Tổ chức lại hoạt động thu gom rác để đảm bảo hiệu quả
Tại nhiều địa phương trong tỉnh, lượng rác ở các khu dân cư vùng nông thôn thải ra ngày càng nhiều nhưng không được thu gom thường xuyên. Bên cạnh đó, tình trạng vứt rác bừa bãi ra bờ kè, bờ sông, kênh mương… đang tác động xấu đến môi trường và sức khỏe của người dân.
Thời gian qua, tình trạng xả rác gây ô nhiễm môi trường vùng nông thôn ở nhiều địa phương diễn biến phức tạp, thậm chí tạo thành “điểm nóng” về môi trường.
Rác thải tràn lan tại khu vực bờ kè sông Hà Thanh (đoạn qua địa bàn phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn). Ảnh: M.T
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù xe chuyên dụng đến tận nhà thu gom rác, nhưng nhiều người dân sống dọc hai bên bờ sông Gò Bồi (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) vẫn đổ rác xuống bờ kênh, xuống sông. Còn các hộ dân sống tại các hẻm nhỏ xung quanh chợ Gò Bồi và ven sông, không có chỗ đào hố chôn rác nên mang rác ra chợ đổ hoặc bỏ rác dọc tỉnh lộ 640, gây ô nhiễm môi trường.
Ông N.T.T (nhà ở gần chợ Gò Bồi) cho biết: “Xe rác chỉ gom rác ở các nhà sống dọc tuyến tỉnh lộ 640, còn ở nơi xa xe không đến được. Người dân mang rác ra sông bỏ hoặc các tuyến giao thông đổ bậy, dù nơi đó đã cắm biển “Cấm đổ rác”. Tình trạng này chúng tôi đã kiến nghị tại các buổi tiếp xúc cử tri, nhưng chưa có biện pháp xử lý”.
Tương tự, hầu hết rác thải sinh hoạt của người dân thôn Nhân Ân (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) đều được tập kết về khu vực bến thuyền thôn Nhân Ân. Bên cạnh đó, toàn bộ các loại rác thải tại chợ Gò (cách bến thuyền khoảng 50 m) cũng tập trung về đây (2 ngày/lần mới có xe trung chuyển chở rác đi), nhưng không có biện pháp xử lý kịp thời, dẫn đến ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
Còn tại tuyến kè sông Côn đoạn qua thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) tràn ngập rác thải, từ giường hỏng, bàn ghế cũ, chăn hư, chiếu cũ, cành khô, xà bần đến túi ny lông, giấy vụn, xác động vật... Theo bà L.T.H. (ở khối 2, thị trấn Phú Phong), nguyên nhân là đơn vị thu gom rác trên địa bàn thị trấn chỉ thu gom rác sinh hoạt, còn các loại rác khác (như kể trên) người dân không biết vứt ở đâu nên đem đổ xuống khu vực kè, khiến môi trường bị ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị.
Theo lãnh đạo một số địa phương cấp xã, hằng tuần xe thu gom rác chỉ thu gom từ thứ Hai đến thứ Sáu, có địa phương thu gom cách nhật, hoặc chỉ thu gom 2 lần/tuần. Trong khi đó lượng rác sinh hoạt trong dân khá lớn, đòi hỏi phải thường xuyên thu gom nếu không sẽ phát tán mùi hôi. Do đó, người dân đã lén vứt rác bừa bãi vào ban đêm, nơi vắng người, khiến môi trường bị ô nhiễm.
Về vấn đề này, bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Trong năm 2023, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố vào cuộc quyết liệt nên có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn phổ biến tình trạng mỗi xã chỉ có một đơn vị thu gom, vận chuyển rác về bãi chôn lấp của huyện, do đó không tăng được tần suất thu gom và không đạt hiệu quả kinh tế.
Về giải pháp, bà Hương thông tin thêm, ngày 19.10.2023, UBND tỉnh đã làm việc với các đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn các huyện, thị xã. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã chỉ đạo tổ chức lại hoạt động thu gom rác để đảm bảo hiệu quả về kinh tế và môi trường, phù hợp điều kiện của từng địa phương. Theo đó, thực hiện phương thức 1 đơn vị thu gom cho 1 địa phương, như TP Quy Nhơn, hoặc 1 đơn vị thu cho vài xã; hoặc đơn vị tư nhân thu gom rồi tập kết tại xã, chuyển giao cho đơn vị công ích cấp huyện tổ chức vận chuyển về khu xử lý của huyện.
Đối với địa bàn dân cư ở xa trung tâm, mật độ dân thưa thớt, địa phương xác định tần suất thu gom cho phù hợp (2 - 3 lần/tuần), khi đó phải tăng điểm tập kết, điểm trung chuyển đảm bảo lưu chứa rác thải. Thành lập các tổ, đội để thu gom CTRSH từ các tuyến hẻm ra tuyến chính bằng các phương tiện phù hợp như xe đẩy tay, xe ba gác…
MINH TUẤN