Tiếng lòng của thầy
Truyện ngắn của PHẠM VĂN HOANH
Sáng hôm ấy, trời trong xanh, không một gợn mây, gió lùa từng cơn vi vút. Từng đàn học sinh khăn quàng đỏ thắm trên vai tung tăng cắp sách đến trường. Nhìn cảnh ấy ông giáo thấy lòng nôn nao khó tả. Tháng Giêng đang qua rất nhanh. Kỷ niệm những ngày tựu trường xưa cũ lại ùa về trong tâm trí ông. Ông đi qua đi lại, rồi khe khẽ đọc đoạn văn của nhà văn Thanh Tịnh trong truyện ngắn Tôi đi học: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”…
Ngày tựu trường, đối với ông không chỉ là kỷ niệm của một thời học sinh mà còn là kỷ niệm của một thời dạy học. Mới hôm nào, vào giờ này, ông đã có mặt tại trường với bộ đồ vét mới tinh khôi, sang trọng. Bây giờ thì mọi việc đã thay đổi. Đất trời và không gian quen thuộc của ngôi trường vẫn thế, nhưng sổ sách, giáo án đã nằm yên trên giá. Cũng mới hôm nào quanh ông là đồng nghiệp vui vẻ trẻ trung, là học sinh ríu ra ríu rít như chim non chờ mẹ mớm mồi mà sao hôm nay ông cảm thấy xa vời vợi.
Ông thở dài: “Thế là mình đã về hưu hơn ba tháng rồi”. Tiếng “hưu” ngân dài như vết thời gian đang hằn sâu trên trán, tiễn ông mãi mãi lùi xa trang giáo án, phấn trắng, bảng đen mà ông đã gắn bó hơn ba mươi ba năm nay. Ông nhớ lại cách đây hơn ba tháng thầy hiệu trưởng đã trao quyết định nghỉ hưu cho ông và hội đồng sư phạm của trường cùng với hội cha mẹ học sinh đã tổ chức liên hoan chia tay ông. Mọi người đều dành cho ông những tình cảm thân thương trân trọng nhất. Duy chỉ có thời gian là lạnh lùng và vô tình trôi mà không có lời tiễn biệt.
Về hưu, ông mới có điều kiện suy ngẫm về mình. Suy cho cùng không ai có thể đứng ngoài quy luật của tự nhiên “sinh, lão, bệnh, tử”. Nhưng từ khi sinh ra đến khi mất đi con người phải sống như thế nào, để khi về cõi vĩnh hằng ta không áy náy. Trong quy luật sinh tồn đó, con người ai cũng phải chọn cho mình một cái nghề, để sống và nếu tốt hơn thì để yêu và nếu may mắn hơn nữa thì được nó yêu lại. Người ta bảo người chọn nghề, nghề chọn người cũng là vì vậy. Và ông cũng đã chọn cái nghề dạy học. Một cái nghề mà thời đó đồng lương hàng tháng ba cọc ba đồng không cao hơn gì so với nhiều nghề khác nếu không muốn nói đã có lúc khá bọt bèo.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Trong những năm đầu, ông cùng vợ phải vừa dạy học, vừa chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Cuộc sống tuy vất vả nhưng ông vẫn bám lớp, bám trường, thường xuyên quan tâm giúp đỡ học sinh. Có những năm học sinh nghỉ học nhiều, ông phải đến nhà học sinh động viên, giúp đỡ để các em đến trường. Đối với ông trong hơn ba mươi ba năm đứng trên bục giảng, chuyện động viên giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường là chuyện thường ngày diễn ra như cơm bữa. Nhớ sao cho hết. Nhưng cái ấn tượng những ngày đầu tiên đi dạy thì nó cứ khắc sâu trong tâm trí ông. Ông không thể nào quên cậu học trò ngày nào mới chập chững bước vào lớp sáu và sau này trở thành đồng nghiệp của ông.
Năm đầu tiên mới ra trường ông chủ nhiệm lớp 6A, một lớp mà theo dư luận là có nhiều học sinh cá biệt. Ông thấy lo lo. Nên ông theo dõi rất chặt chẽ từng em. Qua một tháng theo dõi, ông chỉ thấy có một cậu học trò sáng nào cũng đến lớp muộn, hay ngủ gật trong giờ học và chưa nộp tiền các khoản thu của nhà trường. Ông bèn gọi cậu ta lên phòng hội đồng sư phạm để gặp riêng. Khi lên phòng, cậu ta rất nghiêm túc không có tí gì tỏ ra bướng bỉnh. Nhìn dáng vẻ cậu ta, ông rất cảm động. Ông hỏi một cách nhỏ nhẹ:
- Em ở đội nào? Cha mẹ khi nay làm gì?
- Dạ, thưa thầy, em ở đội Một. Cha mẹ…
Cậu ta không nói được nữa, hai hàng nước mắt lã chã.
Thấy vậy ông không hỏi nữa. Bởi ông đã từng chứng kiến nhiều cái cảnh này rồi. Hồi ông còn học phổ thông có những lần trong giờ sinh hoạt lớp thầy giáo gọi những học sinh cá biệt lên trước lớp để hỏi về hoàn cảnh gia đình, nhiều đứa bạn của ông khóc như mưa không nói được câu nào. Sau đó hỏi mấy đứa bạn thân của chúng nó, ông mới biết cha mẹ chúng người thì bị bệnh, người thì qua đời, người thì ly hôn… Nói chung là có hoàn cảnh rất khó khăn. Nên khi thấy cậu học trò của mình khóc nức nở, ông không dám hỏi nữa. Ông chỉ khuyên:
- Thôi, em về lớp đi! Nhớ hôm sau đi học đúng giờ!
Cậu học trò cúi đầu:
- Dạ! Em cảm ơn thầy!
Cậu học trò ra khỏi phòng, ông ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi mới giở cuốn sổ chủ nhiệm ra xem lại. Ông thấy trong sổ chủ nhiệm ghi rất cụ thể họ tên và nghề nghiệp của cha mẹ cậu ta. Ông tự hỏi lòng mình tại sao khi mình hỏi về cha mẹ cậu ta lại khóc òa lên như thế? Phải chăng cậu ta đang có điều gì uẩn khúc đây? Thôi, hôm nào mình tìm đến nhà cậu ta mới được.
Ông chưa kịp đến nhà thì cậu ta bỏ học luôn. Ông nghe lớp trưởng báo lại là cậu ta bỏ học vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Tháng Giêng mà, mới hết Tết, người có tiền có của chưa vội làm lụng, những thứ tích trữ hồi tháng Chạp còn đủ dùng suốt cả Giêng Hai mà. Nhưng người nghèo vì thế mà đâm ra khốn khó. Kẻ có tiền không tiêu xài thì chợ vắng, hàng quán vắng, trừ mấy ngày lễ hội ra kỳ dư là vắng. Cứ đi chợ thì biết thôi. Việc làm cũng ít. Ở xứ nửa quê nửa thị trấn như xứ này, vắng một buổi chợ là xính vính liền mà…
Sáng hôm sau, ông theo địa chỉ đã ghi trong sổ chủ nhiệm đi đến nhà cậu ta. Nhà cậu ta ở trong một ngõ nhỏ ngoằn ngoèo. Mái tranh, vách đất liêu xiêu, nằm trong một góc vườn um tùm tre không khác gì ngôi nhà của chị Dậu. Nghe tiếng gọi, mẹ cậu chạy ra mời ông vào nhà. Bước vào nhà ông thấy những bóng nắng tròn tròn như cái chén dưới nền nhà mà lòng nhói đau. Ông tự giới thiệu, đoạn hỏi:
- Hôm nay chị không đi bán hả?
- Mấy ngày nay hai mẹ con lo lúa má, mỏi quá nghỉ vài bữa rồi mai mới đi bán lại. Anh đến có việc gì không?
- Dạ, em là giáo viên chủ nhiệm lớp, em đến gặp chị để trao đổi về việc học hành của em Hận.
- Dạ cảm ơn thầy. Có gì thầy cứ nói.
- Thưa chị, mấy ngày nay em Hận không đi học, em lo quá! Mới học lớp sáu mà nghỉ học thì biết làm gì. Em mong chị khuyên em Hận đi học lại. Các khoản thu của nhà trường em đã xin nhà trường miễn rồi. Chị yên tâm.
Ngừng một lát, ông rút ra một cái bì thư nói:
- Thưa chị, học sinh lớp em biết hoàn cảnh em Hận, nên đã gửi một món quà nho nhỏ gọi là… mong chị nhận giúp.
Mẹ cậu ta hai hàng nước mắt lã chã, nói trong tiếng nấc:
- Tôi cảm ơn thầy, cảm ơn các cháu! Để tôi khuyên nó tiếp tục đi học!
Ngừng một lát mẹ cậu ta nói:
- Nó nghỉ lâu quá giờ làm sao theo kịp chương trình thầy?
- Miễn em Hận chịu đi học lại là được, còn chương trình em sẽ nhờ thầy cô phụ đạo lại cho.
Mẹ Hận ngoái nhìn ra phía gian nhà sau:
- Đi học nghen con!
Tiếng Hận dùng dằng, lúng búng.
Ông giáo bảo:
- Cố gắng đi học lại đi em! Khó khăn gì thì nói thầy, thầy sẽ giúp đỡ. Dù thế nào em cũng phải học đến nơi đến chốn. Đi học mới thoát được cảnh nghèo. Thôi đừng suy nghĩ nhiều! Đi học lại đi! Sáng mai thầy xuống chở em đến trường.
Một khoảng lặng im chùng chình nhưng xem chừng mọi sự đang xuôi xuôi.
Mẹ cậu ta tiếp lời:
- Đi học đi con! Chứ mới lớp sáu làm được gì.
Mẹ cậu ta quay sang ông giáo nói:
- Tôi cảm ơn thầy. Tôi đội ơn thầy nhiều.
Ông giáo trả lời:
- Dạ, không có chi đâu chị.
Ông rảo bước ra phía nhà sau. Đúng như ông nghĩ. Hận ngồi tựa lưng vào vách đất, thấy thầy vào, lúng túng vụt đứng lên bối rối. Ông nhẹ giọng động viên:
- Cố gắng lên em!
Cậu ta ngập ngừng thưa:
- Dạ, em cảm ơn thầy.
Mẹ cậu ta nhìn ông giáo nói:
- Tôi thật không biết nói gì hơn. Xin cảm ơn thầy.
- Dạ. Chị yên tâm. Có gì khó khăn nói em giúp.
Từ hôm đó ông không còn thấy cậu ta đi học trễ nữa, không ngủ gật trong lớp nữa...
Mỗi lần nghĩ tới cậu học trò mà sáng nào cũng đến lớp trễ và đôi khi bị trách mắng vì ngủ gật trong giờ học… nhưng lại thông minh, ông lại rơi nước mắt…
Ông đang miên man trong dòng hồi tưởng, bỗng tiếng trống trường vang lên giục giã làm ông giật mình. Ông bước vội vào trong nhà, đến bên giá sách. Ông xếp lại chồng giáo án cho ngay ngắn, rồi đến bên bàn kéo ghế ra ngồi. Bộ bàn ghế này cách đây hơn ba tháng ông vẫn ngồi hàng giờ soạn giáo án, nhưng hôm nay sao lạc lõng quá. Ông đứng dậy lấy phích nước pha ấm trà. Vừa uống trà, ông vừa suy nghĩ về những ngày còn lại của đời ông. Từ nay đến cuối đời mình phải làm gì để giúp các em có hoàn cảnh khó khăn đến trường như thời còn đứng trên bục giảng? Cho tiền ư? Mở lớp học tình thương ư? Không được. Tất cả đều không được. Bởi mình bây giờ nghỉ hưu rồi, tuổi cao sức yếu không thể dạy được nữa, tiền lương hưu thì cũng đủ ăn và chữa bệnh... Hay là mình mua con heo đất, hàng tháng trích lương hưu một ít bỏ vào đó, và vận động thêm nhà hảo tâm để đến đầu năm học trao cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Hay là mình đứng ra thành lập hội khuyến học xóm... Thành lập hội khuyến học xóm chắc là không khó mấy. Nhưng vận động để có nhiều người tham gia, tổ chức sinh hoạt sao cho giàu ý nghĩa, có tác dụng thực tế thì cũng gay go. Nhưng có khó khăn đến mấy mình cũng quyết tâm làm cho bằng được. Có hội khuyến học xóm, mình mới động viên cha mẹ các em cho con đến trường. Chứ ở xóm này trẻ em bỏ học ngày một nhiều. Cha mẹ chúng cho con nghỉ học để vào Nam bán vé số, bán báo… Mình sẽ tạo điều kiện để các em có tiền ăn học. Quyết tâm không để một em nào ở xóm này bỏ học giữa chừng. Và mình sẽ có những phần thưởng khuyến khích những em vượt khó học giỏi, trợ cấp cho một số em có hoàn cảnh khó khăn…
Ông lấy giấy viết ra dự thảo chương trình và kế hoạch cho hội khuyến học xóm rồi sẽ nói chuyện để thôn trưởng ủng hộ rồi ra xã xin phép thành lập hội…
Ông đưa chén trà lên uống một hớp, chép chép với vẻ trầm ngâm.
Ngoài ngõ học sinh đi học đã về, ông vẫn ngồi uống trà, ánh mắt đà lấp lánh niềm vui. Lòng ông chợt ngân lên một hồi chuông vui.