Ðặc sản Bình Ðịnh, xưa và nay
Nhắc đến Bình Ðịnh người ta không chỉ nói đến vùng đất có nhiều di sản văn hóa, danh thắng nổi tiếng mà còn có nhiều đặc sản trứ danh gắn với những mỹ từ sản vật “tiến vua” xưa kia được triều đình quy định tiến cống được ghi chép qua sử sách.
Bát trân là tên gọi của 8 món ăn dành cho vua chúa ngày xưa; trong đó có yến sào - món ăn được chế biến từ tổ chim yến. Trong sách Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn viết về sản vật yến sào ở Bình Định như sau: “Phủ Quy Nhơn có các cửa biển Tân Quan, Thời Phú, Nước Ngọt, Nước Mặn đều có nhiều đảo, nhiều yến sào, lập đội Thanh Châu để lấy”. Đến thế kỷ XIX, sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) phần tỉnh Bình Định cũng ghi chép: “Yến sào sản ở các đảo ngoài biển, có thuế, hàng năm mỗi người phải nộp 10 cân”.
Yến sào chưng với đường phèn, táo đỏ, long nhãn là món ngon bổ dưỡng. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Các hang yến ở Bình Định tập trung ven biển xã Nhơn Lý, Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) dọc dãy núi Phương Mai có nhiều hang động vách đá cheo leo, hiểm trở, ăn sâu vào núi, như hang Cả, hang Đôi, hang Yến… là nơi loài chim yến làm tổ và sinh sản. Yến sào là đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao, giờ đây phổ biến và được người tiêu dùng ưa chuộng. Thị trường hiện có 2 loại, gồm: Tổ yến thiên nhiên khai thác từ các hang yến và tổ yến nuôi thu hoạch từ các nhà yến nhân tạo thu hút chim yến về làm tổ. Tổ yến sau khi được sơ chế có thể chế biến thành nhiều món bổ dưỡng, như: Yến sào chưng đường phèn; yến sào chưng với táo đỏ, hạt sen, long nhãn; cháo tổ yến…
Từ vùng biển Quy Nhơn, ta lại về Phù Mỹ thưởng thức một đặc sản “tiến vua” khác, đó là cá chình đầm Châu Trúc. Trong mục nói về sản vật huyện Phù Mỹ, sách Đồng Khánh dư địa chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) chép: “Ao đầm các thôn Thanh Thủy, Phú Lộc, Chu Giang, Trúc Cương có mạn lệ ngư (tức cá chình) có lệ cống”.
Chình mun đầm Châu Trúc là đặc sản nổi tiếng. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ở đầm Châu Trúc có cả hai loại chình bông và chình mun. Cá chình bông nhỏ con, da màu nâu sáng có nhiều đốm sẫm, còn chình mun to con, da đen láng bóng. Chình mun có giá trị kinh tế cao hơn chình bông; thân cá có lớp da đen bóng loáng nhìn giống gỗ mun, nên dân gian đặt cho cái tên chình mun. Chình mun được đánh bắt tự nhiên trong đầm, mấy năm gần đây người dân ở quanh đầm nuôi chình mun thương phẩm, cung cấp thị trường trên cả nước. Chình mun giờ đã trở thành món ăn nổi tiếng được chế biến thành nhiều món, như: Chình um, chình kho sả ớt, chình nướng… phục vụ du khách khi về Phù Mỹ.
Liên quan đến sản vật Bình Định “tiến vua” không thể không nhắc đến bún song thằn, vốn được sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép là sản vật ở huyện Tuy Viễn. Làng An Thái, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) nơi nổi tiếng với nghề làm bún song thằn (một số người còn gọi là song thần), nghề này còn được lưu truyền tới nay.
Món bún song thằn xào với mề gà, tôm. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nhiều thư tịch cổ ghi danh loại bún này là “đậu tuyến” (nghĩa là sợi dây đậu), còn song thằn nghĩa là hai sợi dây chạy song song. Thời xưa, các quan lại địa phương lai kinh vào chầu vua thường mang theo bún song thằn dâng lên vua, nên còn gọi là bún tiến vua. Bún song thằn được làm từ đậu xanh, trải qua nhiều công đoạn khác nhau cho ra sản phẩm bún khô có sợi màu trắng, khi chế biến sợi bún chuyển màu trong hơn. Bún song thằn hiện là một món đặc sản xứ Nẫu nổi tiếng, được nhiều du khách ưa chuộng mua làm quà biếu. Bún song thằn có thể chế biến nhiều món khác nhau dùng trong bữa ăn hằng ngày, như: Xào bún với mề gà, thịt bò, tôm, mực; nấu bún với thịt bò, gà, chả cá để ăn như phở, nhưng hương vị rất thơm ngon, lạ miệng.
***
Ngoài những đặc sản kể trên, vùng đất Bình Định còn nhiều sản vật “tiến vua” khác được sử sách ghi chép, như quả dừa ở Hoài Nhơn, quả xoài ở Phù Cát… Ngày nay, những món đặc sản của Bình Định dần góp mặt phục vụ du lịch, bởi nó chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa của đất và người Bình Định, đã dần lan tỏa rộng rãi được du khách trong và ngoài nước biết đến.
ĐOAN NGỌC