Nhà giáo Lê Kim Ngọc: Quan trọng nhất là tạo động lực học tập
Năm 2023, anh Lê Kim Ngọc, giảng viên nghề Ðiện công nghiệp (Trường CÐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ) đoạt giải nhì Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức. Trên hành trình hơn 20 năm với giáo dục nghề nghiệp, có đôi lúc bị đứt quãng, anh vẫn đầy trăn trở và tâm huyết.
Vòng tròn duyên nợ
Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 1999, Lê Kim Ngọc mang khát khao được tham gia vào hoạt động sản xuất tại các DN. Đó là lý do người thanh niên 23 tuổi quyết định từ chối lời mời ở lại làm việc tại trường của thầy giáo hướng dẫn làm đồ án tốt nghiệp. Nhưng, chỉ 6 tháng sau, anh lại nộp hồ sơ xin việc tại một trường khác.
● Điều gì đã đưa anh đến quyết định này?
- 6 tháng tìm việc, thử việc tại 2 đơn vị, tôi nhận ra mình chưa phù hợp với môi trường sản xuất, kinh doanh. Đó là lúc tôi nghĩ đến gợi ý của người thầy, quyết định nộp hồ sơ xin việc tại Trường Công nhân Cơ khí Nông nghiệp Trung ương 4. Buổi giảng thử đầu tiên của tôi tại trường thành công. Các thầy cô dự giờ cho rằng tôi có tố chất tốt. Rất nhanh, tôi được bố trí đứng lớp. Và tôi tự hào, hạnh phúc với lựa chọn này.
Thế nhưng, sau 2 năm giảng dạy, tôi lại quyết định rời môi trường sư phạm…
Giảng viên Lê Kim Ngọc hướng dẫn học sinh, sinh viên thực hành nghề Điện công nghiệp. Ảnh: N.M
● Lần này là vì lý do gì, thưa anh?
- Vì áp lực kinh tế! Sau hơn 2 năm giảng dạy, tôi chỉ nhận được mức lương 1,86 x 180 nghìn đồng.
Không chống chọi được với áp lực “cơm áo”, tháng 3.2002, khi có cơ hội được vào làm tại một công trình lớn của một DN lớn với mức thu nhập cao hơn nhiều, cùng những gợi mở về cơ hội thăng tiến, tôi rời việc giảng dạy, bắt đầu hành trình 3 năm với 3 công ty.
Đến năm 2005, vì lý do gia đình, tôi bỏ việc tại TP Hồ Chí Minh về quê (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát), mở một cửa hiệu nhỏ sửa chữa đồ điện, điện tử, nhận làm chi nhánh bảo hành sản phẩm cho một số công ty quen biết. Và, tôi lấy vợ, có con.
● Nhưng duyên nợ lại đưa anh một lần nữa về với môi trường giáo dục nghề nghiệp…
- Đó là vào một ngày đẹp trời năm 2009, tôi được lãnh đạo Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ (được thành lập trên cơ sở hợp nhất từ Trường Công nhân Cơ khí Nông nghiệp Trung ương 4, Trường Dạy nghề Xây dựng, Trường Công nhân Kỹ thuật Lâm nghiệp Trung ương 2) gợi ý về lại trường công tác.
Mỗi khi hồi tưởng, tôi luôn tin chắc hôm đó là một ngày đẹp trời. Và, ngày đó mở ra hành trình dài cho đến hiện tại. Nhiều người sẽ thắc mắc: Vậy cuối cùng là người chọn nghề hay nghề chọn người? Tôi nghĩ, chỉ cần làm việc, trải nghiệm đủ nhiều, đủ lâu, lòng ta tự khắc rõ câu trả lời.
Hội giảng là cơ hội để nghiền ngẫm, đúc kết
Gần 15 năm công tác tại Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ, anh Ngọc tham gia nhiều hội giảng các cấp và đạt nhiều cấp độ thành tích khác nhau. Mỗi hội giảng là một dịp để nhìn, ngẫm, đúc kết.
● Cũng như các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp khác, anh rất năng nổ trên sân chơi hội giảng các cấp…
- Cũng như các trường nghề khác, mỗi năm, Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ đều tổ chức hội giảng cấp khoa với sự tham gia của 100% giáo viên để chọn ra nhà giáo tham gia hội giảng cấp trường, rồi đến cấp tỉnh, cấp bộ.
Tôi tham gia hội giảng cấp trường khá nhiều lần với thành tích cao nhất là 2 giải nhất. Tôi từng tham gia hội giảng cấp tỉnh năm 2013 và kết quả xếp hạng Đạt. 10 năm sau, tham gia hội giảng cấp tỉnh lần 2, tôi đạt giải khuyến khích. Tháng 9.2023, tại hội giảng do Bộ NN&PTNT tổ chức, tôi đoạt giải nhì.
Ngoài ra, tôi có rất nhiều lần tham gia hội giảng cấp tỉnh, bộ, quốc gia với vai trò là người hỗ trợ, tư vấn. Mỗi đợt tham gia hội giảng, dù là với vai trò nào, tôi đều được học tập, đúc kết rất nhiều bài học kinh nghiệm.
● Vậy, đâu là những bài học quan trọng nhất mà anh rút ra sau nhiều năm “chinh chiến” tại các hội giảng?
- Đó là bài học về công tác chuẩn bị. Ngoài các tình huống theo diễn biến bài giảng đã được dự tính, luôn luôn phải có phương án dự phòng cho các tình huống khác.
Thứ hai là về sự lắng nghe. Khi biên soạn giáo án dự thi, giảng viên tất nhiên sẽ đầu tư nhiều thời gian, công sức; tuy nhiên, suy cho cùng giáo án đó được xây dựng trên cách tư duy, lý luận chủ quan của cá nhân. Hãy lắng nghe, thực sự lắng nghe, sẽ vỡ ra rất nhiều điều.
Thứ ba là nỗ lực dự giờ tiết giảng của các đồng nghiệp. Các tiết giảng tại cấp tỉnh, bộ, quốc gia đều là những tiết giảng ưu tú, chúng ta sẽ học hỏi rất nhiều điều tại đây.
Mặt khác, ngoài việc học hỏi các đồng nghiệp về phương pháp giảng dạy, khi tham gia hội giảng các cấp, các nhà giáo sẽ được quan sát, tìm hiểu về các thiết bị dạy nghề đầy sáng tạo của các đồng nghiệp. Đây cũng là điều tôi rất tâm đắc.
● Anh đã và đang làm gì để đáp ứng yêu cầu ngày một cao của công tác đào tạo nghề?
- Học tập, học tập và học tập, không còn cách nào khác!
● Ngoài đứng lớp rèn nghề, anh có đang ấp ủ dự án nào trong thực tiễn?
- Hiện tại, tôi nhận sửa chữa, lắp đặt các thiết bị điện - điện tử cho một số nhà máy; nhận bảo hành sản phẩm trong lĩnh vực này cho một số DN của bạn bè tại TP Hồ Chí Minh có hàng hóa bán tại Bình Định. Công việc này ngoài kiếm thêm thu nhập cũng là cơ hội để cập nhật các kiến thức thực tế. Kiến thức vững vàng qua nhiều năm dạy nghề, kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế, hai thứ ấy tương tác, hỗ trợ nhau giúp tôi rất nhiều về cả công việc đứng lớp và lao động bên ngoài.
Nhận thấy các DN tại các trung tâm kinh tế lớn khi bán các sản phẩm chuyên dụng về điện - điện tử cho các đối tác tại Bình Định mất nhiều tài nguyên trong lắp ráp, bảo hành, tôi đang nhen nhóm ý định lập cơ sở nhận lắp đặt, bảo hành các sản phẩm của lĩnh vực này với sự tham gia của các giảng viên, học sinh, sinh viên (HSSV) của trường.
Khuyến khích, tạo động lực học tập
Cũng như bao nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, anh Ngọc còn nhiều trăn trở đối với việc nâng chất lượng đầu ra của HSSV.
● Theo anh, đầu vào của HSSV trường nghề có phải là rào cản cho công tác đào tạo nghề, làm giảm đi nhiệt huyết đối với các giảng viên không?
- Khi nhắc đến đầu vào của HSSV trường nghề, hầu hết mọi người đều đánh giá tương đối thấp. So sánh trên mặt bằng chung thì điều này đúng, mặc dù vẫn có một số bạn có kết quả học tập phổ thông rất tốt chọn vào trường nghề.
Cá nhân tôi đã giảng dạy đủ lâu để biết chấp nhận thực tế. Vấn đề là làm thế nào để từ một đầu vào như thế, người thầy vẫn tạo được người thợ trẻ được các DN tin tưởng đón nhận.
Với tôi, khi bắt đầu với một lớp mới, điều tôi quan tâm đầu tiên là thái độ học tập. Tôi cho rằng việc khuyến khích, tạo động lực cho các em cực kỳ quan trọng. Sau đó mới nâng dần trình độ các em lên.
Tại Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ, lãnh đạo trường luôn khuyến khích giáo viên có cách dạy mới, cách làm mới, không quá phụ thuộc vào giáo trình, giáo án. Điều này tạo không gian thoải mái, sáng tạo cho cả giáo viên và HSSV.
Thực tế, trong thời gian qua, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ chính HSSV sau khi ra trường cũng như các DN đã tin tưởng tiếp nhận các em. Điều đó chứng tỏ chúng tôi đã làm tốt phần việc của mình, góp phần mang lại nhiệt huyết, giữ lửa cho chúng tôi.
● Những năm gần đây, một bộ phận lớn HSSV hệ trung cấp của trường nghề chỉ vừa tròn 15 tuổi. Các nhà giáo như anh có gặp phải những thách thức?
- Đây cũng là một trăn trở của tôi. Người học trung cấp ở độ tuổi còn quá nhỏ nên dẫn đến một số vấn đề.
Đó là định hướng về nghề nghiệp các em chưa thực sự rõ ràng nên thiếu quyết tâm học tập. Việc chuyển đổi sang một môi trường sinh hoạt và học tập hoàn toàn mới thực sự là vấn đề lớn đối với các em và kể cả phụ huynh. Nhiều phụ huynh chăm con “quá kỹ” dẫn đến các em vào môi trường chuyên nghiệp rồi nhưng thiếu những kỹ năng cơ bản để dần tự lập. Ví dụ như nhiều em không thể sắp xếp bàn làm việc gọn gàng, không bê nổi một động cơ điện tầm 10 kg… vì lâu nay ở nhà đã có cha mẹ làm. Thời gian đi thực tập sản xuất tại DN, có hôm nhà bếp dọn cơm muộn, có hôm làm việc ngoài trời nắng… là giáo viên liên tục nhận điện thoại “hỏi thăm” của phụ huynh.
Điều trăn trở lớn nhất của tôi là quan hệ giữa gia đình và nhà trường. Mong phụ huynh tin tưởng, phối hợp với nhà trường trong quản lý, giáo dục HSSV; mong các bậc phụ huynh dần “buông tay” để các con mau trưởng thành.
● Cảm ơn anh! Chúc hành trình với giáo dục nghề nghiệp của anh tiếp tục có thật nhiều trải nghiệm quý giá!
NGUYỄN MUỘI (Thực hiện)