Nỗ lực hết mình vì ngày mai tươi sáng
Nguyễn Văn Ninh (SN 2000, quê ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, tốt nghiệp lớp Kỹ thuật điện, khoa Kỹ thuật & Công nghệ, Trường ÐH Quy Nhơn, hiện đang học thạc sĩ ngành Kỹ thuật điện của trường) nhiều lần đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương và cấp tỉnh. Không chỉ học tập tốt, Ninh còn nổi bật bởi sự năng động, tháo vát trong công tác Ðoàn cùng niềm đam mê nghiên cứu, chế tạo máy móc.
Đặt việc học lên hàng đầu
Ninh là sinh viên vượt khó học giỏi điển hình. Với Ninh, đây là cánh cửa duy nhất dẫn đến tương lai tươi sáng, đủ đầy hơn cho bản thân và cả gia đình.
Ninh chịu khó học tập, nghiên cứu mọi lúc mọi nơi. Ảnh: NVCC
● Đâu là động lực để bạn thích nghi với môi trường mới, từng bước vượt khó, đạt thành tích tốt trong học tập?
- Tôi mồ côi cha hơn 10 năm, mẹ tôi mắc chứng giãn tĩnh mạch nên phải điều trị lâu dài, hiện làm nông để mưu sinh. Tuy vậy, mẹ luôn động viên để tôi yên tâm học tập xa nhà. Mẹ dặn dò: Học tập là con đường ngắn nhất để tôi có tương lai tốt đẹp hơn.
Nghe mẹ dặn, quyết tâm học tập của tôi thêm lớn. Tôi đặt ra mục tiêu phải tốt nghiệp bằng giỏi không chỉ vì bản thân mà còn muốn mẹ được tự hào. Nhưng để giảm bớt gánh nặng chi phí cho gia đình, tôi phải làm thêm, và tôi cũng hiểu rõ một điều, đó không phải lý do để lơ là chuyện học. Tôi cố gắng tận dụng tối đa thời gian bằng cách tập trung nắm vững kiến thức cơ bản trong giờ học trên lớp, sau đó về nghiên cứu thêm tài liệu bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Nhiều hôm, tôi nghiền ngẫm bài vở đến 2 - 3 giờ sáng và chỉ ngủ 4 - 5 tiếng/ngày để vừa học, nghiên cứu, làm thêm.
Nhờ vậy, tôi đạt kết quả như mong muốn: Năm nhất, điểm trung bình là 2,63 (thang điểm 4); đến năm cuối, tôi được 3,29 và tốt nghiệp loại giỏi với số điểm 3,29.
● Được biết, Ninh là một trong những sinh viên nổi bật của trường đạt được nhiều học bổng giá trị. Với bạn, điều này có ý nghĩa thế nào?
- Như đã chia sẻ ở trên, vì hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nên với tôi, cố gắng đạt học bổng là lựa chọn tối ưu. Trong suốt thời gian gắn bó với mái trường ĐH Quy Nhơn, ngoài học bổng khuyến khích học tập của nhà trường, tôi được trao nhiều học bổng giá trị.
Có thể kể đến học bổng do Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup trao năm 2020 và 2023, học bổng Hessen (CHLB Đức) trao vào năm học 2020 - 2021, học bổng do Hội Hữu nghị Việt - Hàn trao năm 2021 và 2022…
Ngày 16.1 sắp đến, tôi sẽ ra Hà Nội nhận học bổng do Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) trao cho đối tượng là người đang học chương trình thạc sĩ, tiến sĩ trong nước có thành tích nổi bật năm học 2022 - 2023.
Tuy vậy, tôi vẫn nhớ nhất là khi nhận học bổng do Quỹ Thiện Tâm trao lần đầu năm 2020. Khi đó, gia đình tôi vẫn thuộc hộ cận nghèo. Áp lực cân bằng giữa học tập, làm thêm, nghiên cứu bắt đầu cao hơn, khiến tôi không ít lần căng thẳng và chênh vênh. Học bổng trên đến vào giai đoạn mà bất kỳ sự giúp đỡ nào, dù là nhỏ nhất đều vô cùng đáng quý, giúp ích rất nhiều cho tôi về vật chất lẫn tinh thần.
Nghiên cứu, chế tạo là sở thích
Ninh luôn quan niệm “học đi đôi với hành”, bởi đây là kỹ năng cần có của một kỹ sư tương lai vững chuyên môn, chắc tay nghề.
● Điều gì thôi thúc bạn thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học?
- Tôi bắt đầu nghiên cứu từ năm 3 đại học, bắt nguồn từ việc muốn đi sâu triển khai các vấn đề chuyên môn, phục vụ việc trau dồi kiến thức cũng như kỹ năng hoàn thành đề tài có độ phức tạp cao, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác.
Trong thời gian là sinh viên, tôi đã thực hiện 2 đề tài, gồm: “Nghiên cứu, so sánh các phương pháp dự báo năng lượng gió” (đăng trên Tạp chí KH&CN, ĐH Đà Nẵng số ra ngày 20.5.2022) và “Tác động của các nhà máy điện tái tạo quy mô lớn đến phụ tải đường dây của lưới điện Việt Nam” (đăng trên Tạp chí International Journal of Power Electronics and Drive Systems - tạm dịch: Tạp chí quốc tế về Điện tử công suất và Hệ thống truyền động, thuộc Viện Khoa học và Nghiên cứu tiên tiến (IAES), vào tháng 6.2023).
Tôi đang theo học bậc thạc sĩ ngành Kỹ thuật điện, tiếp tục nghiên cứu một số đề tài, sẽ ra mắt trong thời gian tới. Việc nghiên cứu rất thú vị và bổ ích vì tôi có cơ hội hoàn thiện những thiếu sót về chuyên môn của bản thân. Chính vì vậy, tôi không thấy mệt mỏi mà vô cùng hào hứng theo đuổi đến cùng.
● Ngoài ra, chắc hẳn bạn cũng có sở thích chế tạo máy móc…
- Tất nhiên là có! Dân kỹ thuật chúng tôi hay mày mò để tạo nên một số thiết bị. Nhắc đến điều này, tôi nhớ ngay đến một kỷ niệm đáng nhớ trong mùa Covid-19 liên quan đến việc chế tạo máy móc.
Khi ấy, tôi không về nhà vì bận làm đề tài nghiên cứu khoa học. Tôi cùng một số giảng viên, sinh viên của khoa lên ý tưởng sáng tạo thiết bị máy rửa tay, sát khuẩn tự động và máy đo thân nhiệt không tiếp xúc đầu tiên trong trường. Sau hơn một tháng, chúng tôi đã thành công. Ai cũng phấn khởi vì được góp sức vào công tác phòng, chống dịch của trường.
Trưởng thành từ màu áo xanh
Năng nổ tham gia công tác Đoàn, Ninh không ngại xung phong đi đầu các phong trào của trường, của tỉnh. Khoác lên mình chiếc áo xanh thanh niên, Ninh đã có khoảng thời gian đẹp nhất tuổi trẻ.
● Trong suốt thời gian gắn bó với màu áo xanh thanh niên, giá trị lớn nhất mà bạn nhận lại là gì?
- Tham gia công tác Đoàn, tôi dạn dĩ, cởi mở hơn, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm cũng cải thiện. Ngoài ra, tôi kết bạn với nhiều anh chị em, học thêm những điều hay ở họ. Nhờ vậy, vốn sống của tôi được bồi đắp hơn nhiều.
Ninh (ngoài cùng bên trái) trao quà cho trẻ em xã Canh Hòa trong chương trình “Mùa hè xanh” kết hợp với dự án “Tủ sách cho em” năm 2022. Ảnh: NVCC
Cũng bởi tích cực hoạt động Đoàn cùng thành tích học tập tốt, năm 2020, tôi vinh dự được kết nạp Đảng, năm 2022 được đánh giá là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng ủy Trường ĐH Quy Nhơn khen.
Sau cùng, điều đọng lại trong tôi là những trải nghiệm thực tế. Đáng nhớ nhất có lẽ là khi tôi đảm nhiệm vai trò trưởng dự án “Tủ sách cho em” tại xã Canh Hòa (huyện Vân Canh), diễn ra vào cuối tháng 7.2023. Khi đó, tôi lân la hỏi thăm, kết nối với anh chị đoàn viên, thầy cô trong trường, huy động gần 400 cuốn sách chỉ trong 2 - 3 ngày. Sau phân loại, tôi tặng hơn 100 quyển sách thiếu nhi cho Trường Mẫu giáo Canh Hòa. Số còn lại là sách khoa học, truyện ngắn… tôi gửi lại Đoàn xã, nhờ các anh chị đưa đến tận tay các bạn học sinh ở bậc học lớn hơn.
Nhìn nụ cười hồn nhiên, chăm chú của các em khi cầm quyển sách trên tay, trong tôi dâng lên những cảm xúc khó tả. Hoặc có lẽ vì tôi cũng sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn nên đồng cảm phần nào với các em. Nhưng dù thế nào, tôi cũng được thôi thúc sẽ thực hiện nhiều dự án thiện nguyện ý nghĩa hơn.
● Bạn nghĩ thế nào về thực trạng nhiều người trẻ, nhất là sinh viên ít hứng thú với công tác Đoàn?
- Theo tôi được biết, một số lý do các bạn đưa ra khi từ chối tham gia hoạt động Đoàn là: Chương trình ít hấp dẫn, format cũ duy trì qua nhiều năm nên thiếu sự mới mẻ, cách giới thiệu hoạt động chưa theo kịp xu hướng, chưa rộng rãi.
Theo quan điểm của tôi, mỗi thế hệ sinh viên sẽ có đặc điểm và mối quan tâm khác nhau. Do vậy, nếu muốn thu hút sinh viên thì các cấp Đoàn cần xây dựng chương trình đáp ứng được nhu cầu của người trẻ. Về phía sinh viên, các bạn cũng nên thử trải nghiệm hết mình thì mới thực sự cảm nhận được sự năng động, cởi mở và nguồn năng lượng trẻ trung mà công tác Đoàn mang lại, thay vì chỉ phỏng đoán.
● Cảm ơn Ninh! Chúc bạn gặt hái thêm nhiều thành công trong tương lai!
Một số thành tích Nguyễn Văn Ninh đạt được trong những năm gần đây:
● Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” tiêu biểu cấp Trung ương năm 2023; “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương năm 2022; “Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh năm 2022, 2023.
● Danh hiệu “Sinh viên tiêu biểu trong phong trào người tốt việc tốt” năm học 2022 - 2023, do Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh khen tặng.
● Bằng khen của Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Bình Định về thành tích xuất sắc trong phong trào sinh viên tình nguyện vì cộng đồng năm học 2022 - 2023…
DƯƠNG LINH (Thực hiện)