Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (15.11.1923 - 15.11.2023):
Văn Cao và một kỷ niệm với Quy Nhơn
Tháng 4.1985, vợ chồng Văn Cao được Tỉnh ủy Nghĩa Bình mời vào thăm Quy Nhơn - Nghĩa Bình. Trong dịp này, ông và Quy Nhơn có một kỷ niệm tuyệt đẹp qua 3 bài thơ viết riêng cho thành phố biển, đó là 3 bài thơ xứng đáng gọi là “để đời”: Quy Nhơn 1, Quy Nhơn 2 và Quy Nhơn 3.
Vợ chồng Văn Cao chơi ở Quy Nhơn rất vui. Sau khi được Tỉnh ủy Nghĩa Bình đón tiếp rất nồng hậu, vợ chồng Văn Cao tới nhà tôi ăn cơm. Một bữa cơm đạm bạc thôi, và nhà tôi khi ấy cũng không có bàn ghế ngồi ăn cơm. Khách và chủ nhà ngồi trên giường, chiếc giường đôi vợ chồng tôi giành cho hai đứa con nhỏ. Giường cho con ngủ, và cũng là giường để cả nhà ngồi ăn cơm.
Nhạc sĩ Văn Cao.
Vợ chồng Văn Cao không câu nệ, vui vẻ ngồi trên giường ăn bữa cơm trưa cùng chủ nhà, thức ăn có cá có thịt hẳn hoi, thức uống có rượu Bàu Đá và mấy chai bia Sài Gòn. Có bạn của gia đình tôi, cùng hai đứa em “xã hội” hay ở nhà tôi chỉ vì…vui. Và có rượu bia uống. Bữa cơm ấm áp tình anh em, rượu bia đưa cay cũng có lý. Vợ chồng bác Văn Cao rất hài lòng.
Hôm sau, theo dự kiến ban đầu chúng tôi muốn đưa vợ chồng Văn Cao ra đảo Cù Lao Xanh chơi cho thoáng. Nhưng buổi sáng trở bấc hơi nghịch, đang tháng Tư tự nhiên biển động. Đoàn chúng tôi đã đưa vợ chồng Văn Cao ra bãi biển để lên tàu cá chuẩn bị ra khơi, nhưng rồi nhìn biển động, các bạn tôi bảo trời này không đi được đâu. Nhưng trước khi về, Văn Cao và tôi chợt nhìn thấy và dừng lại hồi lâu ngắm mấy em bé con dân biển đang chơi đùa trên cát và anh thong thả trò chuyện với lũ trẻ. Ngày đó còn khổ lắm, trẻ con quần rách áo vá, quần nhau trên cát, và… cười sáng bãi cát. Chúng không hề biết người đàn ông vui vẻ, hiền lành đang trò chuyện với chúng chính là tác giả Quốc ca. Anh giản dị và hồn nhiên như chính bọn trẻ.
Ngay lúc về nhà, tôi ngồi vào máy chữ và viết được bài thơ nhỏ này, lấy tên là Bến cá cho nó dễ vào, câu thơ dễ chạy. Bài thơ ấy đây, đã viết tới nay tròn 38 năm rồi (1985 - 2023). Nhân vật chính trong bài thơ này không phải anh Văn, mà là đám trẻ con nhà chài lưới. Các em bé nhà nghèo ấy đã ám ảnh bác Văn Cao và tôi. Tôi viết và đề tặng bài thơ cho Văn Cao, để ghi nhớ buổi sáng trên bãi cát và chuyến đi biển không thành ấy. Xin trình bạn đọc:
Bến cá
Yêu quý tặng anh Văn Cao
Các em lem luốc như bến cá
buổi sáng trở bấc
chim yến biển xanh núi mờ xa các thứ
ớn lắm rồi
chỉ còn các em
quần đùi áo rách mặt mày đen nhẻm
cười sáng bãi cát
nồm và bấc dậy lên từ các em
biển dời vào đây
giữa chúng ta
là hai bờ không thấy được
tôi áo quần tinh tươm giả danh
du khách
toan vượt biên thân phận mình
các em
lem luốc niềm vui lóng lánh vẩy cá
tháng 4/1985
Thực ra thì người lớn chúng tôi không phải “áo quần tinh tươm” để “vượt biên”, mà đơn giản hơn, là tính ra biển tới đảo Cù lao Xanh chơi thôi. Nhưng không đi được. Vì thế, trang phục của chúng tôi như có gì khác lạ với đám trẻ con “quần đùi áo rách mặt mày đen nhẻm” đang chơi đùa trên bãi cát. Chúng tôi có đôi chút khác biệt với bọn trẻ, nhưng Văn Cao thì không; anh cực kỳ hồn nhiên và hoàn toàn đồng cảm với những em bé nghèo khổ ấy. Và tôi gọi đó là một nét nhân cách của thiên tài.
THANH THẢO