Thượng tá Nguyễn Ðức Thệ: Có trách nhiệm, có khát khao cống hiến sẽ trở thành người có ích
Giỏi “nghề” bộ đội và có duyên với nghiệp giáo là những lời ngợi khen mà cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh dành cho thượng tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Ðức Thệ (SN 1971, nhân viên Ban Quân lực, Ban CHQS TP Quy Nhơn). Còn anh Thệ thì khiêm tốn chia sẻ rằng dù ở vị trí nào, chỉ cần có tấm lòng, có trách nhiệm, có khát khao cống hiến đều trở thành người có ích.
Tâm huyết, sáng tạo
Với tâm huyết, trách nhiệm và sáng tạo trong công tác, anh Thệ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, anh đã đầu tư nhiều công sức, trí tuệ để cho ra đời những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có hàm lượng khoa học cao, được ứng dụng rộng rãi, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ của Ban CHQS TP Quy Nhơn nói riêng và LLVT tỉnh nói chung.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tặng hoa, biểu trưng tuyên dương thượng tá Nguyễn Đức Thệ là điển hình tiên tiến tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2022. Ảnh: H.P
● Động viên - tuyển quân là một mảng khó, nhưng hơn 30 năm qua anh vẫn cáng đáng tốt...
- Tôi luôn làm hết việc chứ không hết giờ. Phải chịu khó nắm vững các văn bản hướng dẫn của cấp trên; tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của đồng chí, đồng đội để tìm ra phương pháp, cách thức tiến hành đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất.
Tôi tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy đơn vị mời đại diện đơn vị nhận quân về phường, xã dự lễ giao nhận lệnh gọi nhập ngũ, kết hợp tuyên truyền về truyền thống, đặc điểm của đơn vị, địa bàn đóng quân, giúp thanh niên thêm yên tâm, phấn khởi lên đường. Đối với mảng quản lý quân dự bị, tôi thường xuyên cùng bộ phận quân lực đến từng địa bàn, nắm thực tế từng đối tượng, đối chiếu với số lượng đăng ký, không để xảy ra tình trạng “quân số trên giấy”.
Trong công tác tuyển sinh quân sự, tôi cũng luôn cố gắng hướng dẫn tỉ mỉ, tư vấn nhiệt tình, định hướng cho các em đăng ký dự thi theo các môn học sở trường, phù hợp với tiêu chuẩn sức khỏe.
● Được biết, anh còn chủ động áp dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn?
- Tôi vừa làm vừa tự tìm tòi, nghiên cứu, soạn thảo gần 30 biểu mẫu phục vụ công tác tuyển quân, động viên. Các biểu mẫu này được dùng để quản lý thực lực, phân diện đối tượng xét duyệt chính trị hai cấp (phường, xã và thành phố); tổng hợp, phân loại chất lượng thanh niên đã khám, thanh niên nhập ngũ; bảng tính tổng hợp số lượng, chất lượng quân nhân dự bị (như độ tuổi, cấp bậc…) trên toàn thành phố.
Các biểu mẫu này đã giúp hệ thống tài liệu, sổ sách được quản lý chặt chẽ, lưu trữ khoa học, sắp xếp theo quy trình dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Giúp lãnh đạo, chỉ huy đơn vị có cơ sở phân tích, đánh giá thực lực quân nhân dự bị đang quản lý, khả năng hoàn thành nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của đội ngũ này, từ đó đề ra chủ trương, biện pháp chỉ đạo sát, đúng. Qua các đợt kiểm tra, Quân khu 5 và Bộ CHQS tỉnh luôn đánh giá cao cách làm này của tôi và đã điều chỉnh, bổ sung để áp dụng trong toàn LLVT tỉnh.
● Bằng việc tự học và kinh nghiệm trong công tác, được biết anh còn có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật thiết thực khác…
- Đến nay, tôi đã thực hiện được 11 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; trong đó 8 sản phẩm đạt giải cấp tỉnh, 4 sản phẩm đạt giải cấp Quân khu, 1 sản phẩm đạt giải B cấp Bộ. Đơn cử có thể kể ra như: “Máy bia tạo giả sóng gió huấn luyện kỹ thuật bờ bắn biển”, “Thiết bị bia ẩn hiện”, “Chương trình quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự”, “Thiết bị thu năng lượng mặt trời dùng khi dã ngoại”...
Thượng tá Nguyễn Đức Thệ (bìa trái) trình bày sáng kiến “Thiết bị thu năng lượng mặt trời dùng khi dã ngoại” đã được áp dụng rộng rãi tại đơn vị. Ảnh: H.P
Thầy giáo nghiệp dư
Hằng ngày, ngôi nhà nhỏ nằm khuất ở hẻm Đô Đốc Bảo (phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) của thượng tá Nguyễn Đức Thệ luôn rộn vang âm thanh luyện đọc của các em nhỏ theo học tiếng Anh. Lớp học ấy do chính anh trực tiếp đứng lớp. Đến nay, có hơn 300 học sinh là con em cán bộ quân đội và người dân trên địa bàn được anh giảng dạy miễn phí.
● Cơ duyên nào khiến anh gắn với “nghiệp giáo”?
- Năm 1992, tôi được chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp về công tác tại Ban CHQS TP Quy Nhơn. Sau đó, tôi tranh thủ thời gian ngoài giờ và tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng. Giai đoạn này, các cơ quan trong LLVT tỉnh cũng phát triển mạnh phong trào phổ cập tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu công tác quân sự, quốc phòng. Từ việc dạy cho cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị, nhiều đồng nghiệp đã nhờ tôi dạy kèm cho con cháu. Lúc đầu còn do dự, nhưng hiểu với hoàn cảnh đồng đội, đồng lương hạn hẹp, chẳng đủ để gửi con đi học tại các trung tâm, tôi nhận lời.
Lớp học đầu tiên thành công ngoài mong đợi, kết quả học tập môn tiếng Anh các cháu đều đạt khá, giỏi. Trong đó có 6 cháu đỗ đại học. Tiếng lành đồn xa, biết tôi “mát tay”, nhiều đồng đội gửi gắm con cái cho tôi dạy nhiều hơn, không chỉ trong TP Quy Nhơn mà cả các huyện lân cận. Từ đó, tôi có thêm nghề thứ hai là nghề giáo.
● Lớp học của anh hẳn có nhiều thú vị...
- Tôi không được đào tạo sư phạm chính quy để được đứng lớp, nhưng tôi quan niệm rằng dù phụ huynh quan tâm đến con mình nhiều cỡ nào thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ tạo điều kiện thuận lợi, còn người thầy mới thực sự giúp các em yêu thích việc học và tiếp nhận kiến thức cần thiết. Vì vậy, tôi tự trang bị cho mình nền tảng kiến thức thật vững chắc để biết cách “lật xuôi lật ngược” vấn đề, tạo hứng thú cho học sinh. Quá trình dạy, tôi luôn hướng tới sự trực quan, học đi đôi với hành để trang bị cho các em những kiến thức thực tế nhất.
Đến giờ nhìn lại, niềm vui lớn nhất của tôi là có nhiều thế hệ học trò đã trở thành những quân nhân hay giảng viên thành đạt, cống hiến, phục vụ quê hương.
Kỷ niệm theo suốt đời
Một ngày cuối tháng 4.2014, Đại tướng Phùng Quang Thanh (khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) sau khi xem phóng sự “Người thầy mặc áo lính” với nhân vật chính là quân nhân Nguyễn Đức Thệ đã gọi ngay cho Bộ Tư lệnh Quân khu 5 hỏi thêm thông tin và yêu cầu viết báo cáo tóm tắt thành tích. Một tuần sau, ngày 27.4.2014, Bộ trưởng có bút phê yêu cầu Bộ Tư lệnh Quân khu 5 làm thủ tục đề nghị Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và thăng quân hàm trung tá quân nhân chuyên nghiệp cho đồng chí Nguyễn Đức Thệ trước thời hạn.
● Nhận được tin anh có bất ngờ?
- Tôi đang ở nhà thì nhận được điện thoại của Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, yêu cầu tôi khẩn trương viết báo cáo thành tích để gửi Bộ Tư lệnh Quân khu 5 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nghe đến đây, tôi rất ngỡ ngàng vì nghĩ rằng mình chỉ là một quân nhân bình thường, làm sao có được vinh dự ấy. Sau đó tôi cố gắng làm thật chỉnh chu báo cáo. Các cơ quan liên quan cũng nhanh chóng xem xét và thực hiện các quyết định khen thưởng theo chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng.
● Anh làm gì để cân bằng công việc chuyên môn, hoạt động xã hội và gia đình?
- Không có nghề nghiệp nào mà một bước tới thành công. Tôi cũng không trông đợi mình bỏ công sức ra để đổi lại được quả ngọt gì. Chỉ giản đơn là tôi luôn mong muốn cống hiến những điều tốt nhất cho đơn vị, quê hương và nỗ lực làm tốt trách nhiệm với gia đình. Như vậy, tôi đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi!
● Cảm ơn anh. Chúc anh gặt hái thêm nhiều thành công!
Với tâm huyết, trách nhiệm và sáng tạo trong công tác, thượng tá Nguyễn Đức Thệ đã được Bộ CHQS tỉnh tặng 17 danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (2006 - 2022); được các cấp từ địa phương đến Bộ Quốc phòng tặng nhiều bằng khen về thành tích thực hiện nhiệm vụ; là chiến sĩ thi đua toàn quân 2 năm (2017 và 2020); là 1 trong 4 điển hình tiêu biểu của LLVT Quân khu 5 được chọn tham dự Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quân 3 năm (2014 - 2017) và 5 năm (2014 - 2019) thực hiện Chỉ thị 788 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”... Anh còn được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen 3 lần (năm 2016, 2021 và 2022) và Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba năm 2015.
HỒNG PHÚC (Thực hiện)