Khát vọng sống “nở hoa”
Nguyễn Tiến Hữu (SN 1999, ở xã Hoài Hải, TX Hoài Nhơn) là một trong hai thanh niên khuyết tật của tỉnh được tuyên dương tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Công ty TNHH TCP Việt Nam phối hợp tổ chức cuối tháng 11 vừa qua. Bằng nghị lực sống phi thường và luôn gắng sức giúp đỡ người khó khăn, Hữu khiến nhiều người khâm phục.
Vượt lên số phận
Mồ côi cha từ thuở lọt lòng, lại gặp biến cố gãy xương cổ khi vừa tròn 2 tháng tuổi khiến miệng Hữu bị méo, phát âm khó khăn. Hai tay, hai chân của Hữu cũng co quắp, phải di chuyển bằng xe lăn. Tuy vậy, Hữu vẫn cố gắng tự học chữ, học nghề, bán vé số, sửa chữa đồ điện tử để nuôi bản thân và phụ giúp gia đình.
Hữu nhận bằng khen tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023. Ảnh: NVCC
● Mất bao lâu để bạn chấp nhận rằng bản thân mình thiệt thòi về thể chất hơn những người khác?
- Tôi nhận thức được sự khác biệt của bản thân so với các bạn đồng trang lứa từ khi còn nhỏ. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đợi đến khi mình đủ tuổi sẽ được đến trường. Chỉ đến khoảng 12 tuổi, tôi thấy các bạn quanh nhà đều đi học mà mình phải ở nhà, tôi mới ngờ ngợ. Đem thắc mắc của mình hỏi mẹ, mẹ trả lời rằng vì sức khỏe của tôi không đảm bảo nên không thể đi học. Thay vào đó, tôi nên chấp nhận số phận và học tập theo cách khác hơn các bạn đôi chút.
Cảm giác lúc ấy rất khó tả. Trong tâm trí non nớt của một đứa trẻ, không được học tập và chơi đùa với các bạn là một điều thật khó hiểu. Tôi thất vọng, tủi thân và xen cả nỗi buồn bã, nhất là khi bị các bạn trêu chọc. Càng lớn, tôi càng sợ là gánh nặng của gia đình nên đã cố gắng rất nhiều trong sinh hoạt hằng ngày. Lâu dần, tôi chấp nhận khiếm khuyết của mình. Tôi hiểu rằng mình không chọn được cơ thể nhưng được chọn cách sống tích cực, có ích.
● Vậy Hữu đã đối mặt với nỗi sợ ấy như thế nào?
- Tôi may mắn vì trí tuệ vẫn phát triển bình thường, chỉ là vận động, nói năng bất tiện. Do vậy, tôi quyết tâm học tập và làm việc, lao động để kiếm tiền. Đầu tiên, tôi nhờ mẹ mượn vở của các bạn trong xóm về để tự học, cùng với sự chỉ dẫn của cậu ruột, tôi đã biết viết, biết đọc. Ngoài ra, tôi tự mày mò các thiết bị điện tử, lên mạng tìm hiểu kỹ để nhận sửa chữa, kiếm thêm thu nhập.
Song song với đó, tôi quyết định rong ruổi trên chiếc xe lăn nhỏ do chính quyền và nhà hảo tâm tặng để đi bán vé số trong xã và vùng lân cận. Trời nắng mấy tôi cũng không ngại, nhưng sợ nhất là khi trời mưa. Dù đã cố gắng tập mặc áo mưa thật nhanh, nhưng tay chân tôi lóng ngóng nên vẫn bị ướt. Thế nhưng, tôi vẫn vui vì kiếm được một số tiền nho nhỏ đủ để nuôi bản thân, thay vì phụ thuộc vào mẹ và em trai.
Nguyễn Tiến Hữu (thứ 4 từ trái sang) hạnh phúc khi được giao lưu với những người đồng cảnh ngộ tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023. Ảnh: NVCC
Thiện nguyện bằng cả tấm lòng
Điều đáng quý ở Hữu là tấm lòng sẵn sàng chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn. Người khỏe mạnh làm thiện nguyện đã khó, người khuyết tật như Hữu còn vất vả hơn. Không màng rào cản thể chất, chàng trai trẻ vẫn hăng hái với hành trình lan tỏa việc tử tế, “thương người như thể thương thân”.
● Với những rào cản thể chất nói trên, làm thế nào để bạn nắm bắt kêu gọi nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn?
- Khi đi bán vé số, tôi tranh thủ nghe ngóng xem ở đó có hoàn cảnh nào đang cần giúp đỡ, hoặc khi ở địa phương xảy ra vụ tai nạn, có người dân nào khó khăn cần được hỗ trợ không. Sau đó, tôi hỏi thăm thêm từ chính quyền địa phương để xác minh rồi chụp hình, viết bài trên Facebook kêu gọi nhà hảo tâm đóng góp, liệt kê chi tiết từng khoản để mọi người tin tưởng.
Ngoài ra, tôi còn ghé từng nhà trong xã, trình bày từng hoàn cảnh và nhờ hàng xóm láng giềng cùng chung tay. Thấy tôi chịu khó di chuyển, người dân cũng thương và nhiệt tình đóng góp. Riêng bản thân, tôi cũng đem số tiền kiếm được từ việc sửa chữa đồ điện tử góp thêm vào để có thêm chi phí giúp đỡ người khó khăn.
● Chắc hẳn khi làm thiện nguyện, bạn có rất nhiều niềm vui và kỷ niệm đẹp?
- Tôi nhớ rõ, chương trình “Xuân yêu thương” do Đoàn Thanh niên xã tổ chức cuối năm 2022 là lần đầu tiên tôi huy động thành công một ít tiền để tặng quà cho trẻ khuyết tật và người lớn tuổi. Tuy chỉ được 3,8 triệu đồng nhưng việc tự mình giúp đỡ được người khác một cách cụ thể cổ vũ tôi rất nhiều. Sau lần ấy, tôi quyết tâm thành lập CLB Thiện nguyện Ngọc Hữu và rất hạnh phúc khi mong muốn ấy thành hiện thực vào tháng 4.2023. Đến nay, CLB đã giúp đỡ hơn 30 lượt người khó khăn, với tổng trị giá khoảng 80 triệu đồng.
Xuyên suốt trước và sau khi thành lập CLB, tôi đều đến từng nhà trao quà, dù đi lại khó khăn, ngay cả việc mang dép, cởi dép cũng cần dùng sức rất nhiều. Do vậy, mỗi chuyến thăm kéo dài khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ là chuyện hết sức bình thường. May mắn rằng Đoàn Thanh niên xã luôn hỗ trợ và đồng hành cùng tôi nên việc di chuyển cũng thuận lợi hơn.
Theo thời gian, những kỷ niệm đẹp ngày càng nhiều hơn, tiếp thêm động lực để tôi tiếp tục thực hiện những chương trình thiện nguyện ở địa phương mà không thấy vất vả, mệt mỏi.
Hạnh phúc khi được thấu hiểu
Mang theo tâm trạng hồi hộp xen lẫn phấn khởi vì được vinh danh tại chương trình dành cho thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc, Hữu đã có khoảng thời gian đáng nhớ khi gặp gỡ, trò chuyện với người đồng cảnh ngộ, cổ vũ nhau tiếp tục cố gắng sống tích cực, có ích với xã hội.
● Trong 3 ngày diễn ra chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”, điều gì để lại dấu ấn đậm nét nhất trong lòng bạn?
- Trước hết, có rất nhiều “lần đầu” của tôi gắn với chương trình này. Lần đầu tiên tôi di chuyển bằng máy bay, lần đầu tiên tôi được giao lưu với nhiều anh chị em khuyết tật trong cả nước và lần đầu tiên tôi có cảm giác hạnh phúc khi được thấu hiểu bởi những người đồng cảnh ngộ.
Ngày thường tôi rất khó để diễn đạt trọn vẹn một ý nào đó, nhưng tại cuộc gặp gỡ tôi không cần cố gắng nhiều. Chúng tôi dễ dàng trò chuyện, chia sẻ những gì bản thân đã, đang và sẽ làm mà quên đi nỗi tự ti vốn gắn liền với rào cản thể chất. Chúng tôi không quên trao đổi địa chỉ liên lạc, tài khoản mạng xã hội để tiện hỗ trợ nhau. Ai cũng vui vì tìm được cảm giác gần gũi, đồng cảm nên mong muốn gắn bó với nhau nhiều hơn trong cuộc sống, chứ không chỉ gặp gỡ vài ngày ngắn ngủi.
Với tôi, chương trình là dấu mốc đáng nhớ, để lại những câu chuyện xúc động, giúp tôi mở ra nhiều suy nghĩ, dự định trong tương lai.
● Bạn có thể tiết lộ đôi chút về những dự định ấy không?
- Tại chương trình, chúng tôi dành nhiều thời gian trò chuyện. Khi ấy, một số người bạn khuyết tật đã gợi ý tôi thử bán hàng online. Các kỹ năng cần thiết như tìm hiểu nguồn hàng, thị trường, viết bài giới thiệu… đều có thể học được. Hơn nữa, hình thức kinh doanh này ngày càng phổ biến, người khuyết tật cũng có thể thực hiện.
Tôi suy nghĩ mãi về điều này. Sau khi trao đổi với gia đình, tôi đang lên kế hoạch để kinh doanh mặt hàng nước mắm truyền thống Hoài Hải. Tôi yêu quê hương và mùi vị đặc trưng của vùng đất nơi mình sinh ra, nên mong muốn đưa sản phẩm này đến với bạn bè gần xa. Tuy nhiên, để hiện thực hóa dự định này, tôi cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng, nhất là khâu trau dồi kỹ năng, kiến thức về mua bán trên nền tảng số.
Bên cạnh mục đích có thêm thu nhập, thông qua việc kinh doanh, tôi mong muốn sẽ xây dựng một nguồn quỹ để tiếp tục nguyện vọng được giúp nhiều người hơn. Tôi nghĩ, đồng tiền sẽ trở nên ý nghĩa hơn nhiều nếu được đến tận tay người cần, giúp cuộc sống của họ bớt khó, bớt khổ.
● Cảm ơn Hữu! Chúc bạn luôn khỏe mạnh và thuận lợi thực hiện các dự định trong tương lai!
DƯƠNG LINH (Thực hiện)