Nhen một tin yêu, nhen một hy vọng
Tạp bút của THANH THẢO
Nếu những người quản lý khu vườn quốc gia Tràm Chim - Đồng Tháp quá vui mừng khi những con sếu đầu đỏ trở về Tràm Chim sau mấy năm vắng bóng, thì một người chỉ có một sân thượng nhỏ bé là tôi cũng vui mừng khi những con chim sẻ chim sâu bé nhỏ mỗi sáng mùa xuân này lại trở về ríu rít trên khoảng sân thượng bé tí của nhà tôi.
Người ta nói, mỗi khi có chim về vườn nhà mình thì đó là điềm may mắn cho gia chủ. Tôi chưa biết sự may mắn ấy thế nào, nhưng tôi rất vui khi sân thượng nhà mình được đón những con chim bé bỏng lành hiền. Những con chim chỉ bắt sâu, chỉ thích thú với những cây trồng xanh mát trên sân thượng, chứ không có tham vọng gì to tát cả.
Nếu sếu đầu đỏ là loài chim quý hiếm đã vào Sách Đỏ, thì chim sẻ chim sâu đâu có vào sách nào, nhưng vẫn rất quý vì chúng minh chứng cho những nơi chúng tìm về là những nơi môi trường sống chưa quá tệ. Nơi ấy có cây xanh, có những sinh vật bé nhỏ làm thức ăn cho chim nhỏ, có nắng và có gió, bầu trời những ngày nắng vẫn còn xanh. Những buổi sáng mùa xuân này, nghe chim hót, nghe tiếng kêu chiu chít vô tư của chúng, ngắm nhìn những con chim bé bỏng lách chách trên bụi cây nhà mình, tự nhiên thấy được an ủi, dù tâm trạng của mình không tươi sáng như màu trời và cây xanh.
Tranh của họa sĩ VŨ DUY VĨNH
Tôi không thích nuôi chim trong lồng, vì tôi biết khát vọng lớn nhất của mọi sinh vật là được tự do - chim bơi, cá lội, thú chạy nhảy và cây xanh thì được vươn mình lên trời xanh; vì thế tôi cảm thấy thật an lành khi nghe và nhìn niềm vui tự do của những con chim bé nhỏ.
Chúng ta cũng bé nhỏ như chim trời vậy thôi. Và chúng ta cũng khao khát tự do như chim trời, bất kể chúng ta lớn hay nhỏ.
Sếu đầu đỏ là loài chim lớn, con trưởng thành cao tới 1,5 - 1,8 m. Nếu sếu đầu đỏ đứng cạnh một con chim sẻ hay chim sâu, thì ta càng thấy tầm cao lớn của nó. Nhưng chim dù nhỏ hay lớn vẫn có số phận riêng, vẫn có niềm vui hay nỗi buồn riêng, vẫn hiện diện bình đẳng dưới vòm trời này.
Nếu chim sếu được xem là loài có linh tính, chỉ dấu cho những nơi có môi trường trong lành, thì chim sẻ hay chim sâu cũng có linh tính như vậy, dù sự thể hiện khó nhận thấy hơn một chút.
Nhưng chim sếu - đây là chim sếu trắng, lại có được một hạnh phúc tột cùng khi cả đàn sếu đã bay vào một bài thơ bất tử của thi hào người Daghestan - Rasul Gamzatov, và sau đó, đã được phổ nhạc. Bài hát Đàn sếu từng đứng vào hàng những nhạc phẩm hay nhất thế kỷ XX. Vâng, Đàn sếu là một bài hát Nga nổi tiếng do nhạc sĩ Yan Frenkel phổ thơ của Rasul Gamzatov qua bản dịch tiếng Nga của Naum Grebnyov. Bài hát này viết về những người lính hy sinh trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Kể từ năm 1969, nhạc phẩm Đàn sếu trở thành một trong những nhạc phẩm bất hủ của thế giới.
Khi đàn chim trở về lại kèm một bài thơ và một ca khúc tuyệt vời như vậy, thì còn gì vui cho bằng. Và tôi thầm cảm ơn những con chim sẻ chim sâu bé nhỏ mỗi sớm mai lại ríu ran, tiếng ríu ran nhỏ xíu nhưng đủ nhen lên cho tôi tin yêu và niềm hy vọng về cuộc sống mến yêu này.