Vì cộng đồng tốt đẹp hơn
13 năm gắn bó với công tác Mặt trận tại địa phương, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Xuân Phương (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) đã góp phần xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa bàn đặc thù - đông giáo dân.
“Cầu nối” ý đảng - lòng dân
Thôn Xuân Phương nằm ở phía Tây đầm Thị Nại, có địa bàn rộng, đông dân cư với 5 xóm, 951 hộ, hơn 4.200 nhân khẩu. Đây cũng là địa bàn đặc thù khi có 2 giáo xứ, 1 tu viện, 1 nhà chung và 1 chùa; 70% hộ dân là giáo dân, 10% là phật tử. Song, nhiều năm qua, thôn Xuân Phương luôn là một trong những địa phương đi đầu trong nhiều phong trào, hoạt động.
● Nhiều người cho rằng, với một địa bàn đặc thù như vậy, người làm công tác tại cơ sở sẽ gặp không ít khó khăn…
- Tôi lại không nghĩ vậy! 10 năm trước, khi nhận nhiệm vụ làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận của thôn, tôi lại thấy khó khăn chủ yếu nằm ở bản thân mình. Tôi tự thấy năng lực mình còn yếu, trình độ học vấn cũng không cao, kinh nghiệm cũng không có.
Còn về đặc thù đông giáo dân, tôi nghĩ đây là một điểm thuận lợi khi tôi cũng là một giáo dân. Khi cùng tín ngưỡng, cùng đức tin, hiểu về tôn giáo, tôi sẽ thuận lợi hơn trong việc tuyên truyền, vận động bà con.
● Ông đã khắc phục những khó khăn của riêng mình như thế nào?
- Thời gian đầu, khó khăn nhất đối với tôi là tiếp cận các nghị quyết, văn bản chính sách, pháp luật. Tôi đã cố gắng mày mò, học hỏi những người chung nhiệm vụ ở các thôn khác, thực hiện theo sự hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ Mặt trận cấp trên.
Nắm được tinh thần của nghị quyết, các cuộc vận động, phong trào, các chính sách, tôi bắt đầu chọn cách nói cho bà con dễ nghe, dễ hiểu; phải thật mềm mỏng, khéo léo. Với bà con nhân dân thì nói khác; với linh mục, sư thầy lại phải khác. Nhưng tựu chung lại là phải thể hiện được sự tôn trọng, chân thành, vì cái chung, vì những điều tốt đẹp hơn cho cộng đồng.
Cứ như vậy, năm sau, tôi lại trưởng thành và dạn dày kinh nghiệm hơn năm trước.
● Tham gia công tác tại địa phương hơn chục năm, ông thấy tự hào nhất về điều gì?
- Có lẽ là sự phát triển đi lên của quê hương, diện mạo xóm làng ngày một khang trang. Để có được kết quả ấy, cùng với cấp ủy, ban nhân dân thôn, tôi tham gia vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới với phương châm “Lấy sức dân để xây dựng cuộc sống cho dân”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Giai đoạn 2019 - 2023, tôi cùng Tổ phát triển nông thôn mới của thôn vận động nhân dân đóng góp hàng trăm triệu đồng, tự nguyện hiến 560 m2 đất, 420 m hàng rào và nhiều cây trồng khác để làm đường bê tông. Để “thắp sáng đường quê”, bà con quê tôi đã đóng góp hơn 2.750 m dây điện, 205 bóng điện…
Chúng tôi cũng phối hợp với Ban hành giáo Giáo xứ Gò Thị - Xuân Phương vận động chức sắc, nhà tu hành và đồng bào có đạo tham gia làm sạch môi trường nơi công cộng như nhà thờ, nhà chung, tu viện, trường học, đường làng, ngõ xóm.
● Những con số trên nghe qua có phần hơi khô khan, song chắc chắn đằng sau đó là rất nhiều nỗ lực…
- Tôi còn nhớ, năm 2017, khi triển khai xây dựng đường bê tông vào xóm 9, chúng tôi chia nhau đi vận động bà con hiến đất để mở rộng đường. Đường xóm 9 ngày đó hẹp lắm, có đoạn chỉ hơn 1 m. Để đủ 3 m làm đường, bà con phải dời hàng rào, chặt cây. Bên cạnh bộ phận lớn ủng hộ, sẵn sàng hiến đất, một bộ phận nhỏ cũng lưng chừng lắm.
Ông Nguyễn Văn Minh và bà con xóm 9 đi lại trên tuyến đường liên thôn từ Xuân Phương qua thôn Dương Thiện mới hoàn thành trong năm 2023. Ảnh: N.M
Tôi và nhiều cán bộ thôn, xã đến từng nhà. Mình chọn nói về tầm quan trọng của điện, đường, trường, trạm, về những đổi thay tươi sáng nếu con đường rộng rãi, thông thoáng, cứng cáp được hình thành. Mình nói từ những chuyện nhỏ nhất như: Con cháu đi học về sẽ không lấm lem, chuyện giỗ chạp, đám hỏi đám cưới sẽ thuận tiện ra sao… đến những chuyện to lớn hơn như giá trị của đất đai khi có con đường mới. Từ đó, bà con phấn khởi, chấp nhận thiệt thòi đôi chút để xóm làng đi lên.
Tận tình, sâu sát
Là Tổ trưởng tổ hòa giải của thôn, 5 năm qua, ông Minh và các thành viên đã hòa giải thành công 18/21 vụ, đạt tỷ lệ 85,7%.
● Để có kết quả đó, ông có bí quyết gì?
- Để có thể nói cho bà con hiểu, chịu gạt đi hiềm khích, nhường nhau để giữ lấy tình làng, nghĩa xóm, trước hết, mình phải là người gần gũi, sâu sát, nắm bắt được hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của họ. Cùng với đó, cần tận dụng sức mạnh của gia đình, dòng họ, tranh thủ thêm tiếng nói đầy trọng lượng, uy tín của các vị chức sắc, chức việc…
● Năm 2022, Dự án Đường ven biển tỉnh, đoạn Cát Tiến - Diêm Vân đi ngang qua địa bàn thôn Xuân Phương. Song, nơi đây không xảy ra kiện cáo, cưỡng chế. Sự đồng thuận này đến từ đâu?
- Khác với nhiều năm trước, ở thời điểm hiện tại, với những con đường lớn đã mở và tác động của nó đến đời sống, kinh tế, bà con thôn Xuân Phương đã nhận ra tác động tích cực của các dự án giao thông. Vì vậy, việc vận động di dời, tháo dỡ có phần thuận lợi hơn. Điều cần thiết là người đi vận động phải nói sao cho có lý có tình, có tính chia sẻ với bà con.
Dự án Đường ven biển tỉnh đã ảnh hưởng đến nhà ở, đất canh tác, đời sống của nhân dân. Có cụ ông 80 tuổi rơi nước mắt, nuối tiếc nơi mình đã gắn bó gần trọn đời người. Mình hiểu từng trường hợp như vậy thì sẽ kịp thời động viên, đồng hành để bà con luôn cảm thấy được sẻ chia. Cùng với chính sách đền bù thỏa đáng, sự đồng thuận sẽ lan tỏa.
● Ông có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ trên hành trình “vác tù và hàng tổng”?
- Trong “nhật ký” làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn, tôi nhớ nhất những tháng ngày xảy ra đại dịch Covid-19. Mình đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền thực hiện các quy định phòng, chống dịch, tạm dừng tập trung đông người, tạm dừng đi thánh lễ; vận động đóng góp quỹ phòng, chống dịch, vận động đi tiêm ngừa vắc-xin; không kể ngày đêm túc trực tại các chốt… Những ngày tháng đó đã đi vào lịch sử; đáng mừng nhất là thôn Xuân Phương không có người nào chết do đại dịch.
Kính chúa và yêu nước
Những năm qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo”.
● Gia đình ông đã thực hiện phong trào này như thế nào?
- Tôi thường nói với các thành viên trong gia đình: Nếu nhà mình “lọ lem” thì tôi khó nói cho ai nghe được. 4 người con của tôi không quá nổi trội, nhưng đều sống trong khuôn khổ pháp luật, nỗ lực học hành đến nơi đến chốn, chăm chỉ lao động, gầy dựng gia đình, sự nghiệp. Đối với các phong trào, hoạt động của địa phương, gia đình đều đóng góp, tham gia đầy đủ.
● Theo ông, đâu là sự giao thoa giữa một công dân tốt và một giáo dân tốt?
- Tôi tin một người giáo dân tốt cũng là một công dân tốt. Người giáo dân là con chiên ngoan đạo, phải kính Chúa, yêu thương mọi người. Là công dân cần tuân thủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước, quy định của pháp luật. Một cán bộ Mặt trận cấp thôn cần thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong việc chủ trì hiệp thương, phối hợp với các chi hội, đoàn thể và người có uy tín, cá nhân tiêu biểu trong thôn để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được quy định.
Sự giao thoa của tất cả những vị trí này chính là trách nhiệm và tình yêu thương. Dù nhân vô thập toàn, nhưng tôi luôn cố gắng giữ gìn điều này, lấy đây làm “gốc rễ” để từng bước hoàn thành được các nhiệm vụ.
● Xin cảm ơn ông, chúc ông thật nhiều sức khỏe!
NGUYỄN MUỘI (Thực hiện)