Vĩnh An xóa bỏ hủ tục tảo hôn
Những năm qua, xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn) đã thực hiện nhiều biện pháp đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn. Trong đó, việc đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, cam kết không tảo hôn vào hương ước và làm tiêu chí xếp loại gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đang phát huy tác dụng.
Làng Kon Giọt 1 (xã Vĩnh An) hiện có 106 hộ/400 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Bana. Những năm trước, ở làng Kon Giọt 1, tình trạng tảo hôn diễn ra khá phổ biến, nhiều thanh thiếu niên đang ở tuổi ăn, tuổi học đã bỏ ngang việc học để lập gia đình, nên không hiếm những cặp vợ chồng trẻ con đã có con bồng con bế.
Theo ông Đinh Ướp, Bí thư Chi bộ làng Kon Giọt 1, để ngăn ngừa tảo hôn, từ năm 2020, làng đã phối hợp với các hội, đoàn thể tăng cường vận động, thuyết phục bà con chấp hành nghiêm các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Đồng thời, tổ chức các đợt lấy ý kiến, góp ý của hộ dân để xây dựng các quy định xử phạt về kết hôn trước tuổi, ký cam kết không tảo hôn... đưa vào hương ước.
Theo đó, hương ước quy định, nếu nhà nào có con tảo hôn, thầy cúng tổ chức đám cưới, làng sẽ phạt 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng/năm cho đến khi đủ tuổi kết hôn, người vi phạm vẫn phải bị các hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, trong các cuộc sinh hoạt khu dân cư, làng còn đưa trường hợp bị xử phạt ra kiểm điểm, nhắc nhở, giáo dục.
Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh An, Ban Quản lý làng Kon Giọt 1 vận động người dân ký cam kết thực hiện hương ước, trong đó có nội dung phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: T.C
Kể từ năm 2020, các hộ dân đều chấp hành nghiêm các quy định hương ước đề ra. Bà Đinh Thị Dung (dân tộc Bana, ở làng Kon Giọt 1) chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 con, trong đó có 2 con đang học lớp 9, 10. Trước đây theo phong tục, chúng tôi thường hay dựng vợ, gả chồng cho con từ sớm. Nhưng từ khi làng tuyên truyền và cho ký cam kết thực hiện hương ước, gia đình tôi thường xuyên giáo dục các con phải tích cực phấn đấu học tập, chỉ được kết hôn khi đủ tuổi, nên ý thức của các cháu rất tốt”.
Ông Ướp cho biết: “Hương ước của làng được người dân thảo luận công khai, dân chủ, 100% hộ dân thống nhất, ký cam kết thực hiện. Các quy định của hương ước đã giúp người dân hiểu pháp luật hơn, biết “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” và nhận thức được những tác hại của tảo hôn gây ra, từ đó đi đến xóa bỏ thói quen lấy vợ, lấy chồng sớm”.
Làng Xà Tang có gần 100 hộ dân, đa số là người dân tộc thiểu số, trong đó nhiều hộ có con em đang ở trong độ tuổi vị thành niên, thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ tảo hôn cao. Bí thư Chi bộ làng Xà Tang Đinh Văn Ngái cho hay, từ năm 2021, Ban Quản lý làng đã đưa nội dung không tảo hôn vào hương ước. Trong đó, bên cạnh xử phạt, làng còn quy định hộ nào vi phạm sẽ không được vay vốn ưu đãi; không được đánh giá, xếp loại gia đình văn hóa trong năm; cấm cán bộ, đảng viên tham gia tổ chức hôn lễ, đám cưới tảo hôn và kêu gọi người dân phản đối, không thừa nhận các cuộc hôn nhân trái quy định. Nhờ vậy, những năm qua làng đã đẩy lùi được tình trạng tảo hôn.
Ông Trần Minh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh An, cho hay nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều biện pháp, từ năm 2022 đến nay, ở Vĩnh An đã không còn tình trạng tảo hôn. Để xóa bỏ vấn nạn này, Đảng ủy xã sẽ chỉ đạo cho MTTQ và các tổ chức thành viên, cán bộ, đảng viên nâng cao công tác dân vận về giảm thiểu tảo hôn; xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm theo hương ước, các quy định của pháp luật; tổ chức vận động người dân ký cam kết không tảo hôn, không vi phạm các quy định về chính sách dân số... nhằm nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.
TRIỀU CHÂU