồng, NSƯT Thùy Dung và NSƯT Phương Phú trở thành đôi bạn diễn rất ăn ý trên sân khấu ca kịch bài chòi. Nếu như Phương Phú có thế mạnh đóng vai kép chính diện, thì Thùy Dung không chỉ hợp vai đào mùi, đào bi, mà còn nhập vai tính cách để lại ấn tượng trong lòng khán giả qua các vai diễn: Tuyên phi Đặng Thị Huệ (vở Thanh gươm công lý), bà Mơ (vở Bộ cảnh phục)… Cặp đôi này cũng đoạt nhiều HCV cá nhân qua các vở diễn, như: Hồn tháp (2016), Chói rạng sơn hà (2019)…
“Việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được tỉnh Bình Định thực hiện đúng quy trình, quy định nhằm ghi nhận công sức của những nghệ sĩ đã cống hiến cho sân khấu nghệ thuật truyền thống. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi đang tham mưu UBND tỉnh ban hành “Đề án tuyển chọn, đào tạo lớp kế cận để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật tuồng, dân ca bài chòi” cũng như những chính sách hỗ trợ các nghệ sĩ để động viên, khích lệ tinh thần họ gắn bó với nghề”.
Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh
NSƯT Thùy Dung chia sẻ: “Ngoài nỗ lực của bản thân, tôi còn nhận được nhiều tình cảm, sự quan tâm từ lớp nghệ sĩ đàn anh, đàn chị, lãnh đạo Nhà hát, đặc biệt là sự tận tình dạy dỗ của vợ chồng NSND Hoài Huệ - NSND Hồ Thu, giúp tôi làm giàu vốn nghề. Không chỉ diễn xuất, tôi còn truyền vai cho các em diễn viên lớp kế cận để họ góp phần “giữ lửa” sân khấu ca kịch bài chòi”.
Còn NSƯT Hoài Tâm thì tâm sự: “Một vai diễn dù là lớn hay nhỏ, khi diễn phải chỉn chu. Một cái liếc mắt, chỉ tay, tuốt kiếm hay từng câu hát, lời thoại khi bật ra đều phải toát lên cảm xúc nội tâm của nhân vật”. Phát huy thế mạnh ấy, anh cũng đã gặt hái nhiều HCV cá nhân qua những vai chính trong các vở diễn: Huyền thoại về tiếng hát (2011), Khúc ca bi tráng (2013), Chói rạng sơn hà (2019)…
3 nghệ sĩ của Đoàn tuồng Đào Tấn được phong tặng danh hiệu NSƯT lần này là: Trần Thị Gái (Thu Thẳm), Mai Ngọc Nhân, Nguyễn Đức Thành (Tấn Thành). Họ thuộc lớp nghệ sĩ ở thế hệ đang kế cận thực hành di sản nghệ thuật tuồng.
NSƯT Nguyễn Đức Thành (bìa trái) diễn vai Trần Quang Diệu trong vở tuồng Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc. Ảnh: NGỌC NHUẬN
NSƯT Nguyễn Đức Thành (SN 1984) là người trẻ nhất trong 3 nghệ sĩ tuồng được nhận danh hiệu NSƯT. Anh công tác tại Đoàn tuồng Đào Tấn từ năm 2006, sở trường đóng kép rằn, kép xanh, kép xéo - những vai diễn đòi hỏi kết hợp nhiều động tác vũ đạo, bộ tịch trên sân khấu. Anh cũng đoạt nhiều HCV cá nhân trong các vở tuồng đi thi toàn quốc, như: Hồn Việt (2010), Nước non cửa Phật (2016), Sơn Hậu (2017)…
NSƯT Nguyễn Đức Thành bộc bạch: “Cũng như các đồng nghiệp được phong tặng danh hiệu NSƯT lần này, tôi thấy mình rất hạnh phúc, tự hào. Tôi phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để xứng với danh hiệu NSƯT. Tương lai còn dài, ngay từ bây giờ mình phải tích lũy làm giàu vốn nghề để sau này có thể nối tiếp các thế hệ nghệ sĩ đi trước truyền dạy lại lớp trẻ”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN